Các sở, ngành của TP HCM đang đốc thúc doanh nghiệp bình ổn giảm giá thành sản phẩm. Lý do, giá xăng liên tục giảm nhưng giá cả hàng hóa của các doanh nghiệp bình ổn vẫn “án binh bất động”.
Trao đổi về kế hoạch giảm giá hàng hóa khi giá xăng dầu liên tục “hạ nhiệt”, hầu hết doanh nghiệp (DN) cho rằng, xăng dầu giảm giá khá nhiều song chưa đủ điều kiện để kéo giảm giá sản phẩm. Vì vậy, giá hàng hóa của các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường chắc chắn không thay đổi theo chiều hướng giảm. Ông Trương Chí Thiện – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt khẳng định, DN chưa thể điều chỉnh giá lúc này. Ông Thành lý giải, giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn vẫn thấp hơn giá mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường từ 10 – 15%. Bên cạnh đó, thức ăn chăn nuôi đã tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo, giá thức ăn chăn nuôi vẫn trong xu hướng tăng thêm. Cũng khẳng định giá hàng hóa lương thực, thực phẩm chưa giảm ngay theo giá xăng dầu, ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực thực phẩm TP HCM (FFA) lý giải, giá xăng giảm liên tiếp 4 lần vừa qua là tín hiệu đáng mừng. Xăng dầu giảm giá giúp chặn đà giá hàng hóa “té nước theo mưa”. Còn việc kéo giảm giá tiêu dùng xuống cần phải có thời gian và độ trễ nhất định của thị trường.
Đại diện FFA cho hay, giá xăng dầu chỉ là một yếu tố đầu vào trong khi sản phẩm tiêu dùng rất đa dạng. Trong khi đó, DN FFA đang phải đối mặt với nhiều sức ép từ giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng cao; tiền nhân công, điện nước, chi phí vận chuyển, phí logistics... vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá. Nhiều DN FFA tham gia chương trình bình ổn của TPHCM nên việc điều chỉnh tăng giá là cả vấn đề. “Tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, hàng hóa trong lĩnh vực tiêu dùng được kiểm soát, một số mặt hàng vòng đời ngắn như con giống, vật nuôi khi đưa ra thị trường, giá sẽ trở lại bình ổn. Chúng ta chỉ có thể làm chậm lại và dừng vấn đề tăng giá trong thời gian tới, còn nếu điều chỉnh giảm giá hàng hóa tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay thì cần có nhiều giải pháp và chính sách đồng bộ, quyết liệt hơn nữa” - ông Dũng nêu quan điểm.
Trước áp lực giá cả hàng hóa, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho rằng, thành phố đang cố gắng kìm cương giá hàng hóa tiêu dùng. Nói về giải pháp bình ổn giá trong thời điểm hiện tại, ông Phương cho biết, hàng năm Sở đã tham mưu thành phố các giải pháp quản lý giá, bình ổn thị trường, ưu tiên bình ổn các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, sữa trẻ em, dược phẩm. Ngoài ra, thành phố chủ động tìm kiếm nguồn cung từ các địa phương khác, do nông nghiệp thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu khi sản lượng thấp.
Đồng thời, tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung, kích thích tiêu dùng, giúp thị trường sôi động, từ đó góp phần giúp DN khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Ngành công thương chú ý các giải pháp liên quan đến việc khuyến khích hệ thống phân phối giữ chiết khấu hợp lý, không tăng theo tình hình giá xăng dầu, giúp cho các DN ổn định sản xuất. Cuối cùng, phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM tính toán các giải pháp kết nối với thành phố hỗ trợ DN khẩn cấp” – ông Phương nói.
Chia sẻ với DN khi nhiều yếu tố cộng hưởng nâng giá thành sản phẩm tăng cao, thế nhưng Sở Tài chính TP HCM vẫn đốc thúc DN giảm giá hàng hóa. Cụ thể, Sở này đề nghị các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - 2023 rà soát mức giá bán đăng ký tham gia chương trình hiện nay. Theo lãnh đạo Sở Tài chính thành phố, việc rà soát nhằm đánh giá, điều chỉnh giá phù hợp với mức biến động giảm giá của giá xăng dầu trong cơ cấu hình thành giá. Do giá xăng dầu tính từ tháng 7 đến đầu tháng 8 đã được điều chỉnh giảm 4 đợt liên tiếp với mức giảm giá bình quân đối với mặt hàng xăng là 7.270 đồng/lít và mặt hàng dầu diezen là 6.110 đồng/lít.
Ông Nguyễn Trần Phú – Phó Giám đốc Sở Tài chính cho hay, việc rà soát giá nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh. “Trường hợp điều chỉnh giảm giá, đề nghị DN có văn bản đăng ký giảm giá kịp thời gởi về Sở Tài chính. Trường hợp không điều chỉnh giảm giá, các DN cần có văn bản phản hồi, phân tích cụ thể cơ cấu hình thành giá để Sở làm cơ sở xem xét điều chỉ giá trong thời gian tới” - ông Phú nhấn mạnh.