Trong nửa đầu năm- Vinasun, hãng taxi lớn nhất thị trường phía Nam chỉ đạt 522 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ và ghi nhận khoản lỗ ròng 128 tỷ đồng. Vinasun chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp (DN) bị thua lỗ, buộc phải cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của Covid-19.
Thua lỗ, cắt giảm nhân sự
Báo cáo tài chính quý II/2020 của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) vừa công bố cho biết, doanh thu cả quý II của DN này chỉ đạt 156 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Đây đã là quý thứ 5 liên tiếp doanh thu Vinasun đi xuống. Báo cáo nêu rõ, doanh thu giảm sâu khiến Vinasun lỗ gộp gần 64 tỷ đồng và lỗ tới 115 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính, cao gấp hơn 3 lần so với quý trước. Không chỉ hoạt động kinh doanh đi xuống, mảng thanh lý xe của Vinasun cũng kém hiệu quả, thể hiện qua lợi nhuận khác chỉ 3,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước gần 18 tỷ đồng.
Thực tế này khiến Vinasun báo lỗ trước thuế tới 111 tỷ đồng trong quý II/2020, cao gấp 6,5 lần số lỗ quý I. Đây là khoản lỗ quý thứ hai liên tiếp và lớn nhất trong lịch sử 35 năm kinh doanh của hãng taxi này. Trong nửa đầu năm, hãng taxi lớn nhất thị trường phía Nam đạt 522 tỷ doanh thu, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ và ghi nhận khoản lỗ ròng 128 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 61 tỷ).
Kinh doanh, làm ăn thua lỗ khiến Vinasun cũng phải cắt giảm nhân sự. Báo cáo của Công ty cho hay, tại thời điểm 30/6/2020, số công nhân làm việc tại đây chỉ còn 4.625 nhân viên, giảm 1.165 người so với hồi đầu năm.
Theo lý giải từ lãnh đạo DN, tương tự nhiều dịch vụ khác trên cả nước, hoạt động của Hãng cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Thậm chí, Hãng đã phải tạm dừng hoạt động trong phần lớn tháng 4 vừa qua.
Vinasun chỉ là một trong số hàng ngàn DN bị sụt giảm doanh thu, cắt giảm lao động một cách nặng nề do những tác động bởi đại dịch Covid-19. Theo ông Tăng Bá Khang- Phó Giám đốc Công ty CP chế tạo máy Vinacomin, dịch bệnh Covid-19 tác động đến tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Công ty CP chế tạo máy cũng đã phải cắt giảm nhân công từ 1.000 lao động hiện nay chỉ còn 800 lao động.
Nhiều DN các lĩnh vực bất động sản, da giày, dệt may… cũng đã phải cắt giảm một số lượng không nhỏ nhân công khi mà phải tạm ngưng hoạt động 2,3 tháng trời. Đối với các DN ngành may mặc, da giày, đại dịch Covid-19 còn làm đứt gãy hợp đồng, khiến DN trong các lĩnh vực này không còn đơn hàng để sản xuất, buộc phải giảm bớt nhân công…
Nêu lên bức tranh kinh tế sau cơn hoành hành của đại dịch Covid-19, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, Covid-19 đã có những tác động rất tiêu cực đến bức tranh tổng thể của nền kinh tế do cả nước tập trung vào nỗ lực chống dịch và thực thi giãn cách xã hội trong một thời gian khá dài.
Thêm vào đó, kinh tế Việt Nam với độ mở cao, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào thương mại, FDI, du lịch quốc tế, trong khi đó các đối tác chính là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc thì lại đang hứng chịu những tổn thất nặng nề do Covid.
Theo báo cáo từ Ipsos, 90% người Việt bị giảm thu nhập, 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng, tỷ lệ lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong 10 năm qua.
Thách thức nhưng cũng là cơ hội
Để có thể vực dậy được trong giai đoạn hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tối ưu mọi chi phí là điều mà DN cần phải thực hiện, đồng thời qua đó tái cấu trúc DN, định vị lại sản phẩm để có thể vượt qua khó khăn, hồi sinh hậu Covid-19.
Ông Tăng Bá Khang cho biết, bản thân DN đã rất nỗ lực trong việc đầu tư máy móc, công nghệ mới nhằm tăng năng suất, thay thế sức người bằng sức máy. “Theo đó, Công ty đưa vào hoạt động dây chuyền cán thép vì lò với công suất 75.000-80.000 tấn đạt doanh thu khoảng 800 tỷ đồng/ năm. Với việc đầu tư công nghệ mới, Công ty đã giảm được nhiều gánh nặng chi phí như giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu…”- ông Khang nói.
Mặc dù khó khăn do đại dịch gây ra khiến nhiều DN phải cắt giảm nhân sự, song nhiều ý kiến cho rằng, DN phải tính toán một cách hợp lý, có kế hoạch cắt giảm rõ ràng và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, đây là thời điểm minh chứng rõ nhất những DN nào nội lực khỏe, khả năng quản trị vững vàng, có thể hồi sinh nhanh nhất.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện có nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Thị trường tiêu thụ nội địa với gần 100 triệu dân, dân số trẻ cũng là một cơ hội, lợi thế lớn để các DN trong nước khai thác từ đó có thể hồi sinh.
“DN Việt nên tận dụng tốt những cơ hội này để cơ cấu lại nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó nâng cao khả năng quản trị, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý phù hợp với thời kỳ hội nhập, ông Võ Trí Thành nêu quan điểm. Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, các DN tới đây cần có những bước đi cứng rắn hơn, trong đó phải nỗ lực kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh, sáng tạo và chuyển động cùng cách mạng công nghệ 4.0, xây dựng thương hiệu và trách nhiệm xã hội để không bị “ngợp” trước làn sóng hội nhập…