Sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ trình chiếu 3D mapping đã tạo hiệu ứng hấp dẫn, giúp công chúng tiếp cận rõ hơn vẻ đẹp và giá trị đặc biệt của những báu vật hoàng cung - tại Hoàng thành Thăng Long.
Lần đầu tiên đến với Hoàng thành Thăng Long, Đào Kim Ngọc - cô nữ sinh trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vô cùng thích thú khi được chiêm ngưỡng, tìm hiểu về các cổ vật được trưng bày nơi đây. Đặc biệt, Kim Ngọc bị thu hút bởi những chiếc đĩa gốm vẽ nhiều màu - là các đồ dùng cao cấp của nhà vua và triều đình thời Lê Sơ được tái hiện trực tiếp qua công nghệ trình chiếu 3D mapping.
Theo ban quản lý khu di tích, Các loại đồ gốm sứ quý hiếm này phần nhiều chỉ tìm thấy các mảnh vỡ nhỏ. Dựa trên các nguồn tư liệu, các chuyên gia gốm cổ Việt Nam đã tái tạo lại một số đồ án hoa văn vẽ trên loại đĩa lớn.
Đây là chiếc đĩa lớn có miệng tạo cánh sen, giữa lòng vẽ cảnh không gian sân vườn cùng lầu gác và nhân vật. Hình ảnh này cho chúng ta một cái nhìn và sự cảm nhận vô cùng ấn tượng về sự thanh bình, thơ mộng, sự hòa hợp thân thiện trong chốn hoàng cung Thăng Long xưa.
Bên cạnh đó là chiếc đĩa nhỏ vẽ hình rồng - không chỉ là vật dùng trong bữa ăn của nhà vua mà còn cho ta biết về kỹ thuật sản xuất những đồ gốm cao cấp ở thế kỷ thứ 15.
Đồ án hình rồng và văn mây được phác họa tinh tế bằng các nét vẽ màu xanh cobalt dưới men. Các bộ phận còn lại của con rồng được tô vẽ khéo léo bằng men đỏ, men xanh lá cây trên men, sau đó được phủ vàng thật trên các họa tiết trang trí. Lớp vàng và màu vẽ trên men thường bị mất đi do quá trình sử dụng và chỉ còn để lại những dấu vết mờ nhạt, có thể nhìn thấy qua ánh sáng xiên.