Những ngày TP Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội, tiểu thương tại khu chợ Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nghĩ “trăm phương ngàn kế” từ treo biển quảng cáo tự chế, ghi tên cửa hàng cho đến ghi số điện thoại, mặt hàng… để buôn bán.
Chợ Hàng Bè từ xưa đến nay không phải là địa chỉ lạ của người dân Phố cổ, thậm chí còn là nơi thường đến của những người sành ăn và là nơi đi chợ hàng ngày của nhiều người.
Là trung tâm buôn bán lớn vì thế lượng khách hàng đổ về đây rất đông, tập trung nhiều vào sáng sớm và chiều tối. Ngày chưa thực hiện giãn cách xã hội, chợ Hàng Bè đón lượng lớn khách hàng, có ngày lên đến hàng nghìn người. Lượng thực phẩm vì thế cũng được tiêu thụ hết ngay trong ngày, hầu như không còn hàng tồn, hàng thừa.
Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ, việc buôn bán của những tiểu thương tại khu chợ Hàng Bè rơi vào tình trạng “đóng băng”. Không bán được hàng, những tiểu thương tại đây nghĩ “trăm phương ngàn kế” để tiêu thụ nốt số hàng tồn kho và kiếm kế sinh nhai, cầm cự sống qua ngày.
Để khắc phục tình trạng không có khách mua hàng trong thời gian giãn cách, những tiểu thương tại đây nghĩ cách treo các tấm biển quảng cáo tự chế lên barie, chốt kiểm soát ra vào ở đầu chợ. Trên mỗi biển quảng cáo ghi đầy đủ thông tin cửa hàng, mặt hàng và kèm theo số điện thoại để khi cần khách hàng có thể liên hệ. Người ở ngoài cần mua hàng chỉ việc nhấc máy lên rồi gọi điện, người ở trong sẽ mang ra tận tay những mặt hàng đã đặt.
Bà Nguyễn Thị Minh (75 tuổi) đã có gần 40 năm buôn bán thực phẩm khô tại chợ Hàng Bè, bà cho hay, đây là lần đầu tiên tiểu thương quanh khu chợ rơi vào tình trạng không bán được hàng. Ngày thường, người dân sinh sống quanh khu vực vẫn đùa với nhau chợ Hàng Bè là chợ của nhà giàu, nơi đây luôn đông đúc, tấp nập người mua kẻ bán.
Từ ngày thành phố thực hiện giãn cách, bà Minh cũng như nhiều tiểu thương phải treo biển quảng cáo, ghi thông tin số điện thoại, mặt hàng lên các tấm biển tự chế để thuận tiện cho việc buôn bán.
Vừa xách túi hàng mang ra cho khách, vừa tranh thủ mời khách mua hàng, bà Minh nói, từ ngày áp dụng kinh doanh theo hình thức treo biển quảng cáo, các mặt hàng trong cửa hàng của bà tiêu thụ rất kém, doanh thu vì thế mà cũng giảm sút nhiều so với trước.
“Nếu như ngày trước lượng người mua hàng là 10 thì giờ đây chỉ còn 3 - 4 người, có hôm thì lác đác vài ba người. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh phức tạp nên tôi cũng cố gắng cầm cự, vừa tranh thủ kiếm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống, vừa để giữ chân khách quen”, bà Minh cho biết.
Đa số khách hàng đi chợ trong thời gian giãn cách đều cảm thấy thuận tiện hơn trong việc mua bán. Mọi người cho rằng, mua hàng theo hình thức mới vừa tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế vừa đảm bảo có đủ lương thực để sinh hoạt.
Tay xách nách mang những túi đồ nào rau, củ, dưa, cà cho đến thịt cá, vừa mua được ở chợ theo hình thức gọi điện mua hàng, bà Nguyễn Thị Hòa (65 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bà cũng như nhiều người dân thường xuyên mua thức ăn tại chợ Hàng Bè không gặp quá nhiều khó khăn khi đến mua hàng tại đây trong thời gian giãn cách xã hội.
“Cần mua thực phẩm gì thì chỉ việc đứng ở ngoài gọi điện cho cửa hàng, một lúc sau sẽ có người mang ra cho, tiện hơn nhiều so với trước, bất tiện một chút là mất một khoảng thời gian để chờ đợi”, bà Hòa cho biết thêm.
Mặc dù gặp bất tiện, song theo bà, việc đi chợ theo hình thức gọi điện mua hàng trong mùa dịch khá hợp lý. Đây cũng là phương pháp để người dân đảm bảo giãn cách, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
“Tôi thấy những lúc dịch bệnh như thế này việc đi chợ theo phương pháp gọi điện sẽ đảm bảo đúng theo quy định giãn cách của Nhà nước, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, đồng thời sẽ hạn chế được việc tập trung quá đông người”, bà nói.
Đồng tình với ý kiến của bà Hòa, bà Vũ Thị Bình (57 tuổi, Hàng Giấy, Hà Nội) cho rằng việc đi chợ theo hình thức gọi điện mua hàng không có gì bất tiện. Ngược lại, việc đi chợ theo hình thức gọi điện mua hàng còn đảm bảo đúng quy định giãn cách của Nhà nước, đến mua nhanh rồi đi về, nguy cơ lây nhiễm chéo sẽ được giảm thiểu.
"Khác với ngày thường, tôi sẽ phải đến tận nơi để lựa chọn thực phẩm. Bây giờ chỉ việc đứng ở ngoài, chờ vài phút những thực phẩm mình cần sẽ được tiểu thương mang ra tận tay, đỡ tốn thời gian và công sức", bà Bình chia sẻ.