Ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét: Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp; và Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH (sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH). Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu tham dự phiên họp.
Về Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH cho biết, Dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu và chỉnh sửa gồm 6 chương, 43 điều. Dự thảo Nghị quyết có 5 điểm mới.
Đối với Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH (sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH) theo Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình, Dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu và chỉnh sửa gồm 7 chương, 49 điều. Trong đó, về tổ chức tiếp xúc cử tri, Dự thảo Nghị quyết đã quy định cụ thể theo hướng tăng cường vai trò chủ động, tích cực của ĐBQH trong tiếp xúc cử tri.
Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật MTTQ Việt Nam, thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; khắc phục những vướng mắc, bất cập; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND.
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thay thế Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13 ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu cho biết, Mặt trận cơ bản thống nhất về các nội dung trong dự thảo 2 Nghị quyết về tiếp xúc cử tri của ĐBQH, và đại biểu HĐND.
Theo Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu, việc MTTQ chủ trì các hội nghị tiếp xúc cử tri sẽ thuận lợi cho ĐBQH và đại biểu HĐND do Mặt trận ở địa phương đã có kinh nghiệm trong tổ chức, điều hành các cuộc tiếp xúc cử tri, qua đó khống chế thời gian các ý kiến phát biểu để tránh lan man, nhờ đó các đại biểu có thể nghe được nhiều ý kiến của cử tri hơn.
Do đó Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu đề nghị, trong nội dung dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ quyền hạn để Mặt trận có thể điều hành các cuộc tiếp xúc cử tri. Đồng thời cần quy định cấp nào phải đến dự tại các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đại biểu HĐND để tiếp nhận và trả lời ý kiến của cử tri.
Nhấn mạnh ĐBQH quan tâm đến xây dựng Luật, pháp lệnh, còn HĐND quan tâm đến việc thường ngày của địa phương, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu cho rằng, trong tập hợp ý kiến của cử tri trong tiếp xúc cử tri nếu không có năng lực tổng hợp rạch ròi sẽ bị trùng. Vì vậy trong quá trình tổng hợp ý kiến cử tri cần có sự bóc tách các vấn đề.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc sửa Nghị quyết 753 về tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, và Nghị quyết 525 về tiếp xúc cử tri của ĐBQH bắt đầu có chủ trương từ khoá XIV. Vấn đề này Quốc hội, Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã quan tâm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam rất quan tâm đến việc tiếp xúc cử tri tại 4 cấp. Kể cả đi công tác nước ngoài, gặp cộng đồng người Việt ở nước ngoài, doanh nghiệp ở nước ngoài thì cũng đều ghi nhận các ý kiến phản ánh của đồng bào ta ở nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, lần này sửa 2 dự thảo Nghị quyết nên gộp lại thành 1 Nghị quyết, cho gọn, rõ trọng tâm và trọng điểm. Cái gì chung là chung, riêng là riêng. Có chương riêng cho tiếp xúc cử tri của ĐBQH, chương riêng cho tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND. Việc gộp lại để gọn, trọng tâm, trọng điểm trong tiếp xúc cử tri.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, sau tiếp xúc cử tri thì cái gì của xã thì xã giải quyết, của huyện thì huyện giải quyết, của tỉnh thì tỉnh giải quyết. Còn cái gì vĩ mô gửi cho UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Dân nguyện để tổng hợp báo cáo với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần chú trọng đổi mới hình thức, tổ chức nội dung, địa điểm tổ chức tiếp xúc cử tri. Không ai khác hơn MTTQ Việt Nam các cấp đứng ra mời, tổ chức cùng với Đoàn ĐBQH, HĐND ghi biên bản, tổng hợp ý kiến. Tiếp xúc cử tri phải rất trân trọng, quan tâm, tổ chức nghiêm túc, thấu quan điểm của Đảng: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Lấy dân làm gốc để thực hiện tiếp xúc cử tri.
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay, theo phản ánh của dư luận, báo chí, các quy định về quảng cáo hiện nay khá đầy đủ nhưng có tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, quảng cáo quá đà trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Người tiêu dùng bực mình vì đọc quảng cáo rất hay nhưng khi mua về thì không đâu vào đâu” - ông Tùng chỉ rõ và đề nghị phải xem đây là trọng tâm khi sửa đổi luật, có giải pháp kịp thời để phát hiện và xử lý vi phạm, lập lại trật tự trong quảng cáo.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thông tin, dự thảo Luật đã quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Cụ thể, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng sản phẩm, phát sinh từ hoạt động quảng cáo... Người quảng cáo phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình thực hiện quảng cáo. Khi đăng tải ký kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội, họ phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.