Nhiều ý kiến cho rằng, cần đổi mới cơ chế sử dụng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao để tăng cường thu hút, giữ chân và phát huy hiệu quả số nhân tài đã được tuyển dụng.
Ngày 10/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” giai đoạn 2021-2024.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng, điều trọng nhất làm thế nào để sau đợt giám sát có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế, chưa quy định thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao được đánh giá trên bằng cấp hay khả năng thực hành trình độ chuyên môn. Vì vậy, cần làm rõ khái niệm và phạm vi của nguồn nhân lực chất lượng cao thì chúng ta mới đi vào được những vấn đề trọng yếu khác và có giải pháp.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề quan trọng là làm thế nào để đào tạo và sử dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, phải có một quỹ về đào tạo và thu hút nhân tài. Những việc này khi Chính phủ nghiên cứu trình thì cần có sự đồng thuận của Quốc hội.
“Để thu hút và sử dụng, phải có cơ chế chính sách cho nhân lực chất lượng cao. Thu hút vào cơ quan nhà nước hay cả cho doanh nghiệp, việc này cũng phải làm rõ. Khi thu hút thì chính sách nhà ở, biên chế, thu nhập, sử dụng và đề bạt thế nào? Ví dụ, thu hút vào cơ quan nhà nước có chính sách về biên chế không, họ được vào biên chế ngay hay phải hợp đồng. Những vấn đề này cần phải cân nhắc”, ông Phớc đặt vấn đề.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, vừa qua thực hiện chính quyền địa phương địa phương 2 cấp, hệ thống, nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước có thể nói yếu, rất yếu.
“Vừa qua khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương địa phương 2 cấp cho thấy hệ thống, nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước còn yếu. Những người có năng lực lại ra làm doanh nghiệp ngoài vì cơ quan Nhà nước trả lương như công chức 5-7 triệu/tháng, không thể thu hút được”, ông Phớc nói và cho hay, trước mắt với cán bộ công nghệ thông tin ở cấp xã, tỉnh, thậm chí cả cấp bộ trong cơ quan nhà nước cần có cơ chế đặc thù. Ít ra như Nghị định 140 về thu hút nhân tài hưởng 200% lương mới giữ được. Nếu không giữ được, vận hành theo dạng số hóa rất khó khăn và sẽ bị rối. khi lập quỹ thu hút nhân tài phải trên cơ sở khuyến khích doanh nghiệp tài trợ, theo dõi sử dụng quỹ và có sự đánh giá.
Trước đó, báo cáo về kết quả giám sát, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Xã hội của Quốc hội kiến nghị, tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trọng điểm, gắn với các nhóm ngành nghề được ưu tiên, những lĩnh vực mới, lĩnh vực quan trọng. Chú trọng phát triển các chương trình hợp tác đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học uy tín, chất lượng trên thế giới; các chương trình đào tạo kỹ sư và cử nhân tài năng, chương trình đào tạo nghề trọng điểm quốc tế. Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là phát triển kinh tế tư nhân.
Về sử dụng nguồn nhân lực, theo ông Vinh cần thực hiện việc phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, cơ sở trong phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao, lưu ý việc giao thẩm quyền, trách nhiệm cho địa phương, cơ sở phải kèm theo nguồn lực để triển khai thực hiện bao gồm biên chế và ngân sách.
Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế sử dụng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao để tăng cường thu hút, giữ chân và phát huy hiệu quả số nhân tài đã được tuyển dụng theo hướng tổ chức các chương trình, công trình, dự án riêng với cơ chế đãi ngộ và môi trường làm việc mang tính mở, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đề cao trách nhiệm. Thực hiện các chính sách đặc thù, vượt trội cho người làm công tác xây dựng pháp luật và nhà giáo theo quy định.
Đồng thời, triển khai thực hiện tốt chính sách về thị thực nhằm thu hút người nước ngoài thuộc nhóm nhân lực chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới. Chú trọng việc thu hút nhân tài là sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, “tổng công trình sư” người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành là người nước ngoài làm việc trong những lĩnh vực mới, lĩnh vực quan trọng: trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, luật, công nghiệp quốc phòng, khí tượng thủy văn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi nhìn nhận kết quả giám sát này sẽ đóng góp quan trọng cho việc ban hành nghị quyết về giáo dục của Trung ương sắp tới và nghị quyết Đại hội XIV ở phần liên quan tới giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, từ kết quả giám sát đặt ra yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học phải có sự đổi mới rất mạnh mẽ, sát với thị trường, sát với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, chiến lược nguồn nhân lực phải đi theo phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế đòi hỏi cái gì thì chúng ta đào tạo cái đó theo chiến lược đó.