Nửa đầu năm 2024, thị trường điện ảnh Việt có phần ảm đạm. Vậy, cuối năm, nhất là “mùa phim Tết” tình hình có sáng hơn? Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta có thể kỳ vọng điều đó khi đã xuất hiện nhiều dự án phim mới.
Phim Việt chờ “bung lụa”
Nhiều năm qua, phim Việt “né” mùa hè, nhường sân cho phim ngoại. Tính trung bình trong vòng 5 năm qua, trong 10 phim chiếu rạp mùa hè thì chỉ 2 phim có doanh thu cao, 3 phim hòa vốn, còn lại 5 phim lỗ.
Tuy nhiên, phim Việt thường “thắng” vào dịp cuối năm, kỳ nghỉ Tết. Tính từ tháng 9 trở đi, khán giả tới rạp nhiều hơn và số phim sản xuất trong nước (chủ yếu là tại TPHCM) cũng nhiều hơn. Nhất là dịp Tết, khoảng 1 tháng trước và sau Tết Nguyên đán chính là lúc “bung lụa” của phim Việt sau nhiều tháng ẩn mình.
Gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình đang sáng dần lên. Một số bộ phim sản xuất trong nước đã có suất chiếu ngang ngửa với phim ngoại. 2 đề tài được khai thác kỹ là gia đình và kinh dị.
Ở dòng phim thứ nhất: Gia đình. Phim “Hai Muối” không chỉ đánh dấu sự trở lại màn ảnh của nghệ sĩ Quyền Linh sau gần 20 năm vắng bóng mà còn hấp dẫn bởi câu chuyện tình phụ tử đã lấy được nước mắt người xem. Ngoài Quyền Linh, “Hai Muối” còn có sự tham gia của các nghệ sĩ gạo cội, như Hồng Vân, Công Ninh, Việt Anh. Trong phim, Quyền Linh đảm nhận vai ông Hai, người đàn ông “gà trống nuôi con” mưu sinh bằng nghề làm muối tại ấp đảo Thiềng Liềng. Ngày ngày ông dầm mưa dãi nắng trên cánh đồng muối chỉ để đổi lấy những gì tốt đẹp nhất cho con gái.
Đáng nói là Huỳnh Bảo Ngọc không phải gương mặt quen thuộc của điện ảnh nhưng cô đã gây bất ngờ khi thể hiện rất thành công vai Muối - con gái của ông Hai. Kịch tính ở chỗ, cô mất mẹ từ bé, sống trong tình yêu thương của cha nhưng đến khi cô trưởng thành và lên thành phố tìm cách đổi đời thì mối quan hệ giữa họ lại nảy sinh nhiều nút thắt, đứng trước lối rẽ ngoặt không chỉ trong cuộc sống, mà sâu xa hơn còn là trong tình cha con.
Khán giả rơi nước mắt khi chứng kiến những bài học vô cùng đắt giá của Muối ở chốn thị thành và tìm được hạnh phúc trước sự đoàn tụ của 2 cha con sau này.
Nói như đạo diễn Vũ Thành Vinh thì đây là một đề tài rất quen thuộc đối với loại phim điện ảnh, nhưng ông muốn đưa hình tượng “muối” vào phim để khắc họa cho vị mặn đắng của cuộc đời 2 cha con Hai Muối.
Cùng với “Hai Muối” thì cũng là lúc “Làm giàu với ma” xuất hiện. Bộ phim cũng đánh dấu sự trở lại của nghệ sĩ Hoài Linh với màn ảnh rộng sau nhiều năm vắng bóng. Con số doanh thu 60 tỷ đồng chỉ chiếu trong dịp 2/9 cũng đã cho thấy thành công của bộ phim theo dòng kinh dị này.
Nhân đây, cũng có thể nói, sau thời gian chập chững, phim kinh dị đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều nhà sản xuất, đạo diễn trong nước. Từ nay tới cuối năm, cùng với “Làm giàu với ma” thì nhiều bộ phim kinh dị khác cũng sẽ ra rạp, gồm “Cám”, “Linh Miêu: Quỷ nhập tràng”, “Nhà gia tiên”... Tuy không gây ấn tượng quá mạnh như phim kinh dị Mỹ, Hàn Quốc, kể cả so với phim Thái Lan, nhưng các nhà sản xuất Việt đã và đang tạo dựng được hình hài riêng cho loại phim “lạnh sống lưng” này. Khai thác chất liệu văn hóa dân gian, câu chuyện và nhân vật vừa quen vừa lạ, được khán giả chấp nhận bỏ tiền ra rạp để xem.
Kể từ khi trào lưu phim kinh dị Việt xuất hiện, tới nay thể loại này đã có những bước tiến mới, thu hút đông đảo khán giả đến xem. Một số ý kiến cho rằng, nếu như trước đây, phim kinh dị Việt thiếu sáng tạo, có khi còn ngô nghê khi dựa nhiều vào những yếu tố ma, quỷ, bùa ngải, sát nhân... thì tới nay các tác giả đã chú ý khai các các giá trị trong văn hóa dân gian để từ đó xây dựng cốt truyện, nhân vật, bối cảnh... phù hợp với khẩu vị của người xem.
Tín hiệu vui cuối năm
Cùng với dòng phim gia đình và kinh dị, từ nay tới cuối năm phim Việt hứa hẹn sẽ thu hút người xem bởi một số phim khác được cho là nhẹ nhàng, lãng mạn và nhiều chất thơ. Nhà sản xuất Thu Trang cho biết, dự án phim Tết 2025 sẽ là “Chuyến xe như ý”. Phim khai thác câu chuyện về tình cảm gia đình và văn hóa ngày Tết, xoay quanh chuyến xe cuối cùng rời Sài Gòn trong đêm 30. 2 cô gái hoàn toàn xa lạ có tính cách và gia đình khác biệt đã gặp biến cố không ngờ để cả hai phải rơi vào kì nghỉ Tết dở khóc dở cười.
Mộ phim khác cũng được cho là đáng xem, đó là “Cô dâu hào môn”, phim khai thác cuộc sống của giới thượng lưu, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ ăn khách như Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Lê Giang, Uyển Ân…
Nhẹ nhàng hơn là phim “Kính vạn hoa” lấy cảm hứng từ bộ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Dự án này được lên lịch ra rạp vào ngày 27/12. Cũng trong tháng 12, bộ phim “Công tử Bạc Liêu” dự kiến sẽ công chiếu với sự tham gia diễn xuất chính của nam diễn viên Song Luân trong vai công tử ăn chơi khét tiếng Nam kỳ lục tỉnh một thời...
Như vậy, từ nay cho đến cuối năm và mùa phim Tết, có thể hy vọng vào sự bùng nổ một lần nữa của phim Việt. Với những bộ phim ra rạp trong những tháng cuối năm 2024, điện ảnh Việt hứa hẹn tạo nên một cuộc cạnh tranh đầy hấp dẫn; không chỉ phim nội với nhau mà còn không hề ngán ngại phim ngoại nhập, kể cả phim “bom tấn”.
Nhưng, như vậy đã đủ để khẳng định điện ảnh Việt Nam đang vào một chu kỳ bùng nổ mới hay chưa? Câu trả lời có lẽ là chưa vì vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó nổi lên 2 vấn đề là kịch bản và kỹ xảo. Tất nhiên, điều đó cần có thêm thời gian để hoàn thiện. Nhưng với việc có nhiều bộ phim cùng ra mắt, mỗi phim có một góc nhìn khác nhau, hy vọng sẽ mang đến sự đa dạng và nhiều cơ hội để khán giả tiếp cận.
Và đó cũng chính là một tín hiệu vui đối với mùa phim Việt cuối năm.
Nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho rằng, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự bứt phá của điện ảnh Việt cuối năm, đặc biệt mùa phim Tết sẽ khá sôi động bởi đến nay nhiều nhà làm phim đã công bố dự án phim mới cho ra rạp vào dịp này. Nhưng để điện ảnh Việt có thể có những thay đổi đồng bộ, đồng đều hơn, các nhà làm phim cần chú trọng đầu tư hoàn thiện hơn nữa từ khâu ý tưởng, kịch bản cho đến cách quảng bá tác phẩm. Chúng ta cần phải mở thêm các cụm rạp để phục vụ cho những bộ phim chất lượng.