Độc đáo 'mật ngữ' Đa Chất

Như Ngọc 29/07/2017 08:00

Người dân sinh sống tại Đa Chất - một ngôi làng cổ ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội với nghề truyền thống đóng cối xay tre, đã sáng tạo ra một ngôn ngữ riêng để phục vụ nghề nghiệp kiếm sống. Điều đặc biệt là ngôn ngữ ấy biệt lập hoàn toàn với tiếng Việt thông thường, đó không phải cổ ngữ, thổ ngữ… mà chính là tiếng lóng.

Ông Nguyễn Văn Sớm.

Nguồn gốc “tiếng lóng”

Nằm ngay bên dòng sông Nhuệ hiền hòa, làng Đa Chất (thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên) cách trung tâm thành phố Hà Nội 40km về phía Nam. Xa xưa, bên cạnh nghề trồng lúa mỗi năm một vụ thì những lúc nông nhàn thanh niên trai tráng trong làng còn có nghề đóng cối xay.

Thế nhưng đặc trưng lớn nhất của Đa Chất không nằm ở nghề thủ công này mà nằm ở chính ngôn ngữ của làng. Dân làng không biết được chính xác từ khi nào tiếng lóng xuất hiện, ai là người nghĩ ra và sử dụng đầu tiên. Chính vì vậy mà làng Đa Chất không có không gian thờ Tổ nghề như các làng nghề truyền thống khác.

Một tổ thợ cối chỉ có hai người là thợ phó cả và thợ phó hai, thường có quan hệ ruột thịt: cha - con, anh - em, chú - cháu. Họ thường chọn địa bàn trung du miền núi phía Bắc đề đóng cối bởi việc làm ra một cối tre tiêu tốn rất nhiều tre nguyên liệu khi mà vùng đồng bằng không thể cung cấp đủ.

Do xa xôi nên những người thợ cùng ăn cùng ở với nhà chủ, nhiều khi cần trao đổi chuyện riêng lại sợ bị nghe thấy. Vì thế họ sáng tạo ra ngôn ngữ giao tiếp riêng với nhau. Người thợ phó cả không chỉ truyền nghề, truyền kinh nghiệm mà còn truyền cả tiếng lóng cho thợ phó hai. Cứ thế hình thành nên bộ mật ngữ mà chỉ những người thợ đóng cối mới hay dùng và chỉ người làng mới hiểu.

Cuốn sách văn hóa dân gian của làng

Tiếng lóng Đa Chất thực chất chỉ là ngôn ngữ truyền miệng, dù có từ rất lâu đời nhưng không có sổ sách nào ghi chép lại hoàn chỉnh cho đến khi Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (CCH) về làng. Cùng với các cụ già có thâm niên sử dụng tiếng lóng trong nghề đóng cối, Trung tâm CCH liệt kê lại được khoảng 200 từ, 35 bối cảnh sử dụng tiếng lóng trong đời sống. Hiện nay trong làng có hai cuốn “Văn hóa dân gian làng Đa Chất” của tác giả Chu Huy - Nguyễn Dẫn do ông Nguyễn Văn Sớm (86 tuổi) và ông Nguyễn Ngọc Đoán (81 tuổi) lưu giữ.

Dù đã tìm hiểu sơ qua về ngôn ngữ của làng nhưng khi đến gặp ông Nguyễn Văn Sớm, tôi vẫn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi ông nói: “Nhát thít mận thu”, “Nhát sởn lõng ngáo bệt tõi sưỡn ư?”. Thấy tôi ngớ người không hiểu gì ông mới dịch lại rằng: “Cháu uống nước chè đi”, “Cháu đến hỏi về tiếng lóng của làng à?”. Theo lời ông Sớm thì cuốn sách ông giữ đang được cán bộ văn hóa mượn, nhưng những từ ngữ trong đó ông đều nhớ cả.

Theo ông Sớm thì tiếng lóng làng ông chủ yếu là những từ chỉ người, chỉ vật, động từ và một số từ biểu thị thái độ như: “nhát - cô gái; sảo - chàng trai; choáng - xinh đẹp; suộm - xấu; tới - cá; nhào - thịt lợn; gành - chén bát; chèo - đôi đũa; sởn - đến; dính vụ - gặp việc; ngáo - xem, hỏi…”. Nhớ lại những ngày tháng đi đóng cối xay, khi muốn giục thợ phụ làm nhanh ông Sớm bảo: “Xấn lăn cho choáng, có gành thít cắng, có nhào êm” (làm nhanh cho đẹp, có rượu uống, có thịt lợn ngon).

Ông Nguyễn Xuân Mai.

Ăn nước của làng mới nói được tiếng lóng

Rời nhà ông Sớm đến ngã ba, tôi men theo con đường bê tông hướng ra đình để gặp cán bộ thôn. Khi trò chuyện với bác Nguyễn Xuân Mai - Phó thôn Đa Chất tôi biết thêm nhiều điều đặc biệt về làng. Bác Mai thuộc thế hệ trung niên, sinh ra thì nghề đóng cối đã mai một nhưng tiếng lóng vẫn còn nguyên vẹn. Trong tiềm thức, bác nhớ rằng chẳng ai bảo ai, cứ là người làng thì được nghe, được dạy tiếng lóng rồi lâu dần thành quen. Nhưng đặc biệt tiếng lóng chỉ truyền cho người Đa Chất, không lọt được ra ngoài.

Bác Mai tiết lộ, người ngoài không học được tiếng lóng còn có lý do khác, đó chính là nguồn nước của làng. Nếu không ăn nước Đa Chất từ khi sinh ra thì khó mà nhớ được “mật ngữ”, hễ dạy xong ra khỏi làng lại quên. Con dâu, con rể từ nơi khác về cũng không thể nhớ được thứ tiếng này, chỉ có con của làng mà thôi. Phó thôn cũng nói thêm, khi dùng tiếng lóng thì người nói bắt buộc phải nói nhanh, nói lướt để người khác không chú ý. Những người quen nghe sẽ nhờ đó mà hiểu được nội dung câu nói, nếu bị người ngoài phát hiện có hỏi lại thì ý nghĩa câu nói đã được chuyển sang hướng khác.

Tiếng lóng Đa Chất trong cuộc sống hiện nay

Đi dọc thôn Đa Chất, thỉnh thoảng lại nghe được dăm ba câu tiếng lóng mà người ngoài làng sẽ rất khó để nhớ và hiểu. Khi được hỏi về việc sử dụng tiếng lóng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, bà Lê Thị Sáng (người dân thôn Đa Chất) niềm nở: Vì làm nghề buôn bán, đi chợ ở xã khác nên ngày nào bà cũng phải dùng để trao đổi giá cho tế nhị. Chẳng hạn như họ bán đắt mình bảo nhau không mua là: “Cong không tớp” hoặc có người lạ vào làng mà muốn bàn tán gì thì nói: “Ngáo êm quá, hào quang choáng, bương khoảng dỉa” (ý là: trông xinh gái quá, mặt đẹp quá, quần áo sạch sẽ quá).

Ông Nguyễn Văn Phường - nguyên Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên cũng là người làng Đa Chất cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây có nhiều cơ quan nghiên cứu văn hóa, di sản về tìm hiểu tiếng lóng. Chính quyền xã cùng với nhân dân trong thôn đang sáng tạo thêm nhiều từ mới phù hợp với cuộc sống hiện đại. Có thể liệt kê như: máy móc - sưỡn, điện thoại - sưỡn vành, đài radio - sưỡn tõi, đi xe máy - sởn sưỡn, miêng - mở, đầu - ô hô, râu tóc - tó, quạt - vẫy, say - đảo… Song song với sử dụng tiếng lóng thì người làng Đa Chất vẫn nói tiếng Việt phổ thông hàng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo 'mật ngữ' Đa Chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO