Với sự phát triển của công nghệ, các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Instagram, Youtube…) đã trở thành những kênh thông tin phủ sóng rất rộng, đặc biệt là trong giới trẻ. Tuy nhiên, cùng với mặt tích cực, lĩnh vực này cũng đã xuất hiện nhiều tiêu cực, thậm chí được coi là “rác” văn hóa.
Ảo tưởng của sự nổi tiếng
Idol Tiktok, Youtuber triệu view… là những danh xưng không mấy xa lạ xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian qua. Thông qua những hình ảnh, clip đã giúp không ít người bước ra từ không gian mạng bỗng chốc trở thành những người nổi tiếng với hàng nghìn, hàng triệu người theo dõi. Với nhiều gương mặt, đây còn là bước đệm để trở thành những ngôi sao trong làng giải trí. Ở đó, các ý tưởng sáng tạo với sự góp sức của rất nhiều người trẻ mang đến cho người dùng mạng xã hội có được những trải nghiệm từ giải trí, kiến thức, thông tin xã hội… thậm chí là vô số câu chuyện “thâm cung, bí sử”. Tuy nhiên, đồng hành với sự bỗng chốc nổi tiếng đó là nhiều hệ lụy với những trào lưu gây nên sự tiêu cực trong xã hội.
Để thu hút được nhiều người xem, nhiều tiktoker nghĩ ra đủ chiêu trò kể cả bất chấp thủ đoạn. Đơn cử như vụ việc tiktoker Nờ Ô Nô có gần 700 nghìn người theo dõi song đã bị khóa vì người này có lời lẽ xúc phạm một người lớn tuổi. Ngay sau khi clip đăng tải đã gây phẫn nộ trong cộng đồng. Hay vụ việc 1 tiktoker với gần 10 triệu người theo dõi tại Việt Nam đã mở màn cho một trào lưu gây mất an ninh, an toàn hàng không khiến nhiều người bức xúc. Đoạn clip của tiktoker này đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem và rất nhiều người làm theo.
Ngoài ra, còn có thể kể đến các trào lưu đang tác động không nhỏ đến một bộ phận giới trẻ như đi chợ với 5.000 đồng, thử thách đập đồ, săn mây trên máy bay... Nghiêm trọng hơn là các clip miệt thị ngoại hình của người khác, phân biệt vùng miền - giàu nghèo, mâu thuẫn “mẹ chồng - nàng dâu” hay “người thứ ba”..., với nhiều trường hợp lên mạng nói xấu, văng tục thóa mạ đồng nghiệp và người khác.
Không chỉ là những clip được dàn dựng để câu view mà ngay những clip phát sóng trực tiếp (livestream) cũng là những câu chuyện dở khóc, dở cười. Người dùng mạng xã hội đã nhiều lần được chứng kiến những “ngôi sao mới” trong hệ phát trực tiếp, các nội dung quảng cáo cho các dự án ma, sản phẩm giả và cả những thông tin xuyên tạc lịch sử. Điều đáng buồn là những màn “đấu tố” đầy ngôn từ tục tĩu mang tính xúc phạm, “bóc phốt” lẫn nhau vẫn thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí là cả triệu lượt theo dõi. Hàng loạt bộ phim theo kiểu giang hồ hay nội dung 18+ được phát tràn lan trên các nền tảng số. Đáng nói là sự tranh luận của cộng đồng mạng đã vô hình trung tiếp tay cho các clip này.
Làn sóng tẩy chay
Có thể nói khi công nghệ phát triển, thì hiện tượng phản cảm trên mạng xã hội cũng khó kiểm soát hơn, nhất là khi những doanh nghiệp xuyên biên giới chưa có động thái quyết liệt trong việc ngăn chặn thông tin xấu độc. Chưa kể, để chạy theo lợi nhuận, nhiều đơn vị còn khuyến khích việc đưa các nội dung giật gân, câu khách lên mạng xã hội. Và như vậy, không gian mạng càng phải hứng chịu lượng “rác” khổng lồ, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều người. Thống kê gần đây của Tiktok, lượng người dùng Tiktok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này. Bất kỳ ai cũng có thể tải ứng dụng Tiktok, thậm chí dễ dàng trở thành một Tiktoker và sản xuất ra những video clip của riêng mình rồi đăng lên mạng.
Để giải quyết vấn nạn này, bên cạnh những chế tài xử phạt của các cơ quan quản lý thì quan trọng nhất đó là ý thức của chính người sử dụng mạng xã hội. Thời gian qua, đã xuất hiện làn sóng tẩy chay các tài khoản, clip lệch chuẩn, đã là một tín hiệu tích cực trong việc tạo ra một môi trường mạng trong sạch, lành mạnh. Trong đó việc tẩy chay Tiktoker Nờ Ô Nô là một ví dụ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc khán giả tỏ rõ chính kiến, thái độ đối với những nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi lệch chuẩn là những tín hiệu tích cực trong quá trình chúng ta xây dựng văn hóa sử dụng mạng xã hội. Thay vì thái độ bàng quan, hời hợt, coi nhẹ tác động tiêu cực của Internet, giờ đây rất nhiều người sử dụng đã có thái độ kiên quyết với những lệch chuẩn trên môi trường mạng. Điều này cho thấy chúng ta đã rất nghiêm túc và thực sự phản ứng chủ động với những điều không phù hợp trên môi trường ảo, không để lây lan ra ngoài xã hội. Đây cũng là kết quả của một quá trình nhận thức khi chúng ta chứng kiến rất nhiều hệ lụy của cuộc đời thực bắt nguồn từ những rắc rối, sai lệch đến từ môi trường mạng.
Vẫn theo ông Sơn, điều chúng ta cần làm là cùng nhau chung sức đấu tranh với những điều xấu xa, lệch chuẩn. Việc các bạn trẻ tiên phong phản đối những thông tin xấu, độc trên mạng càng cho chúng ta thấy một niềm tin về quy luật “cái thiện luôn chiến thắng cái ác, chính nghĩa luôn chiến thắng phi nghĩa”.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, tạo ra sự quan tâm của mọi người bằng những hình ảnh đẹp, hành động truyền cảm hứng thì việc xây dựng thương hiệu mới bền vững, khi nó đến từ chính trái tim, với sự yêu thương, tôn trọng của công chúng. “Đối với cơ quan quản lý nhà nước, tôi cho rằng, chúng ta cần có hành động nhanh chóng, dứt khoát, với biện pháp xử lý mang tính răn đe, từ nâng cao nhận thức, luật pháp đến cấm sóng để tạo niềm tin cho công chúng về một xã hội hướng thiện, thượng tôn pháp luật. Cho dù sự vi phạm đó có đến từ đâu và với ai, từ đó dẫn dắt, hình thành dư luận xã hội phù hợp đối với quá trình phát triển nhân cách đạo đức của mỗi cá nhân và toàn xã hội” - ông Sơn nói.