Trong những năm gần đây sản phẩm mật ong bạc hà Đồng Văn, Hà Giang đã khẳng định được vị thế vững chắc đối với người tiêu dùng, nghề nuôi ong đã trở thành định hướng sản xuất hàng hóa của Hà Giang, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên cao nguyên đá Đồng Văn từng bước xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, để đảm bảo cho nghề nuôi ong mật phát triển bền vững, cần một giải pháp tổng thể.
Mô hình nuôi ong mật tại xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Thu hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi ong
Theo nghề nuôi ong lấy mật từ 5 năm nay, ông Sùng Sính Vư (thôn Thành Ma Tủng, xã Sả Phìn, Đồng Văn, Hà Giang), đã nằm lòng những “tính cách” của đàn ong. Sau những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, đàn ong của gia đình ông ngày càng phát triển, không những thế, ông còn tập hợp những người cùng nghề thành lập Tổ nghề nghiệp nuôi ong xã Sả Phìn với 15 hộ tham gia.
Ông Vư cho biết, mật ong bạc hà từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của vùng cao nguyên đá Hà Giang, chính vì vậy, sản phẩm của tổ làm ra đến đâu được thị trường tiêu thụ hết đến đó, với giá bình quân lên đến 500.000 đồng/lít. Nhờ đầu ra thuận lợi, đến nay, tổ nuôi ong của ông Vư đã phát triển được 500 đàn, sản lượng mật khoảng 1,6 tấn.
Tương tự ông Vừ Sáu Pó (thôn Há Bua Đa, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn) cho biết, năm 2013, được sự hỗ trợ của các hộ nuôi ong trên địa bàn, gia đình ông đã đầu tư gần 50 đàn ong. Trong năm đó, kết thúc vụ nuôi, gia đình thu được từ 50 - 100 lít mật/vụ.
“Đến nay, số đàn ong của gia đình tôi đã được nhân, tách đàn từ 50 đàn ban đầu lên đến 120 đàn. Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên kết thúc vụ nuôi, sản lượng mật của gia đình đạt 360 lít, bình quân đạt 3 - 4 lít/đàn. Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình tôi thu trên 70 triệu đồng”- ông Pó chia sẻ.
Không chỉ ông Vư, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có cơ hội xóa nghèo, làm giàu nhờ con ong mật. Cây bạc hà dại chỉ có ở trên cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành nguồn nuôi dưỡng đàn ong, cho ra những dòng mật thơm mát, chất lượng cao không nơi nào có được. Chính vì vậy, năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong bạc hà của tỉnh Hà Giang trên địa bàn 47 xã thuộc 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Tính đến năm 2016, Hà Giang có 34.093 đàn ong, sản lượng mật đạt 192,02 tấn. Điều đáng ghi nhận là, từ sau khi có chỉ dẫn địa lý, cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, trên địa bàn đã hình thành nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mật ong. Chỉ tính riêng 4 huyện vùng cao nguyên đá đã có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mật ong bạc hà “Mèo Vạc”, chiếm khoảng 30% sản lượng mật ong toàn vùng.
Xây dựng chuỗi giá trị
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Vinh- giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, nghề nuôi ong mật của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn như: công tác quản lý nhãn mác, bao bì, lo go chỉ dẫn địa lý, quảng bá và giới thiệu sản phẩm chưa được chú trọng, chưa có sự liên kết chặt chẽ. Sản phẩm đã được thị trường chấp nhận nhưng chủ yếu bán lẻ cho người tiêu dùng và người thu gom. Một số tổ chức, cá nhân lạm dụng việc nuôi bằng cách cho ăn đường, mật ong kém phẩm chất, làm giả mật ong bạc hà làm giảm uy tín của thương hiệu; nhiều hộ chăn nuôi chưa áp dụng đầy đủ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên chưa có sự thống nhất theo một quy trình để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Thực tế cho thấy không chỉ Hà Giang, các tỉnh miền núi phía Bắc đều có tiềm năng rất lớn trong phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đơn cử như tại Lào Cai, tổng đàn ong mật của tỉnh hiện đạt 5.000 đàn, trong đó có trên 1.000 đàn ong ngoại được nuôi tại Công ty TNHH phát triển ong miền núi Thanh Xuân. Tỉnh Yên Bái duy trì tốt hơn 18.000 đàn ong với sản lượng mật trên 100.000 tấn/năm. Tổng đàn ong của Phú Thọ cũng dao động trong khoảng 30.000 – 50.000 đàn. Song việc phát triển nghề nuôi ong mật bền vững đặt ra không ít thách thức cho các tỉnh.
Theo TS Hạ Thúy Hạnh- phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để phát triển nghề nuôi ong mật bền vững, cần rà soát, điều chỉnh xây dựng quy hoạch và liên kết vùng, địa phương để đảm bảo lợi thế cạnh tranh, phát triển thương hiệu và chỉ dẫn địa lý; xây dựng cơ sở pháp lý phù hợp để đảm bảo lợi ích của người nuôi ong và các hộ, thành phần xã hội liên quan; cán bộ khuyến nông tăng cường giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình nuôi ong VietGAP; kỹ thuật phòng và điều trị bệnh cho ong; đẩy mạnh liên kết sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất.
Được biết định hướng của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong những năm tới, nghề nuôi ong sẽ tiếp tục phát triển theo hướng mở rộng sản xuất hàng hóa quy mô lớn phục vụ xuất khẩu, đồng thời duy trì đàn ong quy mô hộ gia đình để tăng thu nhập cho nông dân; ổn định và nâng cao chất lượng mật để giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu; duy trì giống ong nội tại các vùng có lợi thế, giống ong ngoại phục vụ nuôi tập trung và xuất khẩu; tiến tới xây dựng và bảo vệ thương hiệu mật ong Việt Nam.