Người Mường vẫn giữ được một khúc sử thi cùng với một truyền thuyết nói về nguồn gốc trống đồng. Sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, bản sưu tầm được ở Hòa Bình có một khúc ca mang tên “Đẻ trống đồng” có thể hiểu là “Nguồn gốc trống đồng”. Xưa khúc ca này chỉ được cất lên trong tiếng trống đồng tại đám ma của những quan lang Mường.
Đại ý khúc ca đó kể: Vua Dịt Dàng giàu có quyền thế nhưng lại chưa có trống đồng bèn sai người xuống vua nước mượn trống đồng về. Vua sai thợ lấy trống đó làm mẫu đúc nhưng không được. Vua phải cho đi đón thợ từ nơi khác về vẫn không xong. Cuối cùng, thợ phải niệm chú vào củ gừng, nhai vào mồm rồi phun vào nước đồng mới đúc được trống tốt…
Trong khi đó, người Mường ở Mẫn Đức (Tân Lạc, Hòa Bình) lại có một truyền thuyết nội dung tóm tắt như sau:
Ngày xửa ngày xưa, vua Dịt Dàng trị vì ở kinh đô, nơi ngài có một cung điện lớn và nhiều cung nhỏ. Ngài có nhiều quyền thế và nhiều quân tướng. Một ngày, ngài cho gọi thợ đến cưa cây, đẽo gỗ, dựng kho chứa thóc, gạo, trầu cau, vàng, bạc, đồng, cất kiệu, lọng, làm chuồng trâu, bò, voi, ngựa, dựng trại cho đội quân tướng hùng hậu.
Nàng Ngà và nàng Ngân, hai em gái của ngài, một hôm ra suối gội đầu, khi chải đầu nhìn về phía Đông bỗng thấy một chiếc trống đồng nổi trên mặt biển và dạt vào bờ cát. Vua Dịt Dàng sai người vớt chiếc trống đồng lên mang tới chỗ mình rồi lệnh cho gọi thợ khéo 4 phương đến đúc 1.960 chiếc trống ban phát cho các nhà lang, mỗi nhà một chiếc…
Nội dung khúc ca trong sử thi và truyền thuyết có những chi tiết khác nhau, nhưng lại cùng có một điểm chung quan trọng: người đã cho đúc và ban phát trống đồng là vua Dịt Dàng. Vậy “vua Dịt Dàng” là ai?
Sử thi Mường lại có đoạn kể:
Đôi Chim Ây - Cái Ứa đẻ ra 100 trứng, trong đó có 3 trứng lớn khác thường. 3 trứng lớn nở thành 3 người là Lang Đá Cần, Lang Đá Cài và Nàng Vạ Hai Kíp, còn 50 trứng nở thành người Việt, 47 trứng nở thành người Mường, Thái, Mông, Dao… Anh cả Lang Đá Cần trở thành vua xứ Mường nhưng sau bị yêu tinh ăn thịt. Em Lang Đá Cài giết yêu tinh rồi thay anh làm vua xứ Mường. Khi Lang Đá Cài qua đời, con cả lên thay gọi là Dịt Dàng. Dịt Dàng cai quản dân Mường, sai người đi tìm cây chu đồng có hoa vàng hoa bạc, bông thau quả thiếc để chặt về lấy gỗ xây cung điện...
Theo đoạn sử thi trên, Dịt Dàng là một vua Mường. Tuy nhiên, Quách Điều - một quan lang Mường ở Hòa Bình, trong một bài viết về lịch sử của người Mường năm 1925 lại xác định: vị vua đã đem quân đi chặt cây chu đồng ở đất Mường Ai, Mường Ống (Thanh Hóa) chính là vua Thục Phán - An Dương Vương.
Họ Quách là dòng họ quan lang lớn thứ hai của người Mường sau họ Đinh. Vào những năm đầu thế kỷ 20, Quách Vị - người Mường Vang được coi như vua xứ Mường Hòa Bình. Vì thế, điều Quách Điều nói chắc là một quan niệm đã được lưu truyền lâu đời trong giới quý tộc Mường.
Dịt Dàng là An Dương Vương, điều đó hoàn toàn chính xác bởi “Dịt Dàng” hay “Yit Yang” là một phiên âm trong tiếng Mường từ “Việt Vương” - một tên gọi khác của An Dương Vương.
Trong sử sách, thành Cổ Loa, kinh đô nước Âu Lạc của An Dương Vương thường được ghi là Việt Vương thành (tức thành của Việt Vương). Điều này cũng phù hợp với việc một bản Mo Mường coi Dịt Dàng là “vua đất kinh kỳ Kẻ Chợ”, tức vua của vùng đất nay là Thủ đô Hà Nội bao gồm Cổ Loa.
Thực tế, vào thời Đông Sơn, An Dương Vương đúng là người duy nhất có các điều kiện kinh tế - kỹ thuật - chính trị - xã hội để đúc và ban phát trống đồng.
Về kinh tế - kỹ thuật, An Dương Vương trực tiếp trị vì vùng đồng bằng Bắc Bộ màu mỡ có dân số đông đảo hơn các vùng rừng núi xung quanh. Chính trên cơ sở đó, An Dương Vương mới có đủ nhân tài vật lực dựng nên ở Cổ Loa ngôi thành lớn nhất khu vực khi đó và đồng thời cho đúc trống đồng, một việc đòi hỏi một số lượng lớn nhân công, từ người khai mỏ, vận chuyển nguyên liệu đến đội ngũ thợ đúc.
Về chính trị - xã hội, An Dương Vương là vị tướng tài đã lãnh đạo người Bách Việt đánh thắng cuộc xâm lược của quân Tần và sau đó, tạo ra nước Âu Lạc của người Tây Âu và Lạc Việt, từ đó trở thành vị vua tối cao của người Bách Việt.
Hiện nhiều tộc người ở Nam Trung Quốc và Đông Nam Á vẫn dùng trống đồng. Tuy nhiên, chỉ một số ít tộc người có truyền thuyết về nguồn gốc trống đồng, trong đó, người Mường là tộc người duy nhất có truyền thuyết gắn nguồn gốc trống đồng với một nhân vật lịch sử cụ thể.
Tiếp đó, người Mường cũng là tộc người duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á còn bảo lưu cách đánh trống đồng kiểu giã cối, tức cách đánh trống đồng nguyên thủy được thể hiện trên các trống Đông Sơn cổ và đẹp nhất hiện còn như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa.
Về cách đánh trống đồng đó, có thời, không ít học giả đã tỏ ý nghi ngờ, cho rằng tư thế người đánh và cách đặt trống là bất thường và bất khả thi bởi với một cái dùi theo chiều thẳng đứng như thế người đánh sẽ phải dồn sức để nâng dùi hơn là để đánh trống. Một cái dùi nặng khi đâm vào trống gần như không thể làm trống kêu và hơn nữa còn có thể làm vỡ, nứt mặt trống. Tóm lại, cảnh trên trống Ngọc Lũ không phải là cảnh đánh trống đồng mà cảnh giã sàn để gạo rơi qua kẽ sàn xuống trống đồng đặt ở dưới như một cách cúng hồn người chết hay cúng thần trống.
Từ lâu, tại lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ thường có nghi lễ đánh trống đồng theo kiểu giã cối do người Mường tiến hành. Tuy nhiên, do nghi lễ đó chủ yếu mang tính biểu diễn, tượng trưng nên trống đồng thường được đặt úp thẳng lên hay cách không xa mặt đất.
Tuy nhiên, tư liệu dân tộc học khẳng định: cách đánh trống đồng theo kiểu giã cối là cách đánh trống đồng truyền thống của người Mường, hoàn toàn bình thường, khả thi và hợp lý.
Khi đánh trống đồng theo cách này, người Mường thường treo hay kê đáy trống lên cao, và đặc biệt dưới đáy trống có một cái hố tạo vòm cộng hưởng. Khi treo trống và đào hố đúng cách, tiếng trống sẽ vang xa.
Hai tấm ảnh do một nhà khảo cổ học Pháp chụp cảnh đánh trống đồng của người Mường trước năm 1954 cho chúng ta thấy cụ thể hơn.
Tấm thứ nhất cho thấy một thầy mo tay trái cầm chiếc dùi cong đầu bọc vải gõ vào hình mặt trời nổi giữa mặt trống, một người khác hai tay cầm hai bó que sắt dài trổ vào mép trống. Chiếc trống được đặt trên một chiếc chiếu, chân được kê cao lên bằng những viên đá. Trong đám cưới và đám ma, bốn thiếu nữ Mường là con dâu các Quan Lang đứng chung quanh trống, mỗi người nắm trong tay một bó que sắt, giơ lên cao rồi buông xuống cho que sắt rơi trên mặt trống, vang lên như tiếng gạo rơi, gợi vẻ trang nghiêm huyền bí…
Tấm thứ hai cho thấy 4 người phụ nữ tay cầm dùi làm bằng thân cây sậy nhỏ nhẹ đánh vào mặt chiếc trống được treo vào hai đầu giá gỗ hình đầu chim Lạc, đáy trống cách mặt đất khoảng 30 - 40 cm.
Ngoài ra, để tạo ra tiếng trống trầm bổng và không làm lõm, hỏng mặt trống. người Mường thường bọc đầu dùi trống bằng vỏ cây, vải, vỏ quả cà dái dê…
Nhìn cảnh đánh trống đồng trên trống Cổ Loa, chúng ta thấy mỗi trống đồng dường như được đặt trên một cái đế một chân chôn giữa các ụ đất đắp nổi trên mặt đất để tạo vòm cộng hưởng. Người Mường đã tạo vòm cộng hưởng bằng những hố thật và treo trống trên hố.
Tóm lại, với sử thi - truyền thuyết về nguồn gốc trống đồng gắn với một nhân vật lịch sử có thực và cách đánh trống theo kiểu giã cối thời Đông Sơn, văn hóa trống đồng của người Mường thật độc đáo và trân quý.