Kinh tế

Doanh nghiệp với quá trình số hóa

HÀ AN 30/01/2024 07:28

Sức mua giảm, giá nguyên vật liệu, giá dịch vụ logistics…tiếp tục là những thách thức với các doanh nghiệp (DN) trong năm 2024. Vấn đề cấp bách là làm thế nào để thúc đẩy chuyển đổi số trong DN.

anhtren.jpg
Doanh nghiệp nỗ lực đầu tư công nghệ để nâng sức cạnh tranh. Ảnh: An Nguyên.

Làm sao chuyển đổi số hiệu quả

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), DN nhỏ và vừa chiếm trên 97% số DN cả nước, giải quyết việc làm khoảng 36% tổng số lao động làm việc trong các DN, thu hút khoảng 32% tổng nguồn vốn, tạo ra doanh thu thuần chiếm khoảng 26% tổng doanh thu thuần của khối DN, đóng góp hơn 40% GDP.

Tuy nhiên, những ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 đã khiến cộng đồng DN nhỏ và vừa “suy sụp” sức khỏe. Giới chuyên gia cho rằng, bên cạnh chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, địa phương việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số được xem là chìa khóa để DN nhỏ vừa vượt khó và bứt phá. Song, việc tiếp cận với nền kinh tế số đối với nhiều DN nhỏ và vừa không hề đơn giản.

Về vấn đề này, ông Lê Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA cho rằng, chuyển đổi số DN là phải thay đổi từ tư duy cho đến thực tế triển khai. “Trong quá trình giúp cho DN nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động thông qua công nghệ, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, chúng tôi thấy rằng, nếu không chuyển đổi số, DN sẽ khó tồn tại. Vì đối thủ cạnh tranh của DN đang thực hiện sự thay đổi về công nghệ để cho ra các sản phẩm mới và hình thành cách giải quyết bài toán khác cho khách hàng” - ông Quang nói và đưa ra ví dụ, Công ty cổ phần Rạng Đông được coi là một điển hình trong chuyển đổi số. Công ty này đã số hóa các giải pháp thành sản phẩm chiếu sáng thông minh, do vậy, DN đang có những bước phát triển ổn định và bền vững. “Trong bức tranh của chuyển đổi số, ít có DN đứng ngoài cuộc. Chỉ là, DN đang đứng ở “công đoạn” nào trong quá trình chuyển đổi số” - ông Quang nhấn mạnh.

Chủ động đổi mới công nghệ

Chia sẻ về giải pháp bán hàng đa kênh trên nền tảng số, chuyên gia Phương Thị Minh Thu - Giám đốc điều hành Văn phòng Hà Nội của Công ty Truyền thông PMAX cho biết, bán hàng đa kênh trên nền tảng số đang đứng trước nhiều thời cơ mới. Thay vì phụ thuộc vào một kênh mua sắm duy nhất, người tiêu dùng đang có nhiều lựa chọn về địa điểm và cách thức mua sắm hơn, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Các kênh xã hội tiếp tục phát triển và là một trong những hành vi sử dụng thường ngày của người tiêu dùng.

Để khơi nguồn tăng trưởng cho việc bán hàng đa kênh trên nền tảng số, bà Thu cho rằng, mỗi DN cần có sự thông suốt từ chiến lược tới thực thi, đảm bảo tính thống nhất với chiến lược kinh doanh. DN cũng cần phải quản lý chiến dịch bán hàng theo mùa trong năm. Đồng thời, không ngừng mang lại trải nghiệm mua sắm mới cho người tiêu dùng và tối đa hóa tác động của từng chiến dịch.

Để hỗ trợ DN, hiện nhiều địa phương cũng triển khai các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đơn cử với DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tỉnh Đồng Tháp còn hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ phù hợp với DN nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN; hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với DN nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/ DN; hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/ DN.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, theo các chuyên gia, so với nhiều nước trong khu vực, sức ép của DN nhỏ và vừa của Việt Nam lớn hơn nên DN cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững; ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của nhau, tìm kiếm thông tin, cơ hội đầu tư, góp vốn sản xuất... để đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới của thị trường, đạt trình độ phát triển cao trong khu vực.

GS.TS Hoàng Văn Hải - cố vấn cấp cao Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động hiện nay, DN cần phải đổi mới hoàn toàn cách thức xây dựng và thực thi chiến lược. Các DN nhỏ và vừa, cần chú trọng đến 2 yếu tố: Giải pháp và mục tiêu chiến lược. “Giải pháp chiến lược là con đường và cách thức để đạt được mục tiêu chiến lược” - ông Hải nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp với quá trình số hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO