Thông tin tới các phóng viên trong nước và quốc tế tại cuộc họp báo giới thiệu về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Ủy viên TW Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại TW Hoàng Bình Quân cho biết các định hướng lớn trong đường lối đối ngoại của Đảng ta là: Đường lối đối ngoại sẽ được kế thừa tại ĐH XI và kế thừa qua các ĐH, phát triển lên.
Ông Hoàng Bình Quân trả lời tại họp báo.
Mục tiêu là “Đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc, dựa trên cơ sở pháp luật quốc tế, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia trên thế giới; là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đường lối đối ngoại cũng nhằm mục tiêu góp phần giữ gìn môi trường hòa bình để ổn định phát triển đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tiếp tục nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế” - Trưởng Ban Đối ngoại TW cho biết.
Một điểm nữa, theo ông Hoàng Bình Quân là, trong nhiệm kỳ qua, Việt Nam đã nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, theo đó, đưa các quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, và nâng cao chất lượng các hoạt động đa phương; tức là trên tinh thần tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
“Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò và thể hiện vai trò có trách nhiệm của mình trong các cơ chế đa phương; góp phần mình vào việc hình thành các định chế quốc tế góp phần vào giữ gìn môi trường hòa bình. Việt Nam cũng sẽ triển khai mạnh mẽ chủ trương định hướng chiến lược hội nhập quốc tế trong đó định hướng hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm. Chúng tôi coi đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam” - Ông Hoàng Bình Quân nói.
Nói về các thành tựu lớn của đối ngoại Việt Nam nhiệm kỳ XI, ông Hoàng Bình Quân cho biết: Chúng ta đã kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt sách lược, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông; kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình; đồng thời giương cao ngọn cờ hòa bình, công lý với tinh thần nhất quán của Việt Nam, chủ trương giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình.
Hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác lâu dài, ổn định với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn; có quan hệ đối tác chiến lược với 15 quốc gia, quan hệ đối tác toàn diện với 10 quốc gia. Riêng trong năm 2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chuyến thăm Trung Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Hoa Kỳ- mở ra không gian hợp tác rộng lớn hơn cho Việt Nam. Công tác đối ngoại đã góp phần huy động các nguồn lực cho phát triển đất nước.
Trong hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam nỗ lực kết thúc EVFTA, FTA với Hàn, kết thúc TPP, tham gia có trách nhiệm, hiệu quả trọng các định chế quốc tế.
5 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với 228 chính đảng thuộc 112 nước trên khắp các châu lục. Điều này góp phần đưa quan hệ Đảng đi vào thực chất, làm cơ sở cho quan hệ của quốc gia đi vào chiều sâu.
Đảng ta cũng đã có thông báo gửi tới các Đảng Cộng sản, Đảng công nhân, các Đảng có quan hệ trên thế giới và tới thời điểm này (trước ĐH) hiện Đảng ta đã nhận được 156 thư điện gửi đến chúc mừng.
H.Mai