Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam buộc cơ quan quản lý phải tính đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống khu công nghiệp, khu chế xuất. Giới chuyên gia cho rằng việc “dọn ổ đón đại bàng” cần bắt đầu từ việc cung cấp hạ tầng, mặt bằng sạch.
Điểm yếu hạ tầng
Tính đến cuối tháng 4/2021, Việt có 575 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX). Hệ thống KCN của Việt Nam đang là điểm đến của hàng nghìn doanh nghiệp (DN) từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc phát triển các KCN vẫn còn những tồn tại, bất cập. Chẳng hạn, quy hoạch KCN chưa đảm bảo tiếp cận cảnh quan, thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh. Đặc biệt là phát triển KCN mất cân đối, chỉ tập trung vào một số điểm nóng như TP HCM và các tỉnh lân cận. KCN còn đang ở dạng đa ngành nghề, nên chưa thể tạo ra các cụm công nghiệp chuyên môn hóa quy mô lớn. Điều này dẫn đến hiệu quả của các nhà đầu tư nước ngoài tại KCN có hàm lượng khoa học kỹ thuật chưa cao, giá trị gia tăng thấp, tính lan tỏa hẹp...
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP SHINEC, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền chia sẻ, theo quy định hiện nay, địa phương muốn xây dựng KCN mới thì tỷ lệ lấp đầy tối thiểu phải đạt 60%. Điều này gây khó cho các DN đầu tư phát triển hạ tầng vì bị phụ thuộc vào năng lực thu hút đầu tư của các KCN không hiệu quả. Hay như quy định hiện tại giới hạn đầu tư KCN với diện tích dưới 500ha, trong khi những địa phương có quỹ đất lớn và điều kiện hạ tầng tốt đáng ra nên cho phép phát triển các KCN quy mô trên 1.000 ha để thu hút các liên hiệp nhà máy đầu tư sản xuất lớn.
Theo ông Điệp, cơ quan quản lý đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP (Nghị định 82) về quản lý KCN và KCX, nên tạo cơ chế thoáng hơn về cơ chế để hút đầu tư.
Trong khi đó ông Hongsun, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam phân tích, các KCN của Việt Nam chỉ mới tuân thủ làm sản xuất trong khi xu hướng phát triển KCN của nhiều nước khác là mô hình hỗn hợp: Vừa sản xuất, vừa hình thành những khu đô thị nhỏ, có đầy đủ nhà ở, phòng khám, bệnh viện, nhà trường để phục vụ cho hoạt động của các KCN đó. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19, nhiều DN áp dụng phương án “3 tại chỗ”, nếu Việt Nam có những KCN hỗn hợp như vậy, thì không khó gì để có thể áp dụng “3 tại chỗ”.
“Chúng tôi hy vọng rằng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), Cục quản lý về quy hoạch tổng thể, chính quyền địa phương và ban quản lý các KCN nên học tập những mô hình của các nước đã phát triển và đang phát triển. Nếu chỉ phát triển nhà máy đơn thuần thì rất khó tồn tại bền vững, đặc biệt là thời gian đang chuẩn bị cho hậu Covid -19” – ông Hongsun nêu quan điểm.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng thừa nhận, thời gian qua việc phát triển KCN chưa thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược cụ thể. Việc xây dựng nhà ở cho người lao động đồng bộ với việc phát triển KCN cũng như thu hút đầu tư là một vướng mắc nổi lên, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.
Hướng tới KCN chuyên ngành
Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải chuẩn bị được hạ tầng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đầu tư vào KCN Tràng Duệ tại Hải Phòng, ông Ko Tae Yeon - Tổng Giám đốc Công ty Heesung Electronics Vietnam phân tích, điều kiện đầu tiên để lựa chọn đầu tư vào KCN là sự quan tâm của Chính phủ đối với các DN. Điều kiện thứ hai là cơ sở hạ tầng.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho biết, việc phát triển các KCN trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 50 về hình thành các hệ thống KCN mới theo mô hình “may đo”. Nghĩa là áp dụng từng mô hình phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp luật, quy định về KCN, KCX. Hiện nay, Bộ KH&ĐT đã đưa ra dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 82 về KCN, KCX. Theo bà Ngọc, cần xác định phát triển KCN, KCX tiếp tục là mô hình và giải pháp quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hoá đất nước, hài hoà giữa các vùng miền, bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong KCN, KCX nâng cao hiệu quả của mô hình một cửa tại chỗ.
“Còn đối với địa phương, cần rà soát và kiện toàn cơ quan quản lý Nhà nước tại các KCN, KCX, trong đó triệt để phân cấp, uỷ quyền cho các ban quản lý KCN, KCX để bảo đảm thực hiện cơ chế một cửa liên thông. Nhanh chóng triển khai các thủ tục đầu tư để tạo điều kiện cho DN sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh” – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Năm 2020, cả nước có 381 KCN được thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 114 nghìn ha. Hiện tại có 331 khu (4 khu chế xuất, 327 khu công nghiệp) đã đi vào hoạt động, chiếm gần 87% số khu đã thành lập; tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu đã đi vào hoạt động khoảng 75%. Các KCN, KCX trong cả nước thu hút được khoảng 820 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới; thu hút được 9.381 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%.