Nằm trong nhóm “tỷ đô”, ngành gỗ xuất khẩu đang có những bước nhảy xa trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, đi kèm với sự bứt phá đó, gỗ xuất khẩu cũng đang đối diện với nhiều rào cản thương mại, nhất là việc các nước nhập khẩu đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.
Sớm gia nhập câu lạc bộ “tỷ đô”
Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có EVFTA đã mang lại những cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu. Thời gian qua, nắm bắt những thời cơ đến từ EVFTA, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa nhiều sản phẩm gỗ và chế biến gỗ đến được với các thị trường nằm trong EU. Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, 10 tháng năm 2022, mặc dù thị trường các nước thuộc Hiệp định EVFTA đối mặt tình trạng lạm phát cao, nhưng một số mặt hàng đồ gỗ đạt mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ khi xuất khẩu sang thị trường này. Cụ thể, gỗ dán tăng 124%, từ 6,7 triệu USD 10 tháng 2021 lên con số 15,1 triệu USD; nội thất phòng ngủ đạt 21,4 triệu USD, tăng 22%; nội thất bằng gỗ khác đạt 181,9 triệu USD, tăng 11%; bộ phận đồ gỗ đạt 30,8 triệu USD, tăng 12%.
Với những nỗ lực trong đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu, gỗ và sản phẩm gỗ đã sớm tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch đạt từ 1 tỷ USD trở lên, hiện nằm trong nhóm cao. Trong 10 tháng đầu năm 2022, mặt hàng này nằm trong top các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, lớn hơn mức cả năm từ năm 2020 trở về trước, ước tính cả năm cao gấp 14,3 lần năm 2004.
Có thể thấy, cơ hội cho gỗ xuất khẩu vẫn còn đang ở phía trước, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường quốc tế đối với mặt hàng này ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ thuận lợi, các DN xuất khẩu gỗ cũng đối diện với không ít rào cản. Trong đó việc các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước đang khiến gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu gặp không ít khó khăn. Trong các kỳ cảnh báo sớm của Bộ Công Thương với những sản phẩm của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh hoặc biện pháp phòng vệ thương mại, gỗ là ngành có nhiều sản phẩm nằm trong diện này nhất. Thời gian gần đây, có nhiều sản phẩm gỗ xuất khẩu đã bị nước nhập khẩu vào cuộc điều tra như: gỗ tấm, gỗ xẻ, gỗ tròn...
Chủ động ứng phó
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung cho biết, cùng với việc xuất khẩu đạt giá trị lớn, ngành gỗ đang phải đối mặt với các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại từ Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, đặc biệt Hoa Kỳ gần đây liên tục khởi xướng điều tra sản phẩm gỗ dán cứng, sản phẩm tủ gỗ, bàn trang điểm Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ sang Hoa Kỳ ngày càng tăng chính là nguyên nhân khiến ngành gỗ phải đối diện nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, việc tự do hóa thương mại, Việt Nam tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại tự do cũng khiến các nước đều tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, thậm chí còn là chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Dữ liệu thống kê cho biết, năm 2012, khi Hoa Kỳ áp thuế với gỗ ván sàn của Trung Quốc, trở thành nguy cơ Việt Nam bị kiện quét rất cao. Tháng 1/2018, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với gỗ dán Trung Quốc thì đến tháng 6/2020, Hoa Kỳ điều tra phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh với gỗ dán Việt Nam. Đến tháng 4/2020, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với tủ gỗ Trung Quốc và đến tháng 5/2022, Hoa Kỳ điều tra phạm vi sản phẩm. Ngay sau đó, tháng 6/2022, Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh với tủ gỗ Việt Nam.
Thực tế trên cho thấy, gỗ xuất khẩu của chúng ta thường bị “liên lụy” mỗi khi Trung Quốc bị áp thuế với đồ gỗ từ phía nước nhập khẩu. Điều này cũng được bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ rõ. Cụ thể, theo bà Trang, mỗi khi Trung Quốc bị áp thuế với đồ gỗ thì Việt Nam lại đứng trước nguy cơ bị kiện (nguy cơ kiện quét hoặc kiện chống lẩn tránh, mới đây có thêm kiện phạm vi sản phẩm).
Những rủi ro trong thương mại quốc tế thường được giới chuyên gia, nhà quản lý khuyến cáo đối với cộng đồng DN xuất khẩu. Ngành gỗ và lâm sản xuất khẩu cũng không ngoại lệ. Thực tế này tiếp tục đặt ra những yêu cầu đối với các DN xuất khẩu của nước nhà, trong việc nắm bắt thật kỹ thông tin về thị trường quốc tế, đồng thời lưu trữ thật đầy đủ các hồ sơ, dữ liệu liên quan đến hàng hóa xuất khẩu để có thể ứng phó khi cần thiết.
Điều này cũng được ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh nhiều lần. Cụ thể, ông Hoài cho rằng, để đối phó với các vụ kiện ở thị trường lớn đã khởi xướng điều tra, DN của chúng ta cần phải tăng cường các kiến thức luật pháp quốc tế, khai báo đầy đủ thông tin để tránh thấp nhất những rủi ro.
Doanh nghiệp cần trang bị kỹ năng tự vệ
Dẫn chứng thực tế về vụ điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với gỗ dán cứng của Việt Nam mới đây, ông Hoài chỉ rõ: Người ta nghi ngờ rằng, một số DN nước ngoài đưa sản phẩm hoàn chỉnh vào nước ta để gian lận thuế. Mặc dù, DN của chúng ta không làm điều đó, nhưng khi phía bên kia điều tra, đưa ra các câu hỏi thì cũng ta không trả lời được, hay trả lời bảng hỏi và cung cấp hóa đơn chứng từ không nhất quán. Có tình trạng, một số DN thuê luật sư nước ngoài nhưng bất đồng ngôn ngữ, hiểu biết của luật sư nước ngoài với thực tiễn sản xuất của nước ta không đầy đủ dẫn đến tình trạng một số DN bị đưa vào danh sách đen.
Trước thực tế này, ông Hoài lưu ý rằng, các DN cần hết sức chú trọng công tác quản trị DN. Đặc biệt sử dụng tiện ích, công nghệ số để minh bạch chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. “DN cần tiến tới áp dụng các phần mềm kế toán hiện đại để khi có bất trắc sẽ có ngay các bằng chứng, hóa đơn, chứng từ chứng minh công việc làm ăn là minh bạch. Đây thực sự là một khâu cực kỳ quan trọng” - ông Hoài nhấn mạnh.
Có thể thấy, càng hội nhập sâu rộng, các ngành hàng xuất khẩu nói chung, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ nói riêng càng phải đối diện với những rủi ro thương mại, các biện pháp bảo hộ sản xuất từ phía nước nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng, về phía cơ quan nhà nước, việc tăng cường cảnh báo kịp thời tới DN, tăng cường các khóa đào tạo cho DN các kỹ năng phòng vệ thương mại, làm phản biện trả lời bảng hỏi, lưu giữ hồ sơ,… là hết sức cần thiết. Đối với DN, cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng tự vệ và lưu ý đến yêu cầu luật pháp, các quy định của thị trường nhập khẩu, tăng cường trách nhiệm giải trình.