Nhiều năm trước, các thành phố trên khắp thế giới đã từng có kinh nghiệm chống nóng, nhưng liệu điều đó đã đủ khi mọi kỷ lục nhiệt đang bị phá vỡ trong mùa hè này?
Từ kinh nghiệm
Tháng 7/1995, tại thành phố Chicago của Mỹ, một đợt nắng nóng kéo dài một tuần lên tới 41 độ C đã khiến hơn 700 người tử vong. Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra ở các khu dân cư nghèo, phải chịu cảnh không có hệ thống thông gió hoặc điều hòa thích hợp. Thêm vào đó, tình trạng mất điện do lưới điện quá tải khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Chính quyền thành phố Chicago ban đầu phản ứng chậm với tình huống này, nhưng kể từ đó, họ đã phát triển các kế hoạch ứng phó với nắng nóng khẩn cấp bao gồm một nỗ lực lớn để cảnh báo công chúng và sau đó kết nối những người dễ bị tổn thương nhất với sự trợ giúp mà họ có thể cần. Các thành phố khác của Mỹ như Los Angeles, Miami và Phoenix hiện có vị trí “giám đốc nhiệt” để điều phối việc lập kế hoạch và ứng phó với nắng nóng nguy hiểm. Trên khắp thế giới, nhiều thành phố và quốc gia khác đã áp dụng các biện pháp tương tự.
Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng, những bước đó có thể là không đủ trong một thế giới đang chứng kiến những kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ và sự bất bình đẳng tiếp tục diễn ra giữa những người dễ bị tổn thương nhất.
Ông Eric Klinenberg - Giáo sư khoa học xã hội tại Đại học New York, người đã viết một cuốn sách về đợt nắng nóng ở Chicago - cho rằng: “Không có thành phố nào thực sự chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất mà một số nhà khoa học khí hậu đang lo sợ”.
Công tác chuẩn bị đối phó với nắng nóng nói chung đã được cải thiện trong những năm qua khi công nghệ dự báo trở nên chính xác hơn và khi các nhà khí tượng học, nhà báo và quan chức chính phủ tập trung vào việc tuyên truyền thông tin về mối nguy hiểm sắp tới. Như Chicago đã mở rộng hệ thống thông báo bằng văn bản và email khẩn cấp, đồng thời xác định những cư dân dễ bị tổn thương nhất để tiếp cận.
Tuy nhiên, những gì hiệu quả ở một thành phố này có thể không hiệu quả ở một thành phố khác.
Ông Bharat Venkat - Phó Giáo sư tại Đại học California (UCLA) - cho biết, đó là bởi vì mỗi nơi đều có kiến trúc, phương tiện giao thông, cách bố trí khác nhau.
Pháp hiện đã triển khai hệ thống cảnh báo theo dõi nhiệt độ sau đợt nắng nóng kéo dài vào năm 2003, ước tính đã gây ra cái chết cho 15.000 người, nhiều người trong số họ là người lớn tuổi sống trong các căn hộ và nhà ở thành phố không có điều hòa nhiệt độ. Mới tháng trước, Đức đã phát động một chiến dịch mới chống lại các trường hợp tử vong do nắng nóng lấy từ kinh nghiệm của Pháp.
Tại Ấn Độ, một đợt nắng nóng gay gắt vào năm 2010 với nhiệt độ trên 48 độ C đã dẫn đến cái chết của hơn 1.300 người ở thành phố Ahmedabad. Các quan chức thành phố hiện có một kế hoạch hành động để nâng cao nhận thức trong người dân địa phương và nhân viên chăm sóc sức khỏe. Một sáng kiến đơn giản: Sơn mái nhà màu trắng để phản chiếu ánh mặt trời chói chang.
Đến giải pháp hiện tại
Ông Ladd Keith - trợ lý giáo sư tại Đại học Arizona đã viện dẫn các cảnh báo nhiệt độ cực cao của Baltimore (Mỹ) như ví dụ về một hệ thống cảnh báo được thiết kế tốt. Các cảnh báo sẽ hoạt động khi dự báo yêu cầu chỉ số nhiệt từ 47 độ C trở lên và bắt đầu chuyển động những chiến dịch như tăng cường dịch vụ xã hội trong các cộng đồng dễ bị rủi ro nhiệt nhất.
Ông Ladd Keith ca ngợi những giám đốc nhiệt ở các thành phố như Los Angeles, Miami và Phoenix, nhưng cho biết “vẫn còn hơn 19.000 thành phố và thị trấn không có bộ phận này”.
Tuy nhiên, ông Inkyu Han - nhà khoa học sức khỏe môi trường tại Đại học Temple ở Philadelphia - lưu ý rằng, các thành phố vẫn đang gặp khó khăn trong việc đưa các thiết bị hỗ trợ như trung tâm làm mát và điều hòa không khí được trợ giá vào các khu dân cư nghèo. Ông cho biết, có thể làm được nhiều hơn nữa với các giải pháp đơn giản và bền vững như cải thiện độ bao phủ xanh.
Ông Robin Bachin - Phó Giáo sư tại Đại học Miami – cho rằng, chính phủ liên bang Mỹ có luật bảo vệ người dân ở vùng khí hậu lạnh khỏi bị tắt nhiệt trong điều kiện nguy hiểm, nhưng không có thứ gì tương tự để làm mát.
Theo ông Bachin: “Đối với những người ở trong các căn hộ không được trợ cấp công khai, chủ nhà không bắt buộc phải cung cấp máy điều hòa. Điều đó cực kỳ nguy hiểm đối với những người có thu nhập thấp tại địa phương, đặc biệt là những người không có nhà ở hoặc là những người làm việc ngoài trời”.
Theo ông Noboru Nakamura - Giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Chicago, chuyên về các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, Chicago đã thực hiện nhiều thay đổi thông minh bằng cách thực hiện các kế hoạch khẩn cấp về nhiệt, kiểm tra sức khỏe định kỳ và các trung tâm làm mát. Thế nhưng, vẫn còn một số vướng mắc nên vấn đề này chưa được giải quyết một cách triệt để.
Ngày 18/7, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của LHQ đã xác nhận nhiệt độ cao nhất ở châu Âu từ trước đến nay là 48,8 độ C, đo được ở Sicily (Italy) ngày 11/8/2021. Kỷ lục trước đó ở châu lục này là 48 độ C, đo được ở Athens (Hy Lạp) ngày 10/7/1977. Tuy nhiên, theo WMO, kỷ lục này có thể bị phá vỡ trong những ngày tới trong bối cảnh nắng nóng tiếp tục gia tăng.