Bình Liêu – huyện khó khăn của tỉnh Quảng Ninh từ ngày đi vào ký ức của nhiều thế hệ về sự xa xôi cách trở, phương tiện đường bộ là thứ xa xỉ; nghèo nàn, lạc hậu đeo bám.
Ít ai hình dung được Bình Liêu từ một huyện có xuất phát điểm thấp với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh; nhiều phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại trong nếp sống… nay đã thay da đổi thịt, mang một diện mạo mới.
Chúng tôi lái xe trên con đường trải thảm nhựa từ Quốc lộ 18A đến Cửa khẩu Hoành Mô, dọc hai bên đường là những tuyến đường bê tông trải dài theo từng thôn, bản. Hàng rào cây xanh mát đã thay thế cho những lối mòn chằng chịt cỏ hoang xòa lấp, đất đá trơn trượt. Tất cả 86 thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện đã được kết nối giao thông bằng những tuyến đường nhựa hoặc bê tông. Những mái nhà lụp xụp đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, mái ngói đỏ tươi được xây dựng khang trang, bề thế, tạo nên ấn tượng về một vùng quê giàu đẹp.
Tại những thôn, bản đặc biệt khó khăn như Cao Thắng, Khe O (xã Lục Hồn), đường nhựa cũng đã được kéo tới tận bản. Gặp anh Phùn Mằn Quay (dân tộc Dao, ở thôn Khe O), anh chia sẻ: “Lúc mới chuyển từ Đầm Hà đến Khe O lập nghiệp vào năm 2006, ở đây chỉ có đường đất, đi bộ còn khó nói gì tới xe máy. Đặc biệt từ khi có điện, có đường, giao thương buôn bán trong thôn thuận tiện, gia đình tôi nhờ đó cũng khá hơn”.
Ở Hoành Mô, một xã biên giới khác của huyện Bình Liêu, trên tuyến đường trải nhựa chạy dài thông suốt vào xã, hai bên là những cánh đồng ruộng bậc thang trù phú. Xa xa là những rừng quế, rừng hồi nhiều năm tuổi đang vào vụ thu hoạch. Cũng nhờ giao thông đồng bộ, hiện đại, Hoành Mô ngày càng xuất hiện nhiều những gia đình khá giả, giàu có. Những căn biệt thự, những chiếc ô tô tiền tỷ không còn là điều lạ lẫm nữa. Thu nhập bình quân của người dân xã Hoành Mô đạt gần 70 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với mức thu nhập bình quân chung của huyện.
Bình Liêu là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch, thế nhưng lượng du khách đến với vùng đất với nhiều cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ này còn khá khiêm tốn. Căn nguyên là do hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, không có sự kết nối các điểm du lịch với nhau.
Chính vì thế, tỉnh Quảng Ninh và huyện Bình Liêu đã khẩn trương triển khai đầu tư tuyến đường liên xã Húc Động - Hoành Mô - Đồng Văn để kết nối giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh trong khu vực.
Dự án có tổng chiều dài 43,27km, rộng 6,5m, là công trình giao thông cấp V miền núi, có tổng mức đầu tư 430 tỷ đồng, kết nối từ trung tâm xã Húc Động ra quốc lộ 18C ở xã Đồng Văn, được triển khai từ cuối tháng 2/2022. Dự án gồm 2 tuyến, gồm tuyến Húc Động đi Đồng Văn dài 28,82km và tuyến Cao Ba Lanh kết nối với quốc lộ 18C dài 14,45km.
Kể từ khi các tuyến đường này được đưa vào sử dụng, khách du lịch được dịp khám phá “hang cùng, ngõ hẻm” của Bình Liêu. Tuyến đường mới cũng được dân “phượt” đánh giá là một trong những cung đường đẹp nhất Quảng Ninh, bởi khung cảnh hùng vĩ bao quanh.
Anh Chìu Quay Làm - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Tiền (xã Đồng Văn) cho biết: Khe Tiền có 38 hộ dân với 100% là đồng bào dân tộc Dao. Khi chưa có tuyến đường, bà con đi lại khó khăn, nên cuộc sống chủ yếu dựa vào tự cung, tự cấp. Nông - lâm sản chăn nuôi, canh tác phải dùng xe máy chở vượt qua bao đèo cao, vực sâu mới mang ra chợ bán được. Từ khi tuyến đường mở ra, xe ô tô vận tải bon bon vào tận trung tâm bản, nên giá nông - lâm sản được nâng lên, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện. Trước đây, cả thôn Khe Tiền chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo thì nay, toàn thôn không còn hộ nghèo, chỉ còn 11 hộ cận nghèo. Trẻ em của thôn cơ bản đều đến trường, không còn bỏ học giữa chừng.
Từ một vùng núi hoang vu, Bình Liêu giờ đã được phủ kín bằng những rừng keo, hồi, quế và cây ăn quả... Những thành quả Bình Liêu đạt được hôm nay là kết quả của một quá trình dài mà ở đó những chủ trương, chính sách đúng đắn, nhất quán trong việc chăm lo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tỉnh Quảng Ninh quan tâm ban hành và đưa vào cuộc sống một cách hiệu quả.