Xung đột thương mại Mỹ - Trung đang làm nóng dư luận thế giới. Sự căng thẳng ngày càng được đẩy cao khi Mỹ mới đây đã đưa ra quyết định áp đặt 25% thuế quan vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 34 tỷ USD. Trung Quốc cũng đã đưa ra biện pháp đáp trả.
Cải thiện môi trường kinh doanh thời gian tới là liều thuốc quan trọng giúp chúng ta chủ động ứng phó với những tác động từ cú sốc bên ngoài.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã có những tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu mà Việt Nam không phải ngoại lệ.
Theo sự phân tích của giới chuyên gia kinh tế, do đây là hai nền kinh tế lớn nhất và có những mối liên hệ đa chiều với nhiều quốc gia trên thế giới, cho nên sức ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có những tác động mạnh mẽ đến hầu hết các quốc gia. Và sự tác động đó kéo dài trong bao lâu, đó vẫn là câu hỏi chưa có đáp số.
Đối với Việt Nam, những lợi ích từ sự xung đột này chắc chắn là có, song, bất lợi hoàn toàn không ít. Khi cánh cửa cho hàng hóa Trung Quốc sang thị trường Mỹ ngày càng đóng hẹp lại - với mức thuế suất nhập khẩu lên tới 25% - đó chính là cơ hội để hàng hóa Việt Nam thế chân hàng Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ. Ở một chiều ngược lại, Trung Quốc áp thuế cao đối với nhiều hàng hóa Mỹ thì cũng không loại trừ khả năng một số hàng hóa Việt Nam tuy không phải là thế mạnh cũng có thể tận dụng thị trường này. Ngoài ra, những căng thẳng về đầu tư Mỹ-Trung cũng có thể trở thành cơ hội của Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ nền kinh tế phát triển mạnh mẽ như Hoa Kỳ. Đó rõ ràng là những lợi thế chúng ta có thể nhìn ra.
Tuy nhiên, bất kỳ một cuộc chiến tranh nào cũng đều có sự “đổ máu”, có nghĩa rằng, khi hai quốc gia đối đầu nhau, không ít thì nhiều sẽ có những đổ vỡ nhất định. Dù Việt Nam không nằm trong phe đối địch với hai quốc gia đang xung đột kia, song chính sự leo thang ngày càng căng thẳng của hai quốc gia – hai nền kinh tế mà Việt Nam có giao dịch hàng hóa vào loại lớn nhất – sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Điều này cũng đã được các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý cảnh báo trong thời gian qua.
Nói như ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn. Mỹ và Trung Quốc là hai nước có kim ngạch xuất nhập lớn với Việt Nam. Do vậy, dù có những tác động tích cực song, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu những tác động tiêu cực nhiều hơn. Một trong những tác động tiêu cực lớn nhất chính là nguy cơ hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam một cách ồ ạt, hơn trước kia nhiều lần.
Đơn giản bởi, khi Mỹ hạn chế hàng hóa Trung Quốc, thì lượng hàng mà nước này sản xuất ra sẽ tràn qua một thị trường khác, trong khi Việt Nam lại chính gần cả về “cự ly” cũng như quá dễ tính với hàng hóa của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Điều này sẽ đẩy nền kinh tế nước nhà vào nguy cơ nhập siêu lớn và dễ phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, điều mà chúng ta đang lo lắng nhất, vì trong một thời gian khá dài, chúng ta vẫn luôn nỗ lực để không phải phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng đã đưa ra cảnh báo này trong một cuộc họp ngành vừa diễn ra mới đây. Theo người đứng đầu ngành công thương, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không đơn thuần là cuộc chiến về mặt kinh tế mà còn là cạnh tranh quyền lực, cuộc chiến về bản quyền, công nghệ, chính sách tiền tệ... giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Mỹ không chỉ áp các biện pháp thuế, còn cả các biện pháp phòng vệ thương mại với các nước đồng minh. Chúng ta đã áp thuế tự vệ với thép, phân bón, dệt may, đồ gỗ, da giày nhưng việc Mỹ đánh thuế khiến hàng Trung Quốc bị chặn đường xuất khẩu có thể dẫn tới nguy cơ các sản phẩm này tràn vào Việt Nam” – Bộ trưởng Công thương nhận định.
Điều mà Việt Nam cần làm lúc này là phải làm sao để có thể tránh được cú sốc bên ngoài, chủ động đứng vững trước những tác động tiêu cực từ xung đột thương mại Mỹ - Trung. Như chúng ta đã thấy, sự đối đầu của hai nền kinh tế lớn không chỉ có những tác động tiêu cực mà còn mở ra những cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, do đó, chúng ta cần phải tận dụng bằng được những cơ hội đó để bứt phá. Một trong những giải pháp được nhắc đến nhiều đó là, cần có chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế tư nhân phát triển, để DN trong nước mạnh lên.
Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế, đó là nền tảng quan trọng để tạo đà cho cộng đồng DN, là “vũ khí” quan trọng để ứng phó với bất kỳ biến động nào của nền kinh tế bên ngoài. Bởi như chúng ta đã biết, cộng đồng DN chính là đòn bẩy của nền kinh tế, nền kinh tế muốn khỏe thì bản thân mỗi DN phải là một “cơ thể khỏe mạnh”. Chính vì thế, tiếp tục các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh thời gian tới là liều thuốc quan trọng giúp chúng ta chủ động ứng phó với những tác động từ cú sốc bên ngoài.
Nói như TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh là biện pháp mà Việt Nam luôn có thể chủ động thực hiện, luôn luôn khả thi và ít tốn kém chi phí trong khi hiệu quả lại rất đáng kể, đặc biệt trong thúc đẩy xuất nhập khẩu; tận dụng cơ hội mới về thương mại và đầu tư, nếu có”. Bên cạnh đó, tăng cường các nỗ lực mở các con đường ưu tiên cho DN xuất khẩu thông qua các FTAs. Tận dụng triệt để các lợi thế xuất khẩu từ các FTAs là một trong những giải pháp để xuất khẩu Việt Nam tìm được con đường riêng, ổn định trong bối cảnh thương mại thế giới đang diễn biến phức tạp.