“Anh ơi! anh bảo về tổ chức sinh nhật cho con, mà sao anh không nghe em nói vậy”. Đó là tiếng gào khóc của người vợ trẻ Lê Thị Anh khóc thương chồng, Thượng úy Đinh Văn Trung. Tiếng nấc nghẹn của chị Anh khiến những người có mặt trong buổi tang lễ nghẹn đắng sự xót thương.
Sáng ngày 19/10, UBND TP Vinh tổ chức lễ an táng cho 3 liệt sĩ hy sinh tại Rào Trăng. Do thời tiết mưa lớn, giao thông chia cắt nên hài cốt các liệt sĩ chưa thể đưa về đúng thời gian dự kiến! Tuy nhiên, đã có hàng ngàn người đội mưa tiễn các anh về với đất mẹ trong niềm tiếc thương vô hạn.
Hết lũ... về tổ chức sinh nhật cho con
Đó là lời hứa mà Thượng úy Đinh Văn Trung (phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An) hứa với con gái gần 1 tuổi khi anh lên đường vào vùng lũ cứu dân. Vậy nhưng, trận lở đất kinh hoàng ấy đã khiến sinh nhật đầu tiên trong đời và những sinh nhật sau này của bé Linh vắng bóng cha! Anh ra đi để vợ và 2 con còn nhỏ (cháu lớn 4 tuổi, cháu thứ 2 gần 1 tuổi).
Những ngày này, sau khi biết chồng đã hi sinh, chị Lê Thị Anh, vợ Thượng úy Đinh Văn Trung không thể gượng dậy, nằm mê man, luôn có người túc trực. Mỗi khi tỉnh dậy, chị ôm hai đứa con nhỏ, khóc không thành tiếng. Chồng chị mồ côi mẹ khi mới 7 tuổi. Nay 2 con của chị cũng phải chịu cảnh mồ côi như bố... “Anh ơi! anh bảo về tổ chức sinh nhật cho con, mà sao anh không nghe em nói vậy”, tiếng chị Anh nấc nghẹn.
Mấy hôm nay, hàng xóm gần nhà liệt sĩ Đinh Văn Trung thay phiên nhau sang nhà anh động viên, chia sẻ, cùng với đơn vị chuẩn bị tổ chức lễ an táng.
“Trung lập gia đình muộn, mãi 32 tuổi mới lấy vợ. Hôm trước Trung mới tập cho con trai đi xe đạp mà cháu đi chưa thạo lắm. Chú ấy bảo hôm nào được nghỉ, bố tập tiếp cho nhưng giờ thì...”, người phụ nữ hàng xóm mắt đỏ hoe.
Còn bố liệt sĩ Đinh Văn Trung, ông Đinh Văn Đống bị bệnh tim, sức khỏe yếu. Bởi vậy, khi biết thông tin sạt lở núi tại Trạm kiểm lâm 67 vùi lấp 13 người trong đoàn cán bộ, chiến sỹ, mọi người đều giấu, sợ cú sốc khiến ông không chịu đựng nổi.
Có mặt tại nhà Trung tá Nguyễn Tiến Dũng (Phó trưởng Phòng Tác chiến Quân khu 4) ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, mấy ngày nay là người thân, hàng xóm, đồng đội của anh, họ chuẩn bị tất cả những gì tốt nhất để chuẩn bị đón anh về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Sự ra đi đột ngột của anh, khiến ai cũng không thể cầm lòng.
Trung tướng Võ Văn Việt, nguyên Chính ủy Quân khu 4 chia sẻ: 2 năm trước Dũng được cấp trên cử đi đào tạo tại Nga, anh vừa hoàn thành chương trình học với tấm bằng xuất sắc và về nước vào tháng 6/2020 vừa qua. Trong công tác, Dũng là một sỹ quan được đào tạo rất cơ bản, phát triển từ cán bộ trung đội, cán bộ đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn... Liên tục 10 năm liền đồng chí được công nhận là chiến sĩ thi đua từ cấp cơ sở đến toàn quân. Với thành tích ấy, 4 tháng trước, Dũng được bổ nhiệm Phó trưởng phòng tác chiến Quân khu 4 tháng trước. Sự hi sinh của đồng chí là mất mát, tổn thất lớn đối với gia đình và quân đội.
“Sau 2 năm tu nghiệp ở Nga, gia đình Dũng mới đoàn tụ được một thời gian ngắn, vậy mà giờ âm dương cách trở. Lần trước cô Hằng tâm sự, đợt này anh về, hai vợ chồng cố gắng chạy chữa thuốc thang để bé Phương có chị có em như lời hứa của anh Dũng. Anh chị cũng đang có kế hoạch sửa sang lại căn nhà, đợt này mưa suốt, ngấm nước nên ẩm thấp hơn”, người hàng xóm sang phụ giúp dọn dẹp, chuẩn bị cho lễ tang của Trung tá Nguyễn Tiến Dũng tâm sự.
Dòng tin nhắn cuối cùng
Những dòng tin nhắn điện thoại cuối cùng của người con trai, Đại úy Nguyễn Cảnh Cường gửi về trước lúc hi sinh, được ông Nguyễn Cảnh Anh (59 tuổi) ôm chặt. Mỗi lần nhớ, nghĩ về con, ông Anh lại mở điện thoại đọc tin rồi bật khóc. Bởi trong dòng tin ấy, hình ảnh người con trai út, Đại úy Nguyễn Cảnh Cường gợi cho ông bao nhiêu kỷ niệm.
Gia đình đại úy Nguyễn Cảnh Cường (29 tuổi) có truyền thống quân ngũ. Nối nghiệp ông nội, bố mẹ, Cường thi đậu vào ĐH Sỹ quan thông tin. Tốt nghiệp loại xuất sắc, anh được phân công về Lữ đoàn thông tin 80, Quân khu 4. Trải qua nhiều vị trí công tác, Cường được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng. So với tuổi đời, anh là một trong những sỹ quan trẻ của lực lượng vũ trang Quân khu 4 mang hàm đại úy.
Nói về con trai, ông Nguyễn Cảnh Anh kể: Đơn vị đóng quân ngay trong TP Vinh, nhưng Cường ít khi về. Theo quy định của đơn vị, 2 tuần Cường được về nhà một lần, nhưng mỗi khi đồng đội có việc gấp, anh đều xung phong trực thay. Vì thế, có khi mấy tháng liền Cường mới về nhà. Mọi nhiệm vụ được giao, anh không quản ngại gian khổ, khó khăn, luôn hoàn thành xuất sắc.
“Chiều ngày 12/10, con vẫn nhắn tin cho tôi nói “con đang ở trên xe lội nước vào vùng lũ bố ạ. Nhưng tiến vào sâu, đường ngập, sạt lở nặng, xe không đi được, phải đi bộ, chuẩn bị vào vùng sóng yếu". Từ đó thì không thấy tin nhắn, cuộc gọi nào nữa”, giọng ông Anh nghẹn lại.
Ngồi ôm khư khư lấy chiếc điện thoại, đọc đi đọc lại dòng tin nhắn, hình ảnh cuối cùng mà Cường gửi về rồi từ đó bặt tin, người bố không kìm lòng được nữa, bật khóc. Ngày tháng trên tin nhắn của con trai dừng lại ở ngày 12/10.
Đại úy Nguyễn Cảnh Cường cưới vợ tháng 12/2019, vợ anh công tác tại một bệnh viện trên địa bàn thành phố Vinh. Cả hai đều công tác gần nhà nhưng đặc thù công việc, nhiệm vụ, vợ chồng không mấy khi được gần nhau. Vừa rồi, sau khi hoàn thành đợt huấn luyện ở huyện Nam Đàn, Cường được nghỉ 2 ngày, nhưng vợ có đợt học tại Hà Nội. Anh bắt xe khách ra Hà Nội, thì vợ đang đến ở chăm chị gái mới sinh. Thấy không tiện, Cường lại bắt xe quay trở về, không gặp được vợ. Rồi sau đó, anh nhận lệnh, lên đường như bao chuyến công tác, bao nhiệm vụ anh đã từng thực hiện. Nhưng lần này lại là chuyến đi định mệnh, trận lũ đã vùi lấp người chiến sĩ ấy trong đêm mưa rừng dữ dội.
“Lấy nhau gần một năm chưa có con, 2 vợ chồng đi khám rồi lấy thuốc về, chưa kịp uống thang nào thì Cường đã đi mất rồi”, ông Anh quay mặt khóc.