Đối phó với hạn mặn khốc liệt

THANH TIẾN 06/10/2023 07:06

Những cơn mưa lớn nhiều ngày qua ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không làm người nông dân vơi bớt nỗi lo lắng. Bởi theo dự báo, do ảnh hưởng của El Nino, hạn mặn sẽ đến sớm và gay gắt trong mùa khô năm 2023-2024. Hiện nhiều địa phương và người dân bắt đầu phải chạy đua để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn...

Người dân vùng ven biển Nam bộ xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân để tránh mặn xâm nhập.

Mùa mưa năm nay theo dự báo chỉ tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 9-10 và sẽ kết thúc sớm vào giữa tháng 11. Do vậy, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn dự báo xuất hiện sớm so với trung bình nhiều năm một tháng (bắt đầu vào giữa hoặc cuối tháng 12).

Xâm nhập mặn đến sớm, kéo dài

Ông Lê Đình Quyết - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, lượng mưa từ tháng 9 đến tháng 11 năm nay xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm không nhiều. Từ tháng 12 đến tháng 2/2024 lượng mưa phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm trên hầu khắp khu vực Nam Bộ và khả năng rất ít mưa trái mùa trong mùa khô năm 2023-2024. Vì vậy, các địa phương cần đề phòng nguy cơ thiếu nước ngọt trong mùa khô và xâm nhập mặn vào sâu nội đồng trong mùa khô 2023-2024.

Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nhận định, vùng ven biển ĐBSCL cách biển 20 - 30 km (gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang) có khả năng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến lúa Đông Xuân. Ngoài những vùng có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp xâm nhập mặn thì khô hạn có khả năng gây ảnh hưởng cho các vùng cách biển từ 30-70 km. Tuy nhiên, nếu xâm nhập mặn đến sớm và thời gian kéo dài với nồng độ mặn cao thì một số vùng ven sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và cho vườn cây ăn trái.

Nông dân cày đất chuẩn bị gieo sạ.

Làm gì để né hạn mặn?

Trước những yếu tố bất lợi trên, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân từ ngày 10 đến 30/10/2023 ở những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ (vùng ven biển Nam bộ các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang). Đây là những vùng có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ cần xuống giống sớm để tránh mặn xâm nhập.

Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, mặc dù xuống giống lúa Đông Xuân trong tháng 10 sẽ có một số bất lợi và thường cho năng suất không cao. Tuy nhiên, việc xuống giống sớm lại an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn, do vậy đây là sự lựa chọn an toàn. Việc bố trí thời vụ hợp lý và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển sẽ đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

“Năm nay, Bộ NNPTNT khuyến cáo thêm, ngay cả những vùng nước ngọt, không bị xâm nhập mặn chúng ta cũng xuống giống sớm. Lý do là dự báo giá lúa có thể cao cho đến khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, khi nhu cầu của Indonesia và Philippines vẫn còn cao. Xuống giống sớm để có lúa sớm, bán được giá cao, doanh nghiệp và nông dân điều có lợi”, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.

Tại huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) - địa phương dễ chịu ảnh hưởng của hạn mặn, nhiều nông dân đã tranh thủ xuống giống sớm. Vừa gieo sạ xong vụ lúa Đông Xuân, anh Nguyễn Hoàng Pha (ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, năm nay, người dân trong khu vực gieo sạ sớm hơn khoảng 10 ngày so với mùa vụ trước để né đợt hạn mặn vào cuối vụ.

“Đợt hạn mặn 2015-2016, lúa của tôi bị ảnh hưởng ngay giai đoạn làm đòng, trổ bông. Tuy chưa đến mức chết lúa nhưng năng suất không cao vì bị lép nhiều quá. Do đó, năm nay khi nghe thông tin hạn mặn gay gắt tôi đã tranh thủ gieo sạ sớm để giai đoạn lúa làm đòng, trổ bông kịp lấy nước ngọt. Vụ lúa vừa rồi tôi bán được 7.400 đồng/kg, rất phấn khởi vì giá cao hơn nhiều năm. Bà con bắt đầu có lợi nhuận nên hy vọng đợt này thêm một vụ mùa được giá” - anh Pha chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải người dân khu vực nào cũng thực hiện theo các khuyến cáo của ngành chức năng. Tại tỉnh Tiền Giang, sau khi thu hoạch vụ lúa Hè Thu, Sở NNPTNT tỉnh này đã khuyến cáo không sản xuất vụ lúa Thu Đông đối với các huyện vùng phía Đông của tỉnh (vùng ngọt hóa Gò Công), để đất nghỉ ngơi, chuẩn bị xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân nhằm né hạn mặn. Đây được xem là một trong những giải pháp căn cơ để ứng phó với hạn, mặn cho khu vực phía Đông của tỉnh trong những năm qua. Bởi vì, nếu gieo sạ vụ lúa Thu Đông thì đến cuối tháng 11, đầu tháng 12/2023 mới thu hoạch. Khi đó, nông dân bắt đầu gieo sạ vụ lúa Đông Xuân thì đến tháng 3/2024 mới có thể thu hoạch và có nguy cơ bị thiệt hại do xâm nhập mặn đến sớm. Thế nhưng, thực tế, nhiều hộ dân vẫn xuống giống vụ Thu Đông bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

“Diện tích các huyện phía Đông khoảng hơn 19.000 ha. Chúng tôi đã khuyến cáo bà con bỏ vụ Thu Đông để tháng 10 xuống giống vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, do giá lúa cao nên nhiều nông dân không thực hiện theo khuyến cáo và đã xuống giống khoảng 10.000ha, dự kiến đến cuối tháng 11 mới bắt đầu thu hoạch, sẽ không kịp gieo sạ vụ Đông Xuân theo thời gian khuyến cáo. Đối với phần diện tích này chúng tôi đang chờ sau đợt thu hoạch, nếu tiếp tục có dự báo hạn mặn sớm và sâu sẽ quyết liệt khuyến cáo bà con không xuống giống Đông Xuân để tránh thiệt hại” - ông Võ Văn Men, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết.

Tỉnh Bạc Liêu cũng vừa thông qua các kịch bản ứng phó với tình hình diễn biến hạn, mặn trong mùa khô. Còn tại Bến Tre, từ năm 2016, Tỉnh ủy đã phát động phong trào “đồng khởi” trữ nước mưa, nước ngọt. Hiện tại, toàn tỉnh đã có gần 99% hộ dân có đủ điều kiện, dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt. Ngoài ra, nhiều mương vườn cũng được nạo vét, chuẩn bị sẵn sàng khi xuất hiện mặn ngoài sông là đắp các miệng cống để trữ nước ngọt...

Người dân phải tích trữ nước ngọt để đối phó với khô hạn.

Tiết kiệm để chia sẻ cho hạ nguồn

Dù có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống hạn mặn, nhưng trước dự báo mùa khô năm nay đến sớm và xâm nhập mặn sẽ khốc liệt như năm 2015-2016, nên nhiều địa phương tại ĐBSCL đã chủ động các phương án dự phòng.

Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, là địa phương đầu nguồn, Đồng Tháp sẽ tập trung triển khai các mô hình canh tác lúa tiết kiệm nước nhằm chia sẻ nguồn tài nguyên này với các tỉnh ở dưới hạ nguồn. “Đối với tỉnh đầu nguồn chúng tôi nghiên cứu canh tác làm sao sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm được lượng nước cho các tỉnh phía dưới” - ông Điền nói.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Nhật Nam - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh này sẽ theo dõi và kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh và nội đồng, thông tin thường xuyên đến người dân để ứng phó kịp thời.

“Để sản xuất vụ Đông Xuân an toàn, hiệu quả ứng phó tốt với điều kiện thời tiết bất lợi Tiền Giang sẽ chủ động triển khai công tác phòng, chống hạn mặn sớm. Đối với vùng cây ăn trái, hiện tại, tỉnh Tiền Giang đã thi công 6 cống cặp sông Tiền để đảm bảo ngăn mặn. Đối với vùng phía Đông hay vùng ngọt hóa Gò Công thì tỉnh làm theo hướng mặn tới đâu ngăn tới đó” - ông Nam cho biết.

Đối với vụ lúa Đông Xuân, ngoài tuân thủ lịch thời vụ, Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo người dân và các địa phương nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ, trữ nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng. Khuyến cáo việc sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn vào cuối vụ.

Tích hợp theo hướng thuận thiên

Ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL cho rằng, về lâu dài, ngành nông nghiệp ĐBSCL cần phải thay đổi theo quy hoạch tích hợp mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đây là quy hoạch tích hợp theo tinh thần thuận thiên, thích ứng với biến đổi bằng cách thay đổi cho phù hợp tình hình.

Theo đó, quy hoạch vùng ĐBSCL được chia ra thành 3 vùng là vùng lõi ngọt được lùi vào trong, kế tiếp là vùng lợ và sát biển là vùng mặn. Đối với vùng lõi ngọt thì quanh năm có nước ngọt, dù có biến đổi khí hậu thì vẫn ngọt; những cây trồng cần ngọt sẽ trồng ở vùng này. Đối với vùng lợ, mùa mưa vẫn ngọt nhưng mùa nắng thì lợ. Trước đây, chúng ta cố lấn ra để ngọt hóa vùng này nhưng bây giờ chủ trương không lấn nữa. Năm 2030 sẽ trả vùng này về mặn ngọt luân phiên. Chúng ta vẫn trồng được một vụ lúa trong mùa mưa, lúc nào mặn thì mình canh tác theo mặn để tận dụng lợi thế của nước mặn.

“Làm theo quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì mỗi mùa khô đến, chúng ta không còn bị ám ảnh mặn nữa. Lúc này, nhu cầu nước ngọt cho nông nghiệp vào mùa khô sẽ không gay gắt. Khi đã thích ứng, thuận thiên thì vấn đề còn lại chỉ là giải quyết nước ngọt cho sinh hoạt vào mùa khô vùng ven biển. Nước sinh hoạt thì nhu cầu nhỏ hơn so với nhu cầu nước ngọt của nông nghiệp và có thể giải quyết theo nhiều cách. Một là phương án công trình đường ống cấp nước. Hai là áp dụng các công nghệ hiện đại như màng lọc Nano, bốc hơi nước biển, lọc nước biển… Ba là áp dụng cách truyền thống của ông bà ta để lại như đào ao cộng đồng, mương, đìa ở gia đình và tích trữ nước trong lu, khạp” - ông Thiện nói.

Tại ĐBSCL, mùa mưa năm nay tập trung trong tháng 9 - 10 và sẽ kết thúc sớm vào giữa tháng 11. Do vậy, mùa khô năm 2023 - 2024, xâm nhập mặn dự báo xuất hiện sớm so với trung bình nhiều năm một tháng (bắt đầu vào giữa hoặc cuối tháng 12). Nếu xâm nhập mặn đến sớm và thời gian kéo dài với nồng độ mặn cao, một số vùng cặp theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và vườn cây ăn trái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối phó với hạn mặn khốc liệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO