Mới đây, tại bản Na Sang 1 (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), cộng đồng dân tộc Lào đã tổ chức Tết truyền thống Tết té nước (Bun huột nặm), thu hút hàng ngàn người dân trên địa bàn và du khách thập phương về dự.
Chuẩn bị lễ vật dâng cúng.
1. Dân tộc Lào là 1 trong 19 cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó có Tết té nước. Trong tiếng Lào, “Bun” có nghĩa là lễ hội hoặc tết hay còn có nghĩa là phúc, “huột” là té, “nặm” là nước. “Bun huột nặm” được hiểu là lễ hội té nước hoặc tết té nước.
Tết té nước với các hoạt động chính là cúng bản, cúng tổ tiên, ông bà nhưng cốt lõi là tống tiễn mùa khô, tẩy rửa những điều xui xẻo trong năm cũ cho bản làng, cầu mong mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, phát triển, mùa màng bội thu, bản làng bình yên, mọi người dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn trong năm tiếp theo.
Năm nay, Tết té nước vừa diễn ra hôm 13/4 thu hút đông đảo bà con và du khách tham dự. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Tết té nước gắn với quá trình định cư, lập bản, được người dân tộc Lào ở bản Na Sang 1 gìn giữ, bảo tồn từ hàng chục năm qua. Từ năm 2015, Tết té nước đã được các cấp chính quyền địa phương và nhân dân trong bản phục dựng nguyên bản, tổ chức vào đúng thời điểm Tết truyền thống của người Lào (từ ngày 14/4 đến ngày 16/4 dương lịch) nhằm góp phần tái hiện lại yếu tố văn hóa truyền thống và trở thành nếp sống, phong tục của người dân nơi đây.
Tuy nhiên, để tổ chức Tết té nước chu đáo, hấp dẫn, bà con dân tộc Lào phải dành nhiều thời gian chuẩn bị. Cụ thể, hằng năm, từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, bà con lại tấp nập chuẩn bị cho lễ hội. Đặc biệt là đến ngày hội, từ sáng sớm người giả trẻ nhỏ đều nô nức đến trung tâm văn hóa bản. Dịp này, thiếu nữ Lào xinh xắn với trang phục truyền thống: chiếc váy “sinh” được làm bằng tơ lụa, dệt họa tiết tinh tế ở chân váy, áo được quàng chéo thêm chiếc khăn “Phạ biềng” gắn bằng khuy bạc với màu sặc sỡ. Những người già thì có nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị kỹ lễ vật để cầu khấn thần linh. Thanh niên thì được cử đi mổ bò, chuẩn bị trống chiêng, súng nước…
Tết té nước gồm 2 phần chính: phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu trước bằng các nghi lễ cầu may mắn, cầu sức khỏe. Thông thường, phần lễ khấn này được giao cho những phụ nữ lớn tuổi có kinh nghiệm trong bản chủ trì. Lễ vật gồm bánh nếp, hoa quả, chỉ quấn tay, nước thánh, xôi nếp… Điều đặc biệt là lễ vật dâng lên thần linh chỉ có đồ ăn chay.
Trong suốt quá trình làm lễ, bà mo, già làng, trưởng bản và người uy tín cùng đội nghi lễ sẽ cầu khấn, vẩy nước thơm và buộc chỉ cổ tay cho mọi người để cầu may, chúc phúc cho một năm mới bình an, không ai ốm đau bệnh tật, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, phát triển.
Nếu có dịp dự Tết té nước, du khách được hòa mình trong những nghi thức truyền thống của người Lào tại bản Na Sang 1. Từ nghi thức trong lễ cắm bản với những vật hiến sinh như gà, lợn… đến chuẩn bị mâm lễ đặt trong miếu thờ để cúng tế thần linh. Sau lễ cúng, mọi người quây quần, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp.
Trong phần hội diễn ra những hoạt động bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất, chinh phục tự nhiên, chống thiên tai địch họa, bảo vệ mùa màng, bảo vệ cuộc sống yên vui, hạnh phúc của cộng đồng như: Tấu phắc sá - táu lasa (rùa ấp trứng), xưa khốp mu (hổ vồ lợn), ngù kin khiết (rắn bắt ngóe), phăn viêng (múa bắt chân bắt đầu), pít mắc tanh (hái dưa chín)... Đặc biệt là hoạt động nghi thức xin nước mưa (só nặm phạ phốn), xin ban lộc diễn ra tại mỗi gia đình thu hút hàng trăm người trong không khí vui tươi, phấn khởi.
Sau nghi thức dâng tế lễ vật, cúng mời thần suối hưởng lễ cùng bản làng người dân và du khách sẽ cùng nhau té nước suối lên người nhau để cầu mong thời tiết diễn biến trong năm mới thuận lợi, bản làng gặp được nhiều may mắn hơn.
2. Tết té nước của bà con dân tộc Lào đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Tết Té nước của dân tộc Lào. Cụ thể, ngày 11/9/2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL công nhận Tết té nước (Bun huột nặm) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia loại hình lễ hội truyền thống.
Đại diện UBND huyện Điện Biên cho biết: Tết té nước của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của cộng đồng dân tộc Lào trên địa bàn, cùng với đó là sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó kể đến tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Việc công nhận Tết té nước là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tiền đề để xã Núa Ngam nói chung, bản Na Sang 1 nói riêng phát huy tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.
Đến bản Na Sang vào dịp diễn ra Tết té nước, du khách sẽ được trải nghiệm, hòa mình trong những nghi thức truyền thống của không gian văn hóa đậm sắc màu dân gian của các trò chơi. Lễ té nước của dân tộc Lào là tiềm năng để phát triển du lịch của huyện Điện Biên và tỉnh Điện Biên.