Năm 2023, MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở.
Năm 2023, bám sát Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của UBTƯ MTTQ Việt Nam và chủ đề công tác của tỉnh là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai nhiệm vụ, phát huy sức sáng tạo, trách nhiệm cao và đạt được kết quả toàn diện; được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh ghi nhận, đánh giá cao…
Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương,… được đổi mới thông qua sử dụng hiệu quả hệ thống Trang cộng đồng (fanpage Facebook) của MTTQ các cấp. Trang cộng đồng còn là cầu nối giữa tổ chức MTTQ với nhân dân thông qua việc ghi nhận thông tin, bình luận, phản ánh của người dân về những vấn đề phát sinh tại cơ sở và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân ở địa bàn khu dân cư.
“Thông qua sự chia sẻ, phản hồi, đóng góp ý kiến tích cực, trách nghiệm của người dân trên Trang cộng đồng đã góp phần tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp; việc tham mưu, đề xuất với tỉnh trong việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của người dân;… Từ đó, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân đối với việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.
Năm 2023, hòa chung không khí thi đua chào mừng 60 năm thành lập tỉnh gắn liền với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, MTTQ các cấp đã chủ động triển khai các chương trình, cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước với nội dung trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy vai trò chủ động, chủ thể, ý chí tự cường của người dân.
Điển hình phải kể đến việc triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh năm 2023. Đội ngũ cán bộ Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực vào cuộc, tham gia sát sao ngay từ các bước rà soát, thẩm định và xét duyệt các đối tượng cần hỗ trợ, đảm bảo việc lựa chọn công khai, minh bạch. Trong quá trình phối hợp triển khai rà soát thực tế tại các địa phương, MTTQ các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, Ban Tổ chức thực hiện chương trình cấp huyện mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ với quyết tâm không để sót một người dân nào trên địa bàn ở nhà ở tạm, nhà ở dột nát. Do vậy, số lượng hộ cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở thực tế là 441 hộ (tăng 195 hộ so với kế hoạch) với tổng kinh phí lên tới 29 tỷ đồng. Tuy nhiên, bằng nhiều phương thức tuyên truyền, vận động linh hoạt, sáng tạo, MTTQ các cấp đã phối hợp huy động nguồn lực xã hội hóa để đảm bảo kinh phí thực hiện chương trình theo thực tế.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp còn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ không để có tình trạng thất thoát, đảm bảo chất lượng công trình đạt “3 cứng”, khang trang, sạch đẹp và hoàn thành đúng tiến độ.
Qua chương trình cho thấy kinh nghiệm quý của Ủy ban MTTQ các cấp sau nhiều năm triển khai hiệu quả Quỹ Vì người nghèo, xây dựng nhà Đại đoàn kết, lấy người dân là trung tâm chính sách phát triển. Đồng thời tiếp tục là kinh nghiệm quý cho các chương trình an sinh trong thời gian tới.
Năm nay, MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 55 mô hình, phần việc tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Trong đó, nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực, cụ thể của các mô hình, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và điều kiện thực tế từng địa bàn cơ sở như: Xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh; chỉnh trang đô thị; bảo vệ môi trường; chuyển đổi số toàn diện; xây dựng thôn thông minh;... Điển hình như mô hình “Đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế hộ gia đình – nuôi gà Tiên Yên” của MTTQ xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên); mô hình “Thôn nông thôn mới thông minh” (áp dụng công nghệ số) của Ban Công tác Mặt trận thôn Đông (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà); mô hình “Đường biên giới bình yên” của MTTQ Phường Ka Long (TP Móng cái);... Qua đó tạo thêm động lực đổi mới nội dung, hình thức triển khai cuộc vận động trong toàn tỉnh.
Theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, đây là những đại diện tiêu biểu, đi đầu trong tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, xây dựng xã hội, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc”.
MTTQ các cấp trong tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức thành công Liên hoan tiếng hát khu dân cư các cấp, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của trên 68.800 lượt diễn viên quần chúng và đông đảo sự ủng hộ, cổ vũ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần cổ vũ phong trào văn nghệ quần chúng, xây dựng đời sống văn hóa và tinh thần hứng khởi trong toàn dân và phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh…
Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh Quảng Ninh cũng hết sức chú trọng đổi mới công tác giám sát và phản biện xã hội với nội dung và phương thức thực hiện thực chất và rõ hiệu quả hơn. Năm 2023, MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì, phối hợp triển khai hơn 400 hoạt động giám sát khá rõ hiệu quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng như: Công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn; việc thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI; việc thực hiện quy định tiếp công dân cấp xã; việc nêu gương của cán bộ Đảng viên ở nơi cư trú; việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án đang triển khai trên địa bàn;…
Đặc biệt, lần đầu tiên, MTTQ các cấp trong tỉnh chủ trì thực hiện giám sát việc thực hiện trách nhiệm và chương trình hành động của 18 đại biểu HĐND tỉnh, 82 đại biểu HĐND cấp huyện, 1.239 đại biểu HĐND cấp xã tại nơi làm việc và nơi cư trú. Việc thực hiện giám sát được tiến hành chặt chẽ, khách quan, có ý nghĩa khuyến khích tự phê bình, điều chỉnh, sửa chữa kịp thời các tồn tại, hạn chế, ngăn chặn dấu hiệu tiêu cực, suy thoái trong cán bộ, Đảng viên…
Với hoạt động phản biện xã hội, MTTQ tỉnh đã chủ trì phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, về các nội dung: Quy định chuẩn nghèo áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025; sửa đổi bổ sung 1 số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững; quy định số lượng, chế độ, chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, khu phố…
Bước sang năm 2024 với nhiều vấn đề mới, nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải thực hiện bằng nhiều cách thức, phương pháp sáng tạo hiệu quả. Trước yêu cầu đó, MTTQ tỉnh Quảng Ninh và các tổ chức thành viên đã và đang có nhiều nỗ lực để không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Qua đó, ngày càng khẳng định vị thế trong việc tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp ngày càng rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường và quyền làm chủ của nhân dân… và góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh lần thứ 13 khóa XI ngày 12/12, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh đề nghị, năm 2024, nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên cần phải được tiếp tục đổi mới, hướng mạnh về cơ sở. Nhất là đi sâu vào những nội dung trọng tâm, như: Nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân; chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Đại hội Đại biểu MTTQ các cấp; nâng cao chất lượng chương trình giám sát, phản biện; phát huy dân chủ ở cơ sở, cổ vũ vai trò chủ thể, tự quản của nhân dân trong xây dựng NTM, đô thị văn minh, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm từ cơ sở, tăng cường các diễn đàn đối thoại, lắng nghe phản ánh của nhân dân, củng cố đồng thuận xã hội...