Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh và trở thành động lực chủ chốt của nền kinh tế số. TMĐT tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025.
Để thích ứng với sự chuyển đổi và phát triển của kinh tế thế giới, đồng thời sẵn sàng linh hoạt nắm bắt cơ hội trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động không ngừng, doanh nghiệp (DN) Việt không thể đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi số.
Tuy nhiên, quá trình này không hề dễ dàng, DN gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi số, từ việc khó tiếp cận các công nghệ mới, đến thiếu nhân công và nguồn vốn… Một trong những khó khăn với các DN là áp dụng hợp đồng điện tử.
Chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết, ông Đình Bách, giám đốc một công ty nhập khẩu và phân phối trong nước cho biết, việc áp dụng hợp đồng điện tử vào các giao dịch, ký kết hợp đồng thời gian qua còn nhiều trắc trở: “Dù đã triển khai từ năm ngoái, nhưng chúng tôi vẫn gặp nhiều vấn đề như sự không tương thích, liên thông giữa các giải pháp hợp đồng điện tử được cung cấp từ các công ty khác nhau, khiến cho tôi và đối tác gặp khó khăn trong công tác lập, giao và ký hợp đồng.”
Ông Bách chia sẻ thêm: “Thời gian trước, khi chưa lựa chọn được bên cung cấp phù hợp với đủ các giải pháp xử lý toàn bộ các khâu từ tạo lập văn bản, đến giao kết, ký kết và lưu trữ hợp đồng, thì mỗi khi hợp đồng điện tử được tạo xong, chúng tôi lại phải in ra ký, rồi lại chụp lên hệ thống và gửi cho nhau. Việc này vừa tốn thời gian, vừa tốn giấy mực. Thậm chí, để ký hợp đồng điện tử với các đối tác nước ngoài là rất khó, khi họ chưa có chữ ký số được chứng thực, hoặc chữ ký số của họ được chứng thực ở quốc gia của họ nhưng lại không sử dụng được ở Việt Nam…
Ngoài ra, tôi còn có một nỗi lo lắng khác, đó là về tính pháp lý của hợp đồng điện tử, với những đơn hàng có giá trị lớn, thông thường tôi vẫn lựa chọn sử dụng hợp đồng giấy chứ không chọn ký hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, vấn đề này từ khi Bộ Công Thương xây dựng trục phát triển hợp đồng điện tử thì cũng đã được giải quyết tương đối.”
Để xây dựng hệ sinh thái số bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tục có những giải pháp để hỗ trợ các DN trong nước, trong đó, Bộ đã từng bước tháo gỡ những vướng mắc về triển khai hợp đồng điện tử. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để DN chuyển đổi số và phát triển thị trường TMĐT nhiều tiềm năng.
Chia sẻ tại Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn”, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương - cho biết, giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về giao dịch điện tử, được thể hiện trong Luật mẫu của UNCITRAL về TMĐT và Công ước Liên hợp quốc về giao kết hợp đồng sử dụng chứng từ điện tử. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT cũng đã đưa ra những quy định mang tính nền tảng để đảm bảo cho giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, trong đó có vấn đề chứng thực hợp đồng điện tử. Với tinh thần đồng hành và hỗ trợ, Cục TMĐT và Kinh tế số luôn khuyến khích các DN, cơ quan quản lý, và các tổ chức liên quan cùng tham gia xây dựng một hệ sinh thái số bền vững.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc triển khai chữ ký số và hợp đồng điện tử tại Việt Nam, ông Đỗ Quang Yên, Giám đốc Trung tâm Giải pháp C-SUITE CMC TS, Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC chia sẻ, hợp đồng điện tử đóng vai trò “nút thắt cuối cùng” của chuỗi chuyển đổi số, đảm bảo sự minh bạch và tự động hóa giữa các bên tham gia, từ khách hàng, đối tác đến quản lý nội bộ. Nhiều DN đã áp dụng các hệ thống CRM, ERP, Big Data và AI để tối ưu hóa quy trình và chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trực tuyến.
Ông Đỗ Kế Công - Giám đốc Trung tâm chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT - ghi nhận thách thức mà DN gặp phải khi áp dụng hợp đồng điện tử, như chi phí, thủ tục phức tạp, và thiếu sự chấp nhận từ các bên thứ ba (như cơ quan thuế, kho bạc). Để khắc phục, VNPT đưa ra nhiều giải pháp cải tiến, như loại bỏ phí khởi tạo chữ ký số và cung cấp các gói ký với chi phí linh hoạt chỉ từ 1.000 VNĐ mỗi lượt ký.
Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn”.
Trong quá trình thực thi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) về thương mại điện tử, đã có 11 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) được xác nhận đăng ký với vai trò đảm bảo về mặt kỹ thuật để quá trình ký kết hợp đồng/giao kết điện tử trên môi trường trực tuyến diễn ra an toàn. Các tổ chức CeCA sẽ cung cấp một hạ tầng số giúp DN, người dân sử dụng hợp đồng điện tử được bảo vệ bởi công nghệ xác thực và tin cậy, hướng tới kết nối kỹ thuật và hỗ trợ các bên thứ 3 (thuế, ngân hàng, tổ chức tài chính, cơ quan giải quyết tranh chấp) thực hiện nghiệp vụ liên quan. Tính đến hết tháng 8/2024, hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực.