Đơn hàng dồi dào, nhiều ngành khởi sắc

T.Xuân 16/09/2023 08:45

Càng về cuối năm, lượng đơn hàng xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực như dệt may, thủy sản, giày dép… càng dồi dào hơn, đây là chỉ dấu tích cực cho thấy sự phục hồi rõ nét của xuất khẩu sau một giai đoạn khá dài trầm lắng.

Doanh nghiệp thủy sản nhận được nhiều đơn hàng dịp cuối năm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều đơn hàng đổ về thủy sản

5 container hàng thủy sản chế biến, gồm: Tôm sú tẩm bột đông lạnh, bạch tuộc nguyên con đông lạnh, phi lê cá chẽm đông lạnh… vừa được Công ty TNHH thương mại Thủy sản Thịnh Phú (Thinh Phu Aquatic) xuất khẩu sang Mỹ đầu tuần trước, và trong vài ngày tới đây, các container hàng tiếp theo cũng sẽ tiếp tục được doanh nghiệp (DN) này xuất đi thị trường EU.

Điều này cho thấy, đơn hàng ngày một dồi dào hơn đối với các DN thủy sản. Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty Thịnh Phú, thời gian qua, tình hình thế giới gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu nên nửa đầu năm, xuất khẩu của Thịnh Phú Aquatic không tránh khỏi ảnh hưởng. Tuy nhiên, với tín hiệu thị trường tốt lên, DN đang đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng đã ký với đối tác, giao ngay trong tháng 9 và quý IV/2023.

Năm ngoái, doanh thu xuất khẩu của Thịnh Phú Aquatic đạt khoảng 13 triệu USD. Nếu đơn hàng được duy trì như hiện tại, xuất khẩu của DN trong năm nay sẽ đạt gần mức của năm ngoái.

Số lượng đơn hàng xuất khẩu tăng lên tại các DN từ nay đến hết năm là cơ sở để ngành thủy sản hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2023. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong nửa cuối năm nay, tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn do đơn hàng đang tăng dần nhằm phục vụ cho các kỳ nghỉ hè và nghỉ lễ cuối năm. “Dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 có thể sẽ dừng ở mức 9 – 10 tỷ USD” – Vasep đưa ra nhận định.

Cũng theo Vasep, mục tiêu đặt ra trong nửa cuối năm là tiếp tục giữ được thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn dự báo sẽ phục hồi từ quý III như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đồng thời, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của DN Việt.

Nhiều DN thủy sản cho biết, đang nỗ lực để tìm kiếm các thị trường mới cho sản phẩm thủy sản. Trong giai đoạn này chấp nhận bán với giá thấp hơn để giữ thị trường với hy vọng vượt qua thách thức đang diễn ra.

Dệt may, giày dép cũng sáng lên

Không chỉ ngành thủy sản xuất khẩu có tín hiệu khởi sắc, những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép... cũng đang ghi nhận những điểm sáng rõ nét. Nhiều DN cho biết hiện nay tại thị trường Mỹ, khách hàng đã bắt đầu tăng đặt hàng trở lại cho những tháng cuối năm và đầu vụ xuân hạ 2024. Các đơn hàng cho quý IV cũng đã dồi dào hơn trước.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,3 tỷ USD, tăng nhẹ so với 3,06 tỷ USD của tháng 6 và mức 3,2 tỷ USD trong tháng 7. Theo thông tin từ một số DN dệt may lớn như Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định, đến thời điểm này, DN đã nhận được số lượng đơn hàng đủ cho quý III và quý IV của năm nay.

Mới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã cổ phiếu VGT – sàn UPCoM) cũng khẳng định, ngành dệt may Việt Nam đã qua “đáy xấu nhất”. Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hơn một nửa khách hàng của tập đoàn này đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tương đương 6 tháng đầu năm.

Trong nửa cuối năm 2023, các DN sản xuất hàng may mặc trong nước kỳ vọng các đơn đặt hàng trong quý III/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý II/2023 và sau đợt giảm giá mạnh trong các kỳ nghỉ lễ của quý IV/2023, triển vọng doanh thu sẽ được cải thiện.

Nhiều DN da giày cũng đã nhận những tín hiệu tích cực hơn về tình hình đơn hàng. Điều này một phần nhờ vào nỗ lực của các DN trong việc cơ cấu lại nội lực để tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. "Quý III, IV, DN đã tương đối đủ đơn hàng để sản xuất cũng như tạo được công ăn việc làm cho người lao động tương đối ổn định" - ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định cho biết.

Những dữ liệu nói trên cho thấy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa đang bộc lộ những tín hiệu tích cực. Theo khẳng định của Bộ Công thương, tháng 8 là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây, cũng là tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp.

Chia sẻ thêm về thị trường xuất khẩu phục hồi, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm, như tại Mỹ 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 20%, nhưng đến tháng 8 đã giảm còn 10%, và dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%. “Đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc sang Mỹ, bù đắp cho suy giảm của 8 tháng” – Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, với các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 8 tiếp tục khởi sắc khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đơn hàng dồi dào, nhiều ngành khởi sắc