Ngày 28/9, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Xử lý nghiêm vụ “tái chế bao cao su”
Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Luật hiện hành đang còn nhiều bất cập, hạn chế, trong đó chưa có quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, điều này dẫn đến người nhiễm vẫn làm lây cho người khác. Do đó Dự thảo luật bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị.
Liên quan đến vấn đề bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, qua thẩm tra, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết hiện vẫn có hai loại ý kiến là đồng tình và chưa đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng quyền bảo mật thông tin của người nhiễm HIV phải được bảo đảm, do đó quy định cần hài hoà mục tiêu quản lý nhà nước nhưng cũng đảm bảo quyền hợp pháp của người bệnh và phù hợp với khuyến nghị của quốc tế.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, cần tăng cường công tác phòng chống dịch và bảo vệ chăm sóc sức khỏe của người dân. Do đó các đối tượng mang dịch nhiễm HIV cố ý truyền cho người khác cần phải truy tố để cảnh báo đối với các đối tượng khác. “Như vừa qua, vụ bao cao su sử dụng xong đem tái chế, có khả năng lây nhiễm cần phải bị xử lý nghiêm”, ông Phương nói.
Không đếm con để hưởng trợ cấp
Cùng ngày, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Nêu ý kiến quan điểm của Ủy ban về Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), theo ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chính sách trợ cấp đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng không tính theo số con mà chỉ có 1 mức chung để bà mẹ Việt Nam anh hùng sống tốt, sống khỏe. Còn điều kiện, tiêu chuẩn công nhận thương binh, điều kiện công nhận liệt sĩ đã kế thừa các quy định trước đây nhưng là thời bình nên làm sao công nhận liệt sĩ phải xứng đáng để nhân dân tôn vinh và có chế độ trợ cấp xứng đáng.
Theo ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng cần phải chặt chẽ, đừng để đối tượng khác lợi dụng để hưởng chế độ thương binh, và mức trợ cấp cao hơn mức hỗ trợ đối với người có công. Muốn vậy phải công khai dân chủ trong việc thực hiện chính sách để người dân giám sát việc xét chọn, bình chọn đối tượng thụ hưởng chính sách trợ cấp, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Ông Thắng cũng đề nghị cần có chế độ chính sách đối với người giúp đỡ người có công với cách mạng, bởi họ là người có công nuôi dưỡng cán bộ, nhiều khi che giấu cho cán bộ song bị địch bắt tra tấn, có khi cả nhà bị giết…
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, việc không căn cứ vào số con để trợ cấp cho bà mẹ Việt Nam anh hùng là hoàn toàn chính xác, làm sao để các Mẹ có cuộc sống cao hơn và sống đủ.
Cùng ngày, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).