Doanh nghiệp trước 'luật chơi' mới

THANH GIANG 14/08/2023 07:10

Chuyển đổi xanh chính là luật chơi mới mà thị trường đang đòi hỏi cấp thiết, buộc doanh nghiệp (DN) phải thích nghi sớm. Nếu không đáp ứng được “luật chơi” này, DN khó tham gia thị trường.

Ngành may mặc khá chật vật trong việc chuyển đổi xanh.

“Chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để DN tham gia thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường các nước” - ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu nói.

Chật vật chuyển đổi xanh

Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều ngành nghề đang gặp khó trong chuyển đổi xanh. Đơn cử ngành dệt may đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hoá chỉ mới đạt 30 - 35%. Hơn nữa, đầu ra chủ yếu là gia công, nên ngành dệt may trong nước không chủ động được trong việc nghiên cứu, cải tiến công nghệ, định hướng thị trường theo hướng bền vững, khó có thể xanh hóa. Ông Phan Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM cho biết, hiện nay chỉ mới có khoảng 15% -16% DN dệt may đã và đang chuyển đổi xanh. Vẫn còn nhiều DN có tâm lý chờ đợi thị trường hồi phục, mà không nhận thấy lúc này là cơ hội vàng để chuyển đổi xanh.

Trong khi đó, TS Phạm Thị Hồng Phượng - Giảng viên Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, Việt Nam mới chỉ chủ yếu sản xuất thủ công do chưa được đầu tư nhiều về công nghệ. Với nguyên liệu thân thiện môi trường, hiện đã có đề án nghiên cứu thành công vải làm từ sợi bẹ chuối và sợi lá dứa và đề án này đã được triển khai ở 2 vùng nguyên liệu Đồng Nai và Long An. Tuy nhiên, do vướng về giá cả nên sản phẩm vẫn chưa thể ra mắt. Đã có DN đồng ý nhận xơ bẹ chuối, bạc hà dệt thành vải, nhưng giá khá cao, khoảng 200.000 đồng/kg xơ, trong khi loại sợi nhập khẩu giá cao nhất hiện nay chỉ 80.000 đồng/kg. Đây cũng là trở ngại để DN chuyển đổi theo hướng xanh hóa.

Với ngành chế biến gỗ, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, ngoài những quy định bắt buộc hiện hành, DN gỗ sẽ đối diện với những đòi hỏi mới như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10/2023. Hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.

“Với hiện trạng ngành gỗ Việt Nam có trữ lượng rừng trồng đáng kể, nếu thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, thị trường tín chỉ carbon chính là cơ hội để DN nội thất Việt Nam gia tăng lợi thế” – ông Trai nhấn mạnh.

Yêu cầu tất yếu

Các nước đang hành động mạnh mẽ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, vì vậy đã ban hành những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu. Các ngành hàng xuất khẩu xuất khẩu không thể đứng ngoài cuộc. “Chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để DN tham gia thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường các nước” - ông Trai nói.

Theo ông Huỳnh Minh Vũ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TPHCM (CIIS), hiện nay, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả hàng hóa. Nếu DN không có chiến lược chuyển đổi, khách hàng sẽ lựa chọn những nhà cung cấp khác đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh và phát triển bền vững. Đây chính là lý do tại sao DN sẽ mất đơn hàng. Cũng theo vị này, trong bối cảnh hội nhập, ngoài mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư ở phạm vi khu vực, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới còn tích hợp các cam kết về môi trường và phát triển bền vững. Vì vậy, DN xuất khẩu cần hướng tới việc cân bằng các yếu tố về kinh tế - xã hội - môi trường trong quá trình phát triển.

Chia sẻ về yêu cầu chuyển đổi xanh đối với DN xuất khẩu, bà Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công thương cho biết, ngành dệt may toàn cầu đang dần chuyển đổi theo hướng xanh hóa. Cụ thể, là những thay đổi quy trình sản xuất, lưu thông sản phẩm theo hướng giảm thiểu ô nhiễm đầu vào và đầu ra, tiết kiệm nguồn lực, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Do đó, các tiêu chí để đạt được mục tiêu xanh hóa rất quan trọng, DN cần quan tâm đến các vấn đề, như: hiệu quả năng lượng; tiết kiệm nước; sử dụng năng lượng tái tạo; xử lý chất thải và bao bì. Hơn nữa, xu hướng chuyển đổi xanh tác động đến dịch chuyển của chuỗi cung ứng, đã và đang tác động trực tiếp đến các DN dệt may Việt Nam trong thời gian gần đây.

Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp không thể đứng ngoài “luật chơi" mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp trước 'luật chơi' mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO