Việt Nam có nhiều dự án lớn về đường sắt đang được triển khai hoặc lên kế hoạch như: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường sắt kết nối biên giới hay các tỉnh, thành. Từ đây sẽ mở ra cơ hội tham gia cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất toa xe, sản xuất thép... phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Nhiều dự án đường sắt được triển khai sẽ mở ra tiềm năng phát triển ngành công nghiệp đường sắt và cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào các dự án trọng điểm này là rất lớn. (Ảnh minh họa sử dụng công nghệ AI. Thực hiện: Quang Vinh).
Cần lộ trình phát triển công nghiệp đường sắt
Quốc hội đã ban hành 3 Nghị quyết để triển khai các dự án đường sắt gồm: Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM.
Trong đó, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam có chiều dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh, thành; sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD. Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng chiều dài tuyến chính gần 400km, đi qua 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 8,37 tỷ USD. Dự kiến, dự án được khởi công vào cuối năm 2025.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch, Hà Nội dự kiến đầu tư đường sắt đô thị đến năm 2035, khoảng 397km đường; sau năm 2035, đầu tư tiếp khoảng 200 km. TPHCM dự kiến đầu tư đường sắt đô thị đến năm 2035 khoảng 183km; sau năm 2035, tiếp tục đầu tư khoảng 327km…
Các công trình, dự án đầu tư xây dựng trên có quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, đặc biệt đường sắt tốc độ cao lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công.
Ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam khi thông tin cụ thể định hướng phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã cho biết nhu cầu sản phẩm công nghiệp đường sắt tập trung ở 4 nhóm.
Nhóm công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt, cần cung cấp vật tư đường sắt với ray khoảng 28,7 triệu mét, ghi khoảng 11.680 bộ, tà vẹt khoảng 46 triệu thanh. Nhóm đầu máy, toa xe, đến 2030 cần đầu máy khổ 1.000mm là 15 chiếc, khổ 1.435mm là 250 chiếc; đến 2045 con số này lần lượt là 150, 2.000 chiếc. Tương tự, với toa xe, đến 2030 khổ 1.000mm là 26 chiếc, khổ 1.435mm là 1.760 chiếc; đến 2045 con số này lần lượt là 160 chiếc và 10.144 chiếc.
Nhóm hệ thống thông tin, tín hiệu gồm thông tin, tín hiệu dùng cho đường sắt hiện hữu và thông tin, tín hiệu dùng cho đường sắt điện khí hóa. Nhóm hệ thống điện sức kéo, đầu tư xây dựng mới 18 tuyến đường sắt điện khí; hệ thống cấp điện cho đường sắt quốc gia là nguồn điện xoay chiều 1 pha 25kV.
Rõ ràng những khối công việc phải thực hiện đang mở ra tiềm năng để phát triển công nghiệp đường sắt. Cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt tham gia vào các dự án trọng điểm này rất lớn.
Khẳng định Hòa Phát tự tin hoàn toàn có thể làm chủ sản xuất ray chất lượng cao, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho hay, đã đầu tư dự án sản xuất ray, dự kiến cuối năm 2027 sẽ có sản phẩm ray đầu tiên.
Ông Thắng kiến nghị Chính phủ đặt hàng DN thực hiện để có đảm bảo về đầu ra sản phẩm. Cùng đó, các cơ quan thẩm quyền cần sớm có tiêu chuẩn, quy chuẩn các loại ray cho các loại hình đường sắt, cho phép DN tham gia sâu cùng với các bộ phận kỹ thuật để sản xuất sản phẩm đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo chất lượng cao.
Liên quan đến sản xuất phương tiện đầu máy, toa xe, ông Phạm Trường Tùng - Giám đốc Cao cấp Kỹ thuật - Công nghệ, Công ty CP Công nghiệp Thaco cho biết, Thaco hoàn toàn có thể tham gia sản xuất toa xe. Tuy nhiên, DN cần được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai. Cụ thể, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất các sản phẩm công nghiệp đường sắt; áp dụng ưu đãi đầu tư theo dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao…
"Hỗ trợ kết nối các đối tác quốc tế để hợp tác chuyển giao công nghệ, đồng thời có các chính sách cho các DN đầu tư trong nước về tín dụng và chi phí cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển" - ông Tùng kiến nghị.
Theo PGS. TS Nguyễn Chỉ Sáng - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, cần xây dựng được lộ trình phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia gắn liền với việc phát triển mạng lưới đường sắt với tầm nhìn đủ dài và thực hiện một cách nhất quán và kiên định. Phải xác định được sớm các sản phẩm, dịch vụ của công nghiệp đường sắt cần nội địa hóa và tỷ lệ nội địa hóa theo các giai đoạn để đưa các yêu cầu này vào đầu bài thầu như điều kiện tiên quyết.
Định vị doanh nghiệp nội
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp đường sắt. Cụ thể, Việt Nam làm chủ công nghiệp xây dựng; từng bước làm chủ và nội địa hóa về chế tạo toa xe, hệ thống cấp điện động lực, hệ thống thông tin tín hiệu; tự chủ toàn bộ công tác vận hành, duy tu, bảo trì và sản xuất một số linh kiện thay thế.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) khẳng định cơ hội mở ra cho các DN sản xuất toa xe, trong đó có SBIC.
Theo ông Đạt, SBIC có hệ thống nhà xưởng và dây chuyền sản xuất tương đối hiện đại (như robot hàn tự động, máy cắt laser và dây chuyền sơn chống ăn mòn theo tiêu chuẩn châu Âu), có thể chuyển đổi để sản xuất các cấu kiện toa xe lửa; có đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng phục vụ gia công cơ khí chính xác; đội ngũ kỹ sư và nhân công được đào tạo bài bản có kinh nghiệm được chứng minh qua các sản phẩm cơ khí xuất khẩu; tay nghề thợ hàn được cấp chứng chỉ Nhật Bản, Na Uy, Pháp…
Các đơn vị của SBIC đã và đang áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, đáp ứng được yêu cầu khắt khe nhất của các chủ tàu Hà Lan, Anh, Canada, Na Uy, Hàn Quốc… nên có khả năng đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật, chất lượng, tiêu chuẩn của ngành đường sắt. Nếu có thiết kế về toa xe, SBIC chắc chắn sẽ có thể tự chủ đóng mới và bàn giao cho ngành đường sắt bởi thời gian qua tổng công ty đã sản xuất và bàn giao hàng chục toa xe khách và toa xe hàng, toa xe chở bồn nhiên liệu cho đường sắt.
Nhiều DN nội cho rằng, với các dự án đường sắt nên tách thành 2 hợp phần, gồm: hợp phần xây dựng từ đường ray trở xuống như cầu, đường, hầm; hợp phần công nghệ cơ khí phía trên đường ray trở lên như đầu máy toa xe, thông tin tín hiệu để từ đó mở ra cho doanh nghiệp nội tham gia.
Chẳng hạn với dự án đường sắt tốc độ cao, ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả đề xuất Nhà nước giao cho DN trong nước thực hiện xây dựng hạ tầng dự án đường sắt tốc độ cao theo hình thức chỉ định thầu. Hiệu quả của hình thức chỉ định thầu đã được chứng minh thông qua các dự án cao tốc Bắc – Nam trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, Nhà nước ưu tiên đối với các DN có năng lực về quản trị, tổ chức triển khai thi công đã được chứng minh trên thực tế…
Để “đón đầu” các dự án đường sắt, được biết Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác với nhiều trường đại học để tuyển sinh đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt, mô hình hợp tác gồm đặt hàng tại nguồn và đào tạo tại chỗ; nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt-metro của các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... nhằm chọn lọc "nhập khẩu" chương trình và chuyên gia đào tạo.
Còn ông Nguyễn Khánh Tùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt cũng chia sẻ, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với phần thi công kết cấu hạ tầng thì các nhà thầu trong nước có thể đảm nhận được. Với hệ thống thông tin tín hiệu, đầu máy, sản xuất ray, hiện các DN trong nước chưa thực hiện.
Quá trình triển khai, Ban Quản lý dự án Đường sắt sẽ nghiên cứu phương án để các nhà thầu trong nước có thể tham gia thi công hoặc có thể liên danh, hợp tác với các nhà thầu, DN nước ngoài để triển khai thi công, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư dây chuyền, máy móc thiết bị để sản xuất linh phụ kiện, vật tư, phương tiện, thiết bị cho dự án.
Chia sẻ với báo giới, ông Phạm Hữu Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cho biết, công nghệ đường sắt chạy trên ray, tốc độ thiết kế 160 km/h là phù hợp với điều kiện Việt Nam, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị xây dựng, cơ khí đường sắt tham gia sâu, tiến tới nắm bắt làm chủ công nghệ. Cùng với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án này là tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy:
Nỗ lực tự chủ nhiều hạng mục
Về phát triển công nghiệp đường sắt, Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu, đánh giá và định hướng tự chủ về công nghệ ở các nhóm: Vận hành và bảo trì; Công nghiệp xây dựng; Công nghiệp thông tin tín hiệu; Công nghiệp đầu máy, toa xe. Tùy từng nhóm và thị trường để định hướng làm chủ toàn bộ hay làm chủ từng phần.