Đến nay, những rừng dổi ghép lấy hạt của hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở bản La Trọng 1 đã bén rễ, lên xanh. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, rừng cây này sẽ mang lại cuộc sống đổi thay ở trên mảnh đất còn lắm khó khăn này.
Kỳ vọng từ cây dổi
Nhiều người dân xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) gọi rừng dổi rộng 2,7ha mới được trồng ở bản La Trọng 1 là cánh rừng “Mặt trận”. Bà con gọi như vậy là bởi rừng cây này xuất phát từ đề án “Hỗ trợ trồng cây dổi lấy hạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại do thiên tai, giúp nhân dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững” của Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình.
Gia đình chị Hồ Thị Eng là 1 trong 77 hộ dân ở bản La Trọng 1 (xã Trọng Hóa) được Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình hỗ trợ trồng rừng bằng giống cây dổi. Đến nay, sau chưa đầy 1 năm trồng cây, vườn dổi hơn 100 cây của gia đình chị Eng đã bén rễ, phát triển rất tốt.
Vừa cẩn thận vun đất ở từng gốc cây, chị Eng kể lại: Trước đây, cũng như các hộ khác trong bản, gia đình mình chủ yếu trồng cây keo mà chưa nghĩ đến trồng những cây gỗ bản địa, có giá trị kinh tế cao hơn. Đầu năm 2021, được sự hỗ trợ về cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật từ cán bộ Mặt trận tỉnh và huyện, mình hiểu được trồng cây dổi vừa cho giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường.
Xà Khía (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy) cũng là bản được Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình hỗ trợ trồng cây dổi. Đang nẹp rào quanh các gốc cây dổi, ông Hồ Thao, người dân tộc Bru Vân Kiều phấn khởi nói: “Cây dổi phát triển mạnh lắm. Tôi mới trồng hồi tháng 3 mà nay cây đã cao gần 1m. Nghe cán bộ hướng dẫn và tìm hiểu thêm, tôi thấy, cây dổi ghép lấy hạt này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp mấy lần trồng keo lai nên gia đình rất kỳ vọng thoát nghèo từ loài cây đặc biệt này”.
Ông Đinh Hồng Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Minh Hóa chia sẻ, qua các trận mưa bão, nhiều vùng trồng keo tràm đã bị sạt lở đất, cây gãy đổ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở trên địa bàn. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi thấy cây dổi phù hợp với đặc thù địa hình và khí hậu ở địa phương. Đơn cử như về thời gian trồng, trong vòng từ 3 đến 5 năm, cây có thể cho hạt. Ngoài ra, dưới tán cây, người dân có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày, cây dược liệu, chăn nuôi gia cầm góp phần giải quyết thu nhập trước mắt, mà lại bảo vệ tốt môi trường sinh thái.
Từng bước giảm nghèo bền vững
Từ thực tế triển khai và những lợi thế của cây dổi, Ủy ban MTTQ huyện Minh Hóa đã nhân rộng mô hình. Ủy ban MTTQ huyện đã hỗ trợ hơn 17 nghìn cây dổi giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cho 116 hộ gia đình (có quỹ đất và nguyện vọng) ở các bản: Dộ-Tà Vờng (Trọng Hóa); Y Leng (Dân Hóa); Lương Năng (Hóa Sơn) và Phú Minh (Thượng Hóa).
Ông Sâm cho biết: Cùng việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã biên giới Thượng Hóa, Hóa Sơn, Trọng Hóa và Dân Hóa trồng dổi nhằm hiện thực hóa chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động và Nghị quyết của huyện ủy Minh Hóa về trồng rừng gỗ lớn để phát triển kinh tế.
Nhằm tạo sự chuyển biến mới trong công tác giảm nghèo bền vững, góp phần cải tạo vườn nhà, trang trại, vườn đồi, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với một số giống cây mới, cho thu nhập cao góp phần ổn định cuộc sống, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ trồng cây dổi ghép lấy hạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại do thiên tai, giúp nhân dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững”.
Ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình cho biết: Đề án đã hỗ trợ cho 122 hộ gia đình (có quỹ đất và nguyện vọng) trên địa bàn bản Xà Khía (Ngân Thủy) và bản La Trọng 1 (Trọng Hóa) giống cây dổi và phân bón để bước đầu tạo việc làm, nâng cao ý thức thoát nghèo trong bà con.
Trước lúc chọn giống dổi để hỗ trợ bà con ở 2 bản Xà Khía và La Trọng 1 trồng rừng, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã nghiên cứu, khảo sát kỹ về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và giá trị kinh tế của cây dổi. Theo đó, dổi là giống cây rừng rất thích hợp trồng ở vùng đồi núi, cây không kén đất trồng, có thể trồng ở khu vực có độ dốc cao, trồng xen các loại cây ăn quả, dược liệu khác do đặc tính hướng sáng, vươn cao không gây cạnh tranh về ánh sáng và dinh dưỡng.
Cây dổi có sức sinh trưởng tương đối nhanh và mạnh. Sau khi trồng khoảng 3 năm, cây dổi cao khoảng hơn 3m và sẽ bắt đầu cho thu hoạch trái. Dổi được xếp vào loại cây có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, cây dổi có thể thu hạt để làm gia vị, hiện trên thị trường giá 1kg hạt dổi có giá lên tới 1 triệu đồng, được ví như “vàng ròng”… Đây được xem là hướng đi đúng, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cải thiện môi trường sinh thái của địa phương ở vùng núi, vùng sâu vùng xa ở tỉnh Quảng Bình.