Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 144/QĐ-TTg ngày 2/2/2024 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2024 và năm 2025.
Cụ thể, Quyết định cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến 2 ngành nghề kinh doanh sau: Kinh doanh dịch vụ đánh giá kỹ năng nghề; kinh doanh dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đánh giá kỹ năng nghề, Quyết định cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục cấp, cấp lại, cấp đổi, bổ sung giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG) (2.000250).
Theo đó, thành phần hồ sơ đề nghị cấp lại, cấp đổi, bổ sung Giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, không yêu cầu cơ quan, tổ chức phải nộp lại "Giấy chứng nhận đã được cấp". Đồng thời, bổ sung cách thức thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với thủ tục cấp, cấp lại, cấp đổi thẻ đánh giá viên KNNQG (1.000567).
Cùng với đó là thay đổi thành phần hồ sơ đề nghị cấp lại, cấp đổi chứng chỉ KNNQG, không yêu cầu nộp lại: "chứng chỉ KNNQG đã được cấp" đối với thủ tục hành chính cấp, cấp lại, cấp đổi chứng chỉ KNNQG (1.000546).
Kinh doanh dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Quyết định bãi bỏ thủ tục hành chính cấp thông báo chuyển trả đối với người lao động, kể cả đội trưởng, phiên dịch, cán bộ vùng đi làm việc ở nước ngoài; bãi bỏ thủ tục hành chính cấp Thư giới thiệu cho công dân Việt Nam tham gia Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Australia (2.000292) và cấp lại Thư giới thiệu cho công dân Việt Nam tham gia Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Australia...
Theo số liệu ước tính của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), hiện nay, Việt Nam có khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung ở các thị trường, như: Nhật Bản, khoảng 300.000 người; Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 250.000 người; Hàn Quốc khoảng 50.000 người. Số lao động còn lại ở các thị trường Châu Âu, Trung Đông và Malaysia... Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với nhiều loại hình ngành nghề công việc khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo chiếm 80% gồm (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ gồm (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình).
Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu làm trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Mức lương, thu nhập của người lao động ở Hàn Quốc là cao nhất hiện nay, khoảng 1.600 đến 2.000 USD/người/tháng. Còn ở Nhật Bản, người lao động có thu nhập 1.200 đến 1.500 USD/người/tháng. Ở Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 800 đến 1.200 USD/người/tháng, tương đương với một số nước châu Âu. Ở thị trường Trung Đông và Malaysia, nếu người lao động có nghề, thu nhập khoảng 600 đến 1.000 USD/người/tháng, đối với lao động phổ thông, không có nghề thì thu nhập 400 đến 600 USD/người/tháng.