Mặt trận

Đổi thay vùng đồng bào có đạo

TUẤN ANH (Theo TTXVN) 24/12/2023 08:16

Những ngày này, từ các nẻo đường của buôn làng đến các Điểm nhóm, Chi hội sinh hoạt Tin lành của xã vùng sâu Cư Pơng, huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk), đồng bào nô nức cùng nhau trang trí cơ sở sinh hoạt, nhà cửa để chuẩn bị đón Giáng sinh năm 2023 và năm mới 2024.

img-6988.jpg
Mục sư Y Blơh Niê trang trí cây thông chuẩn bị chào đón Lễ Giáng sinh 2023. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong không khí Giáng sinh rộn ràng, Mục sư Y Blơh Niê, Chi hội Tin lành buôn ADrơng Prong, xã Cư Pơng vui mừng chia sẻ: "Chi hội có hơn 600 người theo đạo Tin lành với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, địa phương luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những chính sách ưu tiên, chăm lo để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Đặc biệt, đồng bào được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…, tạo điều kiện để người dân lao động sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hoạt động tôn giáo trên địa bàn được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để bà con sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người có đạo. Trong các dịp lễ, Tết…, bà con đều nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ của chính quyền các cấp. Đây cũng là nguồn động viên, thể hiện tin thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc anh em tại địa phương".

“Là một Mục sư, tôi luôn tuyên truyền đến đồng bào rằng, trước sự quan tâm, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, phải chăm chỉ lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; tuyệt đối không nghe, không tin những kẻ xấu lôi kéo, kích động để làm những việc vi phạm pháp luật" - Mục sư Y Blơh Niê nói.

Phấn khởi khi mùa vụ cà phê được giá, ông Y Klăp Kđoh, buôn ADrơng Prong, xã Cư Pơng cho biết: Năm nay, gia đình thu được khoảng 7 tấn cà phê với mức giá cao nhất trong nhiều năm là trên 70.000 đồng/kg, cùng với hơn 50 cây sầu riêng đã thu hoạch; dự kiến sẽ thu hàng trăm triệu đồng.

Đồng bào các dân tộc, người có đạo tại địa phương luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chính sách hỗ trợ vay vốn, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn, nhiều hộ gia đình được “tiếp sức” vươn lên thoát nghèo. Bà con rất phấn khởi, nhất là năm nay các loại nông sản như cà phê, sầu riêng… đều bán được giá cao.

Ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho biết, toàn huyện có 4 tôn giáo, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Đạo Cao đài, trong đó, 5.603 người Công giáo và 6.995 người theo đạo Tin lành. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chăm lo tốt cho vùng đồng bào có đạo để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; triển khai đầy đủ, kịp thời các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội…, tạo “đòn bẩy” để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống của nhân dân, trong đó chú trọng đến vùng đồng bào có đạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

"Chính quyền các cấp tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt đúng theo tôn chỉ, mục đích, đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Các cấp, ngành quan tâm, hướng dẫn, tạo điều kiện để các tôn giáo sinh hoạt theo nguyện vọng và đáp ứng các nhu cầu chính đáng của người có đạo trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Các vấn đề liên quan tôn giáo được cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Việc thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã làm thay đổi diện mạo, đời sống của đồng bào có đạo. Bà con hăng hái lao động sản xuất để cải thiện đời sống và xây dựng quê hương" - ông Hoàng Kiên Cường chia sẻ.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắk Lắk Dương Văn Tuệ cho biết, thực hiện lời Huấn dụ của Đức Giáo hoàng Francis đối với người Công giáo Việt Nam, đồng bào có đạo tại tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại các Giáo xứ, Họ đạo đều có những gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất; tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”. Nhiều hoạt động từ thiện, bác ái ý nghĩa, thiết thực trong và ngoài tỉnh không chỉ hỗ trợ những người yếu thế mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc và góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.

Điển hình như hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bà con trong Giáo xứ Vinh Hòa (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) đã tự nguyện đóng góp 100% kinh phí xây dựng hơn 5km đường nhựa và hệ thống mương thoát nước trên 5 tỷ đồng, đóng 50% kinh phí là 400 triệu đồng để đầu tư 1 km đường khu dân cư… góp phần xây dựng quê hương ngày càng khang trang.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn, trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, đồng bào có đạo nói chung và theo đạo Tinh lành, Công giáo nói riêng đã có nhiều đóng góp tích cực.

Ông Phạm Minh Tấn tin tưởng, trong thời gian tới, đồng bào Công giáo, Tin lành tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, đồng hành, gắn bó với chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, ra sức thi đua yêu nước, hưởng ứng hiệu quả các cuộc vận động, góp phần xây dựng quê hương Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp và vì mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đắk Lắk là tỉnh có đông đảo đồng bào theo đạo Công giáo (217.026 người, trong đó 56.000 đồng bào dân tộc thiểu số) và Tin lành (199.831 người, trong đó có 195.183 đồng bào dân tộc thiểu số). Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những chính sách thiết thực đã tạo điều kiện để đồng bào có đạo thực hiện quyền sinh hoạt tôn giáo hợp pháp, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đồng bào vùng có đạo đã đoàn kết, hăng hái lao động sản xuất và đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay vùng đồng bào có đạo