Đòn bẩy của tái cơ cấu

H.Vũ (thực hiện) 01/11/2021 06:05

Sau đại dịch, kinh tế thế giới bước vào cuộc “đại phẫu” lớn, buộc phải thay đổi để thích nghi chung sống an toàn với dịch. Nền kinh tế Việt Nam cũng bước vào tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh vừa trải qua làn sóng dịch lần thứ 4. Theo ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, những ngành cần tập trung tái cơ cấu thì không thể thiếu hụt lao động.

Ông Trần Anh Tuấn.

PV: Thưa ông, để cơ cấu lại nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cần phải chú ý đến những vấn đề gì?

Ông Trần Anh Tuấn: Tái cơ cấu nền kinh tế có mấy vấn đề cần chú ý. Thứ nhất tái cơ cấu những ngành kinh tế. Cơ cấu trước đây không tạo ra sức bật trong phát triển, bây giờ cần cấu trúc lại thành một cơ cấu kinh tế mới. Cơ cấu kinh tế mới sẽ định ra những ngành tạo sức bật phát triển kinh tế mạnh hơn, gia tăng giá trị sản lượng nằm trong những ngành mang tính đột phá, mang tính hiệu quả thì nền kinh tế mới phát triển được. Tái cơ cấu cần hướng đến mục tiêu như vậy.

Thứ hai, nguồn lực cần phải tập trung vào những ngành mang tính lan tỏa, đột phá, có giá trị hàm lượng khoa học công nghệ theo hướng mới chuyển đổi theo kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Như vậy đầu tư nguồn lực nhà nước và thu hút nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước sẽ tập trung vào phát triển những ngành đó theo định hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Về đầu tư nguồn lực, tài chính cần tính toán lại thâm hụt chi trong đầu tư của năm 2021, kể cả năm sau để vực dậy chi tiêu công, trong đó có chi đầu tư phát triển. Tập trung chi đầu tư phát triển để vực dậy các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh đang nới lỏng các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh để mở cửa. Chúng ta nên tăng thêm một phần bội chi nữa, cỡ 56 % GDP để phục vụ cho nguồn lực, hỗ trợ cho các DN, các ngành phát triển.

Trong các lần tái cơ cấu, và đặc biệt trải qua các làn sóng dịch bệnh, kinh tế nông nghiệp vẫn cho thấy vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Trong lần tái cơ cấu này, chúng ta vẫn cần quan tâm làm sao để nông nghiệp gia tăng thêm giá trị, thưa ông?

-Trong nông nghiệp, chúng ta cũng đã có định hướng rồi. Đó là tập trung vào những ngành nông nghiệp công nghệ cao, con giống, cây giống, những sản phẩm thế mạnh trong xuất khẩu để vực dậy ngành nông nghiệp. Kinh tế nông nghiệp chính là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Tôi nói ví dụ: Lúa, nông sản, những sản phẩm hoa quả có giá trị thì chúng ta vẫn đang là nước đi đầu trong xuất khẩu. Do đó cần định hướng, tập trung nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, phải có quy hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện cho người dân, các DN hoạt động trong lĩnh vực này đầu tư phát triển.

Chú trọng đào tạo lao động theo hướng tập trung cho những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Sau khi xác định “chung sống với dịch”, hiện nhiều nước trên thế giới đang tung ra các gói hỗ trợ rất lớn để phục hồi kinh tế. Theo ông chúng ta cần tính toán để đưa ra những gói hỗ trợ lớn hơn để giúp cộng đồng DN có thể hồi phục và bứt phá?

-Về tài chính, đầu tư công, chúng ta cần phải có chính sách hỗ trợ đủ mạnh. Nguồn lực hỗ trợ thời gian qua còn yếu, chưa đủ lượng để tạo sức lan tỏa, hay nguồn lực để cho cộng đồng DN có đủ sức “bật dậy”, mở rộng sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Liên kết vùng về không gian lãnh thổ nhưng cũng phải liên kết theo những nhóm ngành đặc thù của địa phương để đẩy mạnh những ngành đó phát triển. Chúng ta có định hướng phát huy thế mạnh của địa phương nhưng cũng phải theo những ngành định hướng. Các chính sách cần mang tính liên kết vùng, không để đứt gãy trong những chuỗi liên kết sản xuất. Cùng với đó, sự phối hợp giữa địa phương và cơ quan Trung ương, các bộ, ngành trong việc xử lý những vấn đề đó phải tốt hơn; không để đứt gãy những chuỗi liên kết sản xuất về cung ứng lao động, về cung ứng nguyên phụ liệu, nguyên vật liệu… Tất cả những cái đó phải có chính sách tập trung phân theo vùng, lãnh thổ, không gian. Như vậy sẽ tạo động lực cho cơ cấu lại nền kinh tế trong thời gian tới tốt hơn.

Để làm được điều đó có lẽ chúng ta cần phải đào tạo lại lao động thì mới đáp ứng yêu cầu phát triển, thưa ông?

-Về nguồn lực lao động, không thể nào để cho những ngành cần tập trung tái cơ cấu như tôi nói ở trên thiếu hụt lao động. Thực tế, trong những ngành đòi hỏi kỹ năng lao động cao thì chúng ta lại thiếu trầm trọng nhân lực, nhất là trong ngành công nghệ thông tin (IT). Cho nên một mặt chúng ta phải thu hút chuyên gia, thu hút lao động có kỹ năng, mặt khác phải đào tạo lao động, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tập trung cho những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao để tạo sức bật. Muốn thế, phải có những cơ chế chính sách liên quan để thu hút. Ví dụ, với lực lượng sinh viên được đào tạo trong những ngành đó cần có sự tham gia của DN, và phải có chính sách hỗ trợ ngay để không thiếu hụt lao động.

Hay trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì những quy trình, quy chuẩn tuân theo các tiêu chuẩn của VietGAP, GlobalGAP cũng phải tập huấn, đào tạo cho người dân ngay từ đầu. Để khi đưa vào quy trình sản xuất, bắt đầu từ con giống, cây giống là đã phải tuân thủ các quy chuẩn cho tới khi ra những sản phẩm nông nghiệp cũng phải thực hiện nghiêm các quy chuẩn đó… như vậy các sản phẩm của chúng ta mới được thế giới chấp nhận.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đòn bẩy của tái cơ cấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO