Dồn lực lo Tết cho dân

Lan Hương 11/01/2017 08:35

“Với tinh thần không để người dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau, mọi công việc chăm lo cho gia đình chính sách, người có công và người nghèo dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu đã được các cấp, ngành, địa phương chuẩn bị chu đáo” - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cho biết.

Dồn lực lo Tết cho dân

Cấp phát gạo hỗ trợ người dân.

Chủ động hỗ trợ

Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, ngay từ đầu tháng 11/2016, Bộ LĐTB&XH đã có công văn chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp các hộ dân có nguy cơ thiếu đói; đồng thời, cố gắng sử dụng nguồn lực địa phương chủ động hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và giáp hạt đầu năm 2017.

Hiện, Bộ LĐTB&XH đã nhận được công văn xin gạo của 15 địa phương, với số lượng 17.000 tấn. Khi nhận được công văn nào, lập tức Bộ trình Thủ tướng và Thủ tướng cũng ban hành ngay quyết định phân bổ, cấp gạo về địa phương.

Với các đối tượng chính sách khác, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ đã trình Chủ tịch Nước xem xét tặng quà cho người có công với hai mức 400 nghìn đồng và 200 nghìn đồng/suất với tổng chi phí dự kiến là 431 tỷ đồng.

Các tỉnh, thành phố cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách bằng nguồn ngân sách địa phương; tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hưởng ứng phong trào thiện nguyện, chăm lo cho người nghèo và đền ơn đáp nghĩa.

Về vấn đề chăm sóc Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ đã chủ động lên kế hoạch thăm hỏi, tặng quà, đồng thời thực hiện chi trả kịp thời chế độ cho các đối tượng bảo trợ kịp thời, đúng đối tượng trong dịp Tết.

Bộ cũng yêu cầu các địa phương gửi kế hoạch tặng quà Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội và ngày 10/1 là ngày cuối cùng các địa phương phải gửi báo cáo về Bộ.

Đến thời điểm này, đã có 40 tỉnh đã xây dựng kế hoạch tặng quà, chăm lo Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội và các địa phương dự kiến kế hoạch huy động khoảng 431 tỷ đồng để hỗ trợ, tặng quà, thăm hỏi cho các đối tượng bảo trợ xã hội.

“Đảng, Nhà nước sẽ làm mọi việc để đảm bảo Tết cho người nghèo, mục tiêu là không để người dân nào không có Tết”- Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.

Vượt chỉ tiêu

Về tình thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2016, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2016 là 2,30%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,86%.

Đáng chú ý, năm 2016 đã ghi nhận về sự phát triển thị trường xuất khẩu lao động. Theo bà Lan, để có được kết quả tốt, Bộ LĐTB&XH đã rất nỗ lực và trong việc đàm phán, ký kết và triển khai Bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) sau 4 năm tạm ngừng.

Bên cạnh đó, trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hợp tác lao động Việt Nam - Malaysia và Kế hoạch triển khai Thỏa thuận lao động Việt Nam - Thái Lan…

Tăng cường đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng yêu cầu về chất lượng lao động của thị trường trong nước và thị trường lao động quốc tế.…

Đối với việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cũng được quan tâm và triển khai thực hiện. Đặc biệt, qua kết quả tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015, Bộ đã xác định mục tiêu ưu tiên tập trung giải quyết hồ sơ còn tồn đọng, nhất là đối với các trường hợp không còn giấy tờ; xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng và tổ chức thực hiện thí điểm tại 5 địa phương (Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An).

“Đến nay cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ với kết quả như sau: 2 tỉnh là Lai Châu và Bắc Kạn không có hồ sơ, thành phố Đà Nẵng có 14 hồ sơ, tỉnh Thái Bình có 23 hồ sơ và tỉnh Long An có 13 hồ sơ; qua đó, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng”, bà Lan khẳng định.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin… Xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công với cách mạng (kinh phí đề xuất khoảng 7.300 tỷ đồng).

Ước đến cuối năm 2016 có 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dồn lực lo Tết cho dân