Đối mặt tình trạng không khí ô nhiễm nặng

Minh Nguyệt 07/01/2021 06:45

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội có xu hướng gia tăng đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Nội lại tiếp tục chìm trong ô nhiễm không khí, với mức độ trầm trọng hơn.

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, về quy luật diễn biến chất lượng không khí hàng năm, tại khu vực miền Bắc, ô nhiễm không khí tăng cao vào các tháng mùa Đông.

Nguyên nhân chính được xác định là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa. Việc chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, sáng sớm và chiều muộn hình thành lớp sương mù dầy đặc cản trở việc khuếch tán ô nhiễm, gây ô nhiễm cục bộ.

Theo kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc không khí tự động, bắt đầu từ nửa cuối tháng 10 trở về cuối năm, chất lượng không khí có diễn biến xấu đi so với những tháng trước đó, đặc biệt trong đầu tháng 11 và nhiều ngày trong tháng 12 đã xuất hiện một số đợt ô nhiễm tại Hà Nội và một số đô thị phía Bắc.

Giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại nhiều trạm quan trắc không khí tự động ở nội thành Hà Nội khá cao, vượt quá giới hạn so với Quy chuẩn Việt Nam, tập trung thành những đợt ô nhiễm diễn ra trong khoảng 2-3 ngày, thường cao nhất vào buổi đêm vào sáng sớm. Có những ngày, ô nhiễm diễn ra liên tục.

Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), những ngày ô nhiễm, hầu hết các điểm quan trắc ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều chuyển mức kém màu cam và mức xấu màu đỏ - mức có hại cho sức khỏe, thậm chí lên mức tím và nâu, là mức rất xấu và nguy hại.

Trong đó, ngày 11/12/2020, theo AirVisual, lúc 10 giờ, nhiều điểm quan trắc ở Hà Nội đều ở mức đỏ- chỉ số AQI cao nhất tới 188, có hại cho sức khỏe. Theo thang bảng mức ô nhiễm các thành phố lớn trên thế giới, Hà Nội đứng thứ 14 với chỉ số 174. Đến 11 giờ ngày 11/12, PAMAir ghi nhận chỉ số AQI ở hầu khắp Hà Nội có mức tím 200 - 300, mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng. Thậm chí, 19 điểm có chỉ số AQI ở mức nâu (trên 300), mức nguy hại, cảnh báo mọi người bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Ngày 5- 6/1/2021, ngay từ khoảng hơn 6 giờ sáng, khi mật độ lưu thông trên đường chưa cao, các chỉ số đo chất lượng không khí tại Hà Nội đo được qua hệ thống PAM Air đã ghi nhận ở mức trên 200 là mức rất xấu. Nhiều nơi còn ở mức trên 400 là mức nguy hại - mức cao nhất trên thang cảnh báo. Ngày 6/1, theo thang bảng mức ô nhiễm các thành phố lớn trên thế giới, Hà Nội đang đứng thứ 5 với chỉ số 171.

Số liệu từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, chỉ số chất lượng không khí tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn lúc 14 giờ ngày 6/1 đa phần ở mức xấu, không có chuyển biến tích cực so với ngày 5/1. Đến 18 giờ ngày 6/1, theo PAMAir, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội hầu hết ở mức xấu, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Tại các trạm PAM Farm-Vân Côn (huyện Hoài Đức), Hệ thống liên cấp Lômônôxốp (quận Hà Đông), Đại La (quận Hai Bà Trưng)…, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (251-257), cảnh báo mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng.

Chú trọng các biện pháp bảo vệ sức khỏe

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ tháng 1-3/2021 sẽ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi, gây suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Theo các chuyên gia môi trường, lớp sương mù dày bao phủ khiến khói bụi lơ lửng, không phân tán được ra ngoài, cùng với mật độ dân cư, giao thông đông đúc nên ô nhiễm càng nặng và có khả năng kéo dài trong ngày. Người dân hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm; trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi, làm sạch không khí. Người dân không nên chủ quan, vào những ngày dù trời có nắng nhưng không khí vẫn ô nhiễm, hạn chế các hoạt động ngoài trời, đóng cửa sổ và sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường. Những ngày thời tiết rất xấu, người dân không ra ngoài tập thể dục vào buổi sáng và chiều tối - thời gian ô nhiễm nhất trong ngày, đặc biệt người già và trẻ em, các trường học không tổ chức các hoạt động ngoại khóa ngoài trời.

Chuyên gia y tế khuyên người dân trong điều kiện thời tiết xấu cần vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý, nhất là khi ra đường; tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người có bệnh về hô hấp cần thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khói thuốc lá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối mặt tình trạng không khí ô nhiễm nặng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO