Sau cơn bão số 3 (bão Yagi - năm 2024), Hà Nội có nhiều cây xanh bị đổ. Rất nhiều trong số đó là những cây cổ thụ, trong đó, có một cây xà cừ 70 năm tuổi ở vườn hoa Cổ Tân. Êkíp sáng tạo Tia-Thủy Nguyễn đã đề xuất "hồi sinh" cây cổ thụ này.
Thay vì chặt hạ hoàn toàn hay xử lý như rác thải sinh học, chính quyền quận Hoàn Kiếm cùng với các nghệ sĩ đã đưa ra một hướng tiếp cận mới: giữ lại phần thân cây để chế tác thành tác phẩm nghệ thuật. Ý tưởng ấy đã mở ra một cách tiếp cận sáng tạo với di sản thiên nhiên rất mới.
Dưới bàn tay của các nghệ sĩ, hơn 6 tấn thép đã được khéo léo sử dụng để tạo hình thân, cành và lá cây, như một nỗ lực "bắt lấy ánh sáng mặt trời". Mỗi khi nắng lên, những tia sáng chiếu qua lớp thép lấp lánh như tiếng hát reo vui của sự sống.
Hà Nội có đủ bốn mùa, nhưng chẳng ngày nào ánh nắng giống nhau – cũng như chẳng có tia nắng nào hoàn toàn lặp lại. Chính sự biến đổi không ngừng đó khiến tác phẩm mang nhiều sắc thái, tựa như một tấm gương phản chiếu cuộc sống đa dạng, vũ trụ đầy tầng lớp và chiều sâu. Đó là điều mà nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn muốn truyền tải qua tác phẩm này.
Khi công trình hoàn tất, những cư dân sống gần khu vực vườn hoa đã không khỏi ngỡ ngàng. Cây xà cừ cổ thụ – tưởng như chỉ còn là ký ức – nay lại hiện diện một cách mới mẻ và bất ngờ, mang theo thông điệp về sự tái sinh, về tính nhân văn và vẻ đẹp vượt thời gian. Không ít du khách, đã dừng chân, check-in, và thưởng thức khoảnh khắc thiên nhiên và nghệ thuật giao thoa đầy thi vị ấy.
Tên gọi “Hồi sinh” không chỉ phản ánh quá trình sáng tạo vật lý, mà còn là thông điệp sâu sắc về tinh thần lạc quan, sự nối dài của sự sống, và niềm tin vào khả năng phục hồi. Đây cũng là lời nhắn gửi về cách chúng ta có thể “hồi sinh” giá trị từ những gì tưởng chừng đã mất, đồng thời truyền cảm hứng về mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên trong đô thị hiện đại.
Cụ Đỗ Thị Vân (92 tuổi, trú tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Trước đây, vị trí này từng có một cây xà cừ cổ thụ đã nhiều năm tuổi. Sau một cơn bão lớn, cây bị quật đổ. Không ngờ rằng từ thân cây ấy, người ta lại có thể tạo nên một tác phẩm nghệ thuật vừa đẹp vừa ý nghĩa. Tác phẩm này khiến người qua đường phải dừng lại, phải suy ngẫm".
Say sưa chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của tác phẩm đặc biệt này, cô Nguyễn Thúy Hà - một người con của Hà Nội, đã vào Nam sinh sống suốt 30 năm chia sẻ: "Đây là một ý tưởng tuyệt vời. Cây xà cừ này gắn liền với biết bao ký ức của khu phố, của vườn hoa. Thật mừng là các nghệ sĩ đã hồi sinh nó thành một tác phẩm nghệ thuật không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn hàm chứa triết lý về sự hồi sinh” - cô Hà chia sẻ.
Có thể thấy, đây là một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng “nghệ thuật công cộng” - nơi nghệ thuật hiện diện ngoài không gian phòng trưng bày, hòa vào đời sống thường nhật. Người dân khi đi qua, dừng lại chiêm ngưỡng tác phẩm “Hồi sinh” không chỉ được ngắm nhìn mà còn có cơ hội suy ngẫm về câu chuyện phía sau - câu chuyện của sự chuyển hóa, thích ứng và lòng yêu mến đô thị mình đang sống.
Ông Trịnh Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, tác phẩm “Hồi sinh” là sáng tạo của nhóm các nghệ sĩ, được hình thành từ ý tưởng tái sinh một cây xà cừ cổ thụ đã bị đổ sau cơn bão Yagi thành một tác phẩm nghệ thuật, giàu tính biểu tượng và cảm xúc. Với thông điệp về vòng đời “Sinh - Diệt - Hồi sinh”, tác phẩm thể hiện sự tri ân thiên nhiên và tôn vinh những giá trị bền vững của cây xanh đô thị - những “di sản sống” gắn bó với đời sống người dân Thủ đô.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, UBND quận Hoàn Kiếm định hướng việc đưa nghệ thuật vào không gian công cộng như một phần trong chiến lược phát triển đô thị sáng tạo. Chúng tôi mong muốn thông qua những tác phẩm như “Hồi sinh”, cộng đồng không chỉ được trải nghiệm nghệ thuật gần gũi, hàng ngày, mà còn được truyền cảm hứng về trách nhiệm bảo tồn môi trường, phát huy giá trị di sản và thúc đẩy sự tham gia của người dân trong việc kiến tạo không gian sống văn minh, hiện đại.
Giữa nhịp sống hối hả của Hà Nội, một tác phẩm nghệ thuật mới mang tên “Hồi sinh” vừa được dựng lên tại vườn hoa Cổ Tân, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Ít ai ngờ rằng, tác phẩm này được làm từ một cây xà cừ cổ thụ, bị đổ trong đợt bão Yagi. “Cụ cây” giờ mang trong mình hình hài mới, thấm đẫm tinh thần sáng tạo...