Với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 triển khai thực hiện từ năm học 2020-2021 tới đây, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên (GV) được đánh giá là bước đi quan trọng quyết định sự thành bại của lần đổi mới này.
Phân vai khi tập huấn
Đến thời điểm này, việc tập huấn GV, cán bộ quản lý giáo dục để chuẩn bị cho Chương trình GDPT 2018 đã hoàn thành theo kế hoạch. Tất cả các tổ trưởng chuyên môn của 63 tỉnh/thành phố trên cả nước đã hoàn thành việc tập huấn về xây dựng kế hoạch giáo dục môn học/hoạt động giáo dục, hoàn thành việc tập huấn cho đội ngũ GV cốt cán, cán bộ quản lý giáo dục và triển khai bồi dưỡng đại trà, bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa (SGK) lớp 1.
Khác với chương trình hiện hành là việc bồi dưỡng GV dựa trên SGK, lần này các giảng viên dựa trên chương trình tổng thể để tập huấn. Trước khi bồi dưỡng, GV phải nghiên cứu trước toàn bộ chương trình, từ chương trình tổng thể, chương trình môn học, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt được sau đó mới tham gia tập huấn. Như vậy, từ cơ sở lý thuyết đến thực tiễn đối với GV cũng hiệu quả hơn.
Mặc dù được triển khai bài bản hơn song theo đánh giá của bà Nguyễn Minh Giang (Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh), trước đây chỉ có một bộ SGK, bồi dưỡng xong là giải quyết được tất cả. Nay một chương trình và nhiều SGK nên chắc chắn yêu cầu đặt ra cao hơn, cần một lộ trình rất dài cho GV thì mới đạt được mục tiêu đề ra là giảng dạy bám sát nội dung chương trình tổng thể và chương trình môn học với các yêu cầu về phát triển năng lực người học…
Cụ thể, từ trước đến nay khi triển khai bồi dưỡng GV đều phụ thuộc vào SGK nên trong thời gian vừa qua, khi SGK chưa đến tay mọi GV, cán bộ quản lý giáo dục là một khó khăn với nhiều người. Song nhờ đó, việc tập huấn GV thoát được lối mòn cũ mà bộ SGK đã mặc định. Nhiều bộ SGK chính là nguồn tư liệu phong phú mà thầy cô có thể tham khảo để chọn lọc, đưa vào bài giảng của mình. Thậm chí, tự thầy cô có thể xây dựng một “bộ SGK” cho mình theo kế hoạch dạy học, không theo một bộ SGK nào nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, đảm bảo đúng tính yêu cầu cần đạt.
Thuận lợi thứ hai khi tập huấn thiếu SGK đó là bắt buộc GV phải tự xâu chuỗi các nội dung từ lớp 1 đến lớp 5. Đồng thời song hành với nó là phải có kiến thức về kỹ năng dạy học, phương pháp dạy học với nhiều đổi mới so với chương trình hiện hành đòi hỏi GV phải nỗ lực nhiều hơn mới đảm bảo yêu cầu đặt ra. Không để tuổi tác trở thành rào cản đổi mới.
Dự kiến năm 2020, sẽ có khoảng 1 triệu GV trên toàn quốc tham gia tập huấn đại trà. Nhiều thầy cô giáo đã trong tâm thế đổi mới sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, tích cực nhưng cũng không thể bỏ qua đội ngũ GV có tuổi, những người đã dạy học vài chục năm chắc chắn đã hình thành những thói quen khó thay đổi ngay trong 1, 2 ngày hay trong thời gian ngắn. Vậy phải làm thế nào?
Theo kinh nghiệm của nhiều giảng viên tham gia tập huấn, đối với sự chênh lệch chất lượng GV, ngay khi bắt đầu buổi bồi dưỡng, phải tìm hiểu ngay đối tượng mình đang làm việc cùng. Có thể bắt đầu bằng những câu hỏi như: Thầy cô đã tiếp cận chương trình này như thế nào; thầy cô biết gì về Chương trình GDPT mới; thầy cô mong muốn của thầy cô được tập huấn như thế nào?... Căn cứ trên những câu trả lời, giảng viên sẽ đưa ra phương pháp, nội dung tập huấn phù hợp.
Một GV cốt cán tại tỉnh Lào Cai sau khi tham gia tập huấn và trở về địa phương để tập huấn lại cho các thầy cô trên địa bàn chia sẻ thẳng thắn: Yêu cầu của tập huấn Chương trình mới là phải dành tối thiểu 5 ngày tự học, tự nghiên cứu trước, sau đó có 3 ngày để tập huấn trực tiếp - dưới hình thức sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường/cụm trường để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, thắc mắc và 7 ngày làm bài tập kiểm tra đánh giá.
Hiện tất cả GV trong cả nước đều được cấp tài khoản để truy nhập vào hệ thống học tập, bồi dưỡng trực tuyến (LMS) để tự học, tự bồi dưỡng. Tuy nhiên, đi vào thực tế triển khai, sẽ không tránh khỏi có trường hợp GV chưa đụng gì đến Chương trình 2018. Cách làm lúc này là phải dành thời gian hướng dẫn họ đọc rất nhanh, chỉ cho họ những từ khóa mới để nêu bật được vấn đề.
Các GV cốt cán, giảng viên sư phạm chủ chốt là những người hướng dẫn các thầy cô thông qua hệ thống trực tuyến, qua trao đổi trong sinh hoạt chuyên môn. GV cốt cán hỗ trợ, hướng dẫn GV đại trà tự học. Sở GDĐT sẽ đánh giá chất lượng bồi dưỡng của GV đại trà để cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học. Chỉ khi được đánh giá “đạt” chất lượng khóa bồi dưỡng, GV mới được tham gia giảng dạy trực tiếp trên lớp.
Đảm bảo có học sinh là phải có giáo viên
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng về việc chuẩn bị đội ngũ GV, bảo đảm cho sự thành công của đổi mới chương trình GDPT mới. Theo đó, trong trường hợp chưa thể bố trí đủ GV theo định mức, cần có giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường, từng vùng miền để bảo đảm có học sinh thì phải có GV đứng lớp.
Thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, tính đến cuối năm 2019, cả nước có gần 800 nghìn GV phổ thông, trong đó có gần 380 nghìn GV tiểu học.
Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo (tỷ lệ GV đạt chuẩn và trên chuẩn đối với tiểu học 99,9%, THCS 99,1%, THPT 99,7%). Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi.
Số lượng GV và cán bộ quản lý giáo dục thiếu so với quy định, nhất là cấp tiểu học thiếu hơn 23 nghìn GV ở khối công lập. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ GV chưa đồng đều, cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý.Đáng chú ý, một số nơi thiếu trầm trọng GV các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục.
Bên cạnh đó, Chương trình GDPT mới có các môn học tích hợp, điển hình như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên ở cấp THCS, song với điều kiện thực tế hiện nay, nhiều trường còn gặp khó khăn và gần như chưa đáp ứng được yêu cầu GV dạy liên môn, dạy tích hợp.
Vì vậy, bên cạnh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần chọn những GV có nhiều kinh nghiệm, đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng để thực hiện dạy lớp 1, đồng thời bố trí đủ số lượng GV/lớp theo định mức quy định để dạy lớp 1. Các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng viên chức, bổ sung biên chế cho ngành giáo dục, nhất là ưu tiên biên chế để tuyển dụng GV cho những môn học mới ở các cấp học. Các địa phương cũng cần phối hợp các cơ sở đào tạo giáo viên để cung cấp nhu cầu sử dụng, đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới chương trình GDPT.