Người dân Thủ đô không khỏi ngỡ ngàng trước những gian hàng đổi rác lấy thực phẩm mọc lên trên những con đường, tuyến phố.
Những gian hàng bán thực phẩm thiết yếu xuất hiện tại nhiều nơi trên địa bàn thủ đô thu hút sự chú ý của không ít người dân.
Không chỉ bày bán rau củ, hoa quả...phục vụ nhu cầu của khách hàng như bình thường, điều đặc biệt tại những gian hàng này là chúng còn chứa rất nhiều phế liệu từ vỏ lon đến giấy bìa, sắt vụn...
Theo đó, người dân có thể mang phế liệu, chất thải rắn có thể tái chế đến gian hàng để đổi lấy thực phẩm. Bảng giá cho mỗi loại phế liệu cũng như thực phẩm đều được niêm yết công khai.
Bà Trần Phương Hoa (56 tuổi, phường Văn Miếu, Đống Đa) cho biết: "Gian hàng này đã xuất hiện khoảng 2 tuần nay, ban đầu người dân còn bỡ ngỡ nhưng sau đó thấy vài người ra đổi vỏ lon, giấy vụn được mang thực phẩm về nên những ngày sau gian hàng đã rất đông người đến. Gia đình tôi sau khi biết đến gian hàng này cũng đã thu dọn nhiều phế liệu mang đến để đổi lấy thực phẩm".
Còn chị Hoàng Phương Thảo (31 tuổi, phường Văn Miếu) chia sẻ, từ khi biết đến gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm này ở ngay cạnh nhà, chị cùng nhiều hàng xóm trên đường Ngô Sĩ Liên đã bảo nhau dọn dẹp nhà cửa, thu gom giấy vụn, vỏ lon từ đợt dịch để đem đổi lấy thịt, cá.
"Những ngày bị phong tỏa đến nay, rất nhiều vỏ lon, bìa cát tông tôi thu gom lại mà chưa thấy các cô buôn sắt vụn đến mua, thấy gian hàng này tiện quá nên ra đổi luôn. Vừa dọn nhà lại vừa có thực phẩm mang về", chị Thảo cho hay.
Cũng theo đánh giá của chị Thảo, những mặt hàng tại đây đều rất đa dạng, từ rau củ, hoa quả, thịt cá đến cả những hàng khô như gạo muối, gia vị...Tất cả đều tươi ngon và có nguồn gốc rõ ràng.
Từ khoảng 6h sáng, ông Trần Ngọc Tuấn (đại diện của đơn vị tổ chức) đã có mặt tại gian hàng thực phẩm tại địa chỉ số 3 Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội).
Ông Tuấn cùng một vài nhân viên tại gian hàng nhanh chóng bày biện thực phẩm để chuẩn bị cho ngày bán hàng mới.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, ông Tuấn cho hay: "Từ khi triển khai các gian hàng này, chúng tôi nhận được rất nhiều sự đồng tình ủng hộ của bà con. Mọi người đều phân loại phế liệu trước khi mang đến và vui mừng khi được đổi lấy thực phẩm thiết yếu mang về.
Tất cả các mặt hàng tại gian hàng đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có mã vạch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm".
Cũng theo ông Tuấn, mỗi ngày gian hàng thu mua trung bình từ 100 đến 150 kg phế liệu, thậm chí có ngày lên đến hơn 200 kg. Không chỉ những người dân quanh khu vực gian hàng, rất nhiều người ở xa cũng mang phế liệu đến đây, đặc biệt là những lao động tự do, công nhân vệ sinh môi trường...
"Nhiều trường hợp là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đến đây, chúng tôi còn tặng miễn phí thực phẩm cho họ để động viên vượt qua mùa dịch. Chương trình không chỉ giúp nông dân có nơi tiêu thụ sản phẩm, người tiêu dùng có thực phẩm tươi, sạch mà còn góp phần gìn giữ môi trường xanh hơn, đẹp hơn", ông Tuấn chia sẻ.
Được biết, trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 20 gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm như vậy đang hoạt động. Chương trình chính thức được triển khai từ ngày 22/9 nhằm lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường cũng như hỗ trợ người dân trong mùa dịch.