Ngày 5/9, trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, để đảm bảo những phần quà từ Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19” được trao tận tay người dân, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trương cắt giảm tối đa thủ tục chi trả, phân bổ phần quà. Theo đó chỉ cần có chữ ký của chính quyền địa phương và cán bộ Mặt trận khu dân cư là người dân có thể tiếp cận được những phần quà nhiều ý nghĩa này.
PV:Thưa ông, thời điểm này các tỉnh, thành phố trên cả nước đang khẩn trương triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Để đảm bảo chính sách nhân văn này đến được tận tay người dân gặp khó khăn, Mặt trận đã phát huy vai trò giám sát của mình như thế nào?
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: Có thể nói, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là hành động kịp thời, thể hiện tinh thần sẻ chia của Đảng, Nhà nước đối với những người lao động và người sử dụng lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Để triển khai chính sách hỗ trợ này, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo hệ thống Mặt trận cùng các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để tổ chức thực hiện, nhằm đưa những phần quà, những hỗ trợ đến tận tay đồng bào gặp khó khăn. Cùng với đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng tổ chức giám sát quá trình triển khai chính sách hỗ trợ để đảm bảo phân bổ kịp thời, đúng đối tượng.
Thông qua quá trình giám sát sẽ phát hiện những điểm còn hạn chế, bất cập trong chính sách cũng như những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Thực tế hiện nay, nhiều địa phương có cách làm rất nhanh, hiệu quả, không có biểu hiện trục lợi và nhận được sự tin tưởng, đồng tình của nhân dân.
Tuy nhiên, qua các kiến nghị, phản ánh, giám sát của Mặt trận các cấp, chúng tôi nhận thấy có một số tồn tại, khó khăn nhất định. Cụ thể như các chính sách trong Nghị quyết không bao trùm hết các đối tượng hoặc đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc đi lại, nộp hồ sơ của người được thụ hưởng cũng gặp khó khăn; công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động về hồ sơ, thủ tục hỗ trợ đôi lúc chưa đầy đủ, thiếu kịp thời; một số cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ xin hỗ trợ còn thiếu sót về chuyên môn, dẫn đến chậm trễ, khó khăn trong quá trình triển khai.
Từ những ý kiến phản ánh này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương có hướng điều chỉnh phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động nhưng vẫn đúng theo các quy định của pháp luật và hạn chế, ngăn chặn việc trục lợi từ chính sách.
Cùng với những chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước, vừa qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tổ chức Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19”, vậy Mặt trận sẽ tiến hành phân bổ và giám sát như thế nào để đảm bảo những phần quà được trao tận tay người dân đang gặp khó khăn, thưa ông?
- Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã hiệp thương thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện Chương trình “Triệu phần quà Đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19”.
Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn và rất kịp thời, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thống nhất với các tổ chức về phần quà, phương thức, nội dung, thời gian hỗ trợ và trách nhiệm của các cơ quan.
Trước mắt sẽ phấn đấu vận động ít nhất 1 triệu phần quà đại đoàn kết với tổng trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Những phần quà này chính là hiện thân của triệu trái tim người Việt Nam hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt để giúp bà con vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.
Để đảm bảo nhu cầu cấp thiết, ngay sau khi phát động Chương trình vào ngày 25/8/2021, Ban Cứu trợ Trung ương đã chuyển kinh phí về các địa phương được phân bổ đợt 1, với số tiền là 117 tỷ đồng. Qua thực tế triển khai, là những người luôn gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, mỗi cán bộ Mặt trận các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã xác định được những đối tượng ở địa phương thực sự cần sự hỗ trợ; đồng thời, với sự chủ trì của MTTQ các cấp sẽ khắc phục được tình trạng trùng lắp, hoặc bỏ sót đối tượng hỗ trợ. Bởi vậy thời gian tới, MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục thực hiện chương trình để nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong nhân dân, từ đó phát huy truyền thống “tương thân tương ái” của người Việt Nam khi đồng bào đang gặp khó khăn.
Để đảm bảo những phần quà được trao tận tay người dân gặp khó khăn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trương đơn giản tối đa thủ tục trao tặng phần quà. Theo đó chỉ cần có chữ ký của chính quyền địa phương và cán bộ Mặt trận khu dân cư là người dân có thể tiếp cận được những phần quà nhiều ý nghĩa này.
Trong quá trình triển khai hỗ trợ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thường xuyên đôn đốc và kiểm tra việc triển khai hỗ trợ tại địa phương.
Đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch hỗ trợ cho người dân biết để phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân ở cộng đồng dân cư trong việc thực hiện hỗ trợ.
Thưa ông, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, một trong những việc người dân rất quan tâm là chính sách an sinh xã hội. Vậy, vai trò của Mặt trận sẽ được phát huy như thế nào để đảm bảo tốt hơn nữa chính sách này?
- Trong bối cảnh hiện nay, với vị trí, vai trò của mình, Mặt trận Tổ quốc đã chủ trì hiệp thương giữa các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, phối hợp cùng chính quyền địa phương để tổ chức thực hiện công tác an sinh - xã hội.
MTTQ đã phát động, và phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, tinh thần tương trợ lẫn nhau của cộng đồng để huy động, vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội. Tiêu biểu là hàng ngàn tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, thiết yếu đã được các địa phương chưa thực hiện giãn cách gửi vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau đã và đang chung tay cùng Đảng, Nhà nước hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn. Qua đó cho thấy được truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong nhân dân được trỗi dậy mạnh mẽ và đầy ý nghĩa, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết để đẩy lùi đại dịch.
Với lợi thế là những cán bộ gần dân, hiểu dân và nắm chắc địa bàn, cán bộ Mặt trận các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương thống kê, rà soát và tổ chức, điều phối lực lượng phân bổ, hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, MTTQ sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, đó là tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cộng đồng và kiến thức phòng, chống dịch bệnh.
Ngày 25/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tiểu ban Vận động và huy động nguồn lực xã hội, do ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm Trưởng tiểu ban. Trên cơ sở đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tối đa vai trò của mình, tập hợp, huy động mọi nguồn lực xã hội, trong và ngoài nước để hỗ trợ cho cuộc chiến với đại dịch Covid-19 của đất nước.
Từ lời kêu gọi của Tổng Bí thư, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm đặc biệt cùng sự đồng lòng của người dân, tôi tin tưởng rằng, tinh thần đại đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái sẽ tiếp tục được nhân rộng, lan toả và là sức mạnh giúp cho người dân vững tin vượt qua đại dịch Covid-19.
Trân trọng cảm ơn ông!