Để giảm thiểu khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, cơ quan quản lý đã có nhiều động thái trong việc giảm lãi suất vay ngân hàng và những hình thức hỗ trợ khác. Tuy nhiên, theo phản ánh từ cộng đồng DN vừa và nhỏ họ vẫn rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Ảnh minh họa.
Với số lượng trên 400 ngàn DN, chiếm khoảng 97% tổng số DN hiện nay, lực lượng DN nhỏ và vừa được coi là xương sống của nền kinh tế. Thế nhưng, hầu hết quy mô vốn của khu vực DN này không lớn, chưa đạt được đến 10 tỷ đồng mỗi DN. Chính bởi quy mô vốn nhỏ, nên khi gặp phải khủng hoảng kinh tế thời gian trước, nhiều DN buộc phải rời khỏi thương trường.
Những DN còn trụ được lại hiện nay không hoàn toàn “yên vị”, khó khăn vẫn còn đó. Nhiều DN buộc phải cắt giảm nhân công, thắt chặt chi tiêu để giữ cho “sóng yên bể lặng”. Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết DN vừa và nhỏ hiện nay đều rất khát vốn. Với quy mô vốn không lớn, chỉ cần gặp phải một “trận bão” nhiều DN sẽ trắng tay. Con số DN phải tạm ngừng hoạt động hoặc tuyên bố giải thể lên tới 68.000 DN (bằng lượng DN khó khăn, tạm ngừng hoạt động và giải thể của cả năm 2014) phần nào minh chứng được điều đó.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực trong việc điều chỉnh lãi suất vay xuống thấp, song, phần lớn các DN vừa và nhỏ đều phàn nàn rằng, việc tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng vẫn rất khó khăn.
Ông Trịnh Văn Đại, Giám đốc một công ty TNHH chuyên sản xuất và kinh doanh bao bì, cho biết, thủ tục vay vốn buộc phải đáp ứng được yêu cầu về tài sản thế chấp và không có “nợ xấu”. Tiêu chí “không nợ xấu” thì nhiều DN vừa và nhỏ có thể đáp ứng được, song, tiêu chí có tài sản thế chấp thì như “đánh đố”.
Chia sẻ với Đại Đoàn Kết, ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Nam Khánh (Gia Lâm, Hà Nội) cũng cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay mà các DN Việt Nam phải đối diện chính là vốn ít, nguồn lực yếu nên họ không thể mở rộng được quy mô sản xuất, kinh doanh, do đó các DN như vậy chỉ cần một “tổn thương nhẹ” là có thể “ngã ngựa giữa dòng”.
Số liệu thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay, chỉ có khoảng 10% DN trong khu vực DN nhỏ và vừa có thể vay vốn ngân hàng một cách suôn sẻ, còn lại chủ yếu các DN cho biết, họ vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay do không thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu từ phía hệ thống ngân hàng: Có DN không có dự án khả thi, nhiều DN không có tài sản thế chấp…
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ , cả phía DN và phía ngân hàng đều có những lý do chính đáng của mình. Phía ngân hàng cho vay cũng cần phải đảm bảo nguồn vốn vay đó không trở thành “nợ xấu”, còn DN cũng có những khó khăn riêng của DN. Quan trọng là, hai bên cùng phải tìm được tiếng nói đồng thuận.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, ngoài những nỗ lực trong việc hỗ trợ, giảm lãi suất ngân hàng từ phía nhà quản lý, bản thân các DN cũng cần phải rất cố gắng trong việc tự hoàn thiện bản thân, nâng cao khả năng quản trị, trình độ khoa học công nghệ để có thể đáp ứng với xu thế hội nhập, tham gia sân chơi toàn cầu hóa. Bởi khi đã bước chân vào sân chơi này, sẽ không có chỗ cho những DN ỳ trệ, nguồn lực yếu.