Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Đổi mới đầu tư vào văn hóa

Miên Thảo 20/07/2024 11:27

Tại hội thảo tham vấn Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng qua 8 năm triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Một số ý kiến nhấn mạnh tới việc Nhà nước cần đầu tư lớn, thành lập quỹ... Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần đổi mới theo hướng xã hội hóa với sự tham gia của tư nhân thì công nghiệp văn hóa mới thực sự thành công.

Ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1755 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, đem tới nhiều kỳ vọng mới.

Ngày 22/12/2023, Hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.

Định hướng đã rõ, vấn đề là triển khai, thực hiện. Điểm nghẽn là ở đâu và gỡ nó thế nào. Một vấn đề nhận được nhiều ý kiến là nguồn lực tài chính để xây dựng công nghiệp văn hóa. Đa số nhà quản lỹ lĩnh vực này “kêu” rằng Nhà nước đầu tư quá ít nên không phát triển được, nhất là trong việc xây dựng các cơ sở đủ sức tổ chức các sự kiện quy mô quốc tế, xây dựng thương hiệu cho các sự kiện văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam... Từ cách đặt vấn đề như vậy, nên họ mong muốn nhận được đầu tư nhiều từ Nhà nước.

Tuy nhiên, không ít nhà nghiên cứu văn hóa lại cho rằng xã hội hóa để xây dựng công nghiệp văn hóa phải coi là tất yếu. Vì nếu chỉ trông chờ vào “bầu sữa mẹ” là Nhà nước thì sẽ không có sự đổi mới trong quản lý, sáng tạo mà vẫn dừng lại ở việc trông chờ, ỉ lại.

Từ đó, nhiều người đề nghị cần thành lập Quỹ phát triển văn hóa nghệ thuật theo từng lĩnh vực, như điện ảnh, ca múa nhạc, văn hóa số… Dẫn kinh nghiệm thành công từ Anh, giới nghiên cứu cho rằng có thể trích một phần tiền từ nguồn thu xổ số, và trích % từ doanh thu quảng cáo, truyền thông số, lệ phí bán vé, các khoản hiến tặng, nguồn thu hợp pháp khác. Hoặc Trung Quốc quy định ngành công nghiệp giải trí (trung tâm khiêu vũ, ca nhạc, karaoke, phòng trà, sân golf, bowling...) phải đóng 3% lợi nhuận vào Quỹ xây dựng văn hóa dưới sự quản lý của Nhà nước.

Từ đó, Nhà nước chủ yếu sẽ đóng vai trò bảo trợ, “bà đỡ” về nền tảng vật chất, kỹ thuật, phân bổ quỹ đất, hỗ trợ đổi mới, phát triển công nghệ; đổi mới cơ chế quản lý với các ngành công nghiệp văn hóa để giải phóng sức sáng tạo của nghệ sĩ; chuyển đổi cơ chế từ cấp phép, “xin - cho” sang cơ chế thông thoáng; chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”...

Ở một góc nhìn riêng, theo nhạc sĩ Quốc Trung, muốn phát triển công nghiệp văn hóa thì phải xóa đi ranh giới giữa đội ngũ sáng tạo trong khu vực nhà nước và khối tư nhân. Đề nghị trong chính sách phát triển văn hóa sự hỗ trợ phải được chia đều. Nếu các đơn vị làm văn hóa nhà nước làm nhiệm vụ chính trị thì các đơn vị làm văn hóa ngoài khu vực nhà nước cũng thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, đều đóng góp quan trọng cho xã hội.

Đáng chú ý khi ông Trung cho rằng đã có nhiều hội thảo về công nghiệp văn hóa với nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, song chưa thấy bất cứ chuyển biến nào.

Từ những trăn trở, nghĩ suy về nền công nghiệp văn hóa của đất nước, nhiều người hy vọng một cách làm mới, nhất là trong lĩnh vực đầu tư sẽ có sự thay đổi. Lâu nay Nhà nước chi tiền cho văn hóa thông qua các tổ chức, các công cụ thuộc về Nhà nước. Nhưng theo thông lệ trên thế giới và xu hướng ở Việt Nam tới đây, cần cân nhắc chuyển dịch dần sự hỗ trợ của Nhà nước sang các tổ chức tư nhân tham gia lĩnh vực văn hóa để thực hiện một số công việc của Nhà nước, chứ không chỉ Nhà nước đứng ra làm. Việc huy động nguồn lực đầu tư cho văn hóa không thể mãi chỉ trông chờ vào Nhà nước, mà phải đổi mới cả trong cách nghĩ lẫn cách làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới đầu tư vào văn hóa