Khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến với bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) ngày một đông hơn. Đến và thấy một Sin Suối Hồ đổi thay từng ngày…
Từ bản nghèo và “điểm nóng”...
Nằm cheo leo trên đỉnh núi cao hơn 1.400m, bản Sin Suối Hồ bây giờ đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi tới với tỉnh miền núi Lai Châu. Trong tiếng Mông, Sin Suối Hồ có nghĩa là suối có vàng.
Tuy nhiên, có thể nhiều người đến Sin Suối Hồ hôm nay chưa biết về một Sin Suối Hồ của gần 30 năm trước…
Năm 1990, tôi lần đầu đặt chân đến Sin Suối Hồ. Khi đó, nơi đây heo hút lắm. Bản 100% là người Mông, trong những ngày mùa đông khi đó sương mưa trùm phủ, buồn hiu hắt. Tìm một chỗ để trọ qua đêm là điều vô cùng khó.
Thời điểm đó, bản Sin Suối Hồ còn là “điểm nóng” của huyện Phong Thổ về tệ nạn ma túy. Thống kê có thời điểm, cả bản chỉ có hơn 100 hộ dân, với hơn 500 nhân khẩu nhưng có hơn 80% là người nghiện thuốc phiện và 100% hộ trong bản đều là hộ nghèo. Ký ức còn lưu lại trong nhiều người dân ở Sin Suối Hồ, đó là một cuộc sống đói khổ. Bà con trong bản mỗi năm chỉ trồng lúa một vụ với ngô. Nhà nào cũng đông con, thiếu ăn thường xuyên.
Thế nhưng, rất nhanh sau đó, chính quyền xã Sin Suối Hồ kết hợp cùng Bộ đội Biên phòng đã nhận ra và vận động người dân quyết tâm loại bỏ “nàng tiên nâu”. Nhiều biện pháp được triển khai quyết liệt từ việc tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tác hại của ma túy, vận động cai nghiện, đập bỏ hết điếu hút, quản lý chặt an ninh trật tự, phá nhổ cây thuốc phiện, tới xây dựng các mô hình sinh kế giúp dân phát triển kinh tế, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến.
Đến cả bản làm du lịch
Sau khi dẹp nạn nghiện hút thành công, bà con đồng lòng tập trung xây dựng kinh tế và nếp sống văn minh. Dấu ấn có tính đột phá đó là năm 2013, bản Sin Suối Hồ xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bước đột phá lớn nhất ở Sin Suối Hồ được nhiều người ghi nhận đó chính là tư duy làm du lịch cộng đồng, kinh doanh hoa địa lan.
Đặc biệt, năm 2015, bản Sin Suối Hồ được UBND tỉnh Lai Châu công nhận bản du lịch cộng đồng. Nắm bắt lợi thế tự nhiên, thiên nhiên ưu đãi, bà con người Mông ở đây đã nhận ra con đường để thay đổi.
Đến nay, 100% hộ trong bản đều trồng địa lan, có hộ gia đình trồng vài nghìn chậu. Anh Vàng A Giàng - chủ một vườn lan khá đẹp ở Sin Suối Hồ tiết lộ, trung bình mỗi hộ dân ở đây thu nhập 30 - 50 triệu đồng/năm nhờ trồng lan. Những hộ vừa làm dịch vụ homestay vừa trồng địa lan còn thu tới 200 - 300 triệu đồng/năm.
Cả bản có khoảng 20 hộ làm homestay, có thể cùng lúc đón 100 khách/ngày đêm. Trước đại dịch Covid-19, mỗi năm Sin Suối Hồ đón tới 20.000-30.000 lượt khách, trong đó có nhiều du khách đến từ các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Austraila...
Để thu hút du khách, người Mông ở Sin Suối Hồ còn mở chợ du lịch truyền thống bày bán các sản vật của địa phương như thổ cẩm, ẩm thực, gắn liền với không gian trình diễn các công đoạn sản xuất đặc trưng. Ở trung tâm bản Sin Suối Hồ còn có một khu trưng bày các nông cụ sản xuất, chiến đấu của người dân Mông qua các thời kỳ…
Năm 2019 bản Sin Suối Hồ đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu”.
Ông Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ là người đàn ông dân tộc Mông nhanh nhẹn và tốt bụng. Theo ông Chỉnh, nhờ những nỗ lực của bà con dân bản, đến nay bản Sin Suối Hồ được biết đến 5 không: "Không người nghiện, không hút thuốc, không uống rượu, không cờ bạc và không đổ rác bừa bãi".
Mảnh đất từng trồng thuốc phiện khi xưa giờ đã khởi sắc với khoảng 40.000 chậu địa lan, hơn 15.000 cây đào, 18.000 cây táo mèo, hơn 20 homestay, một hợp tác xã kinh doanh nhà hàng và các loại cây cảnh, cùng với 3 phòng bungalow…
Từ sự thành công của bản Sin Suối Hồ, hiện Lai Châu đã và đang tiếp tục nhân rộng mô hình này. Đến nay, toàn tỉnh đã có thêm những điểm bản du lịch cộng đồng ở hầu hết các huyện và thành phố Lai Châu.