Tuần đầu tháng 5/2020, Tạp chí The Economist vừa công bố bảng xếp hạng “sức khỏe” tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi, trong đó Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau dịch Covid-19. Bảng xếp hạng của The Economist dựa trên 4 chỉ số sức mạnh tài chính, bao gồm nợ công, nợ nước ngoài, chi phí đi vay và dự trữ ngoại hối. Đáng chú ý, Việt Nam không có chỉ số nào thuộc diện “báo động đỏ” trong khi đại dịch Covid-19 đã làm tổn thương hầu hết các nền kinh tế bởi các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, doanh số xuất khẩu sụt giảm và nguồn đầu tư nước ngoài co hẹp.
Tới cuối tháng 5/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố Báo cáo “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao”. Theo Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dionem, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, cho dù phải đương đầu với dịch Covid-19, và rằng Việt Nam cần có quyết sách để không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn chất lượng hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia của WB nhìn nhận Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức khác ngày một gia tăng như ô nhiễm, xu thế tự động hóa. Trong tình thế đó, cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể đẩy nhanh những xu hướng này- đó là những trở ngại mà Việt Nam cần vượt qua để nền kinh tế tăng trưởng.
Tại sao thế giới nên đầu tư vào Việt Nam hậu Covid-19?
Đó là câu hỏi đã hàm chứa câu trả lời được Tạp chí Forbes đưa ra. Theo Forbes, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 7,02% trong năm 2019, thuộc hàng cao nhất thế giới. Đây cũng là năm thứ hai tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt trên 7%. Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 500 tỷ USD và thặng dư trong 4 năm liên tiếp trong bối cảnh xu hướng giảm thương mại ở nhiều nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 cho thấy Việt Nam tăng 10 bậc từ năm 2018 lên mức 67, trở thành quốc gia tăng nhanh nhất năm 2019. Chính phủ đã tập trung tạo ra môi trường kinh doanh mở, thuận lợi và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Chính vì thế, Việt Nam sẽ vẫn có đà tăng trưởng trong thời kỳ “hậu Covid” khi mà đa số các nền kinh tế khác gặp khó khăn.
Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh trong 10 năm qua. Báo cáo Kinh doanh năm 2020 của WB đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 70 trong số 190 nền kinh tế. Thứ hạng này tương đối tốt so với trước đây khi Việt Nam chỉ xếp ở vị trí thứ 90 năm 2010 trong tương quan với các nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người tương tự. Đáng chú ý, môi trường kinh doanh được cải thiện cũng giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác, bao gồm các FTA thế hệ mới với các cam kết sâu rộng. Liên minh châu Âu (EU) đã ký một hiệp định thương mại tự do mang tính bước ngoặt với Việt Nam vào tháng 6/2019, lần đầu tiên với một quốc gia đang phát triển ở châu Á, mở đường cho việc giảm thuế đối với 99% hàng hóa giữa Việt Nam và khối này.
Theo Reuters, EU mô tả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là “một thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất” từng được ký kết với một quốc gia đang phát triển. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. EVFTA sẽ tăng 20,28% xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 20% từ Việt Nam sang EU vào năm 2020.
Trong khi đó, tờ Financial Times (trụ sở tại London, Anh) đưa tin, Việt Nam đưa ra một hình mẫu ngăn chặn dịch bệnh thành công và điều đó khiến cho thế giới thấy rằng đầu tư vào Việt Nam là an toàn và thành công, chí ít là với mạng lưới gồm 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. “Việt Nam đã duy trì sự ổn định kinh tế xã hội trong nhiều thập kỷ qua. Đây là một dấu hiệu tích cực giúp nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng. Môi trường kinh doanh thuận lợi và các hiệp định thương mại tự do dự kiến sẽ giúp tăng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong tương lai”- theo Financial Times.
Việt Nam trước cơ hội thành điểm sáng hút làn sóng đầu tư nước ngoài
Trong bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của các nền kinh tế mới nổi của The Economist, Việt Nam thuộc nhóm an toàn sau dịch Covid-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham), các biện pháp của Chính phủ Việt Nam đã áp dụng để bảo vệ doanh nghiệp (DN) trong dịch Covid-19 là rất đáng ghi nhận. Điều đó giúp Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới do đã “duy trì niềm tin của cộng đồng DN châu Âu”. Vẫn theo Eurocham, Việt Nam không chỉ hỗ trợ DN trong nước mà còn cả các DN nước ngoài - những nhân tố quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài khi nền kinh tế khôi phục trở lại.
Tương tự, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), ông Hong Sun, khẳng định với môi trường kinh doanh ổn định và giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, Korcham sẽ tiếp tục giới thiệu các DN có chất lượng đầu tư vào Việt Nam. Các DN Hàn Quốc sẽ cùng DN Việt Nam tạo mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh Covid-19, đồng hành với Việt Nam hồi phục nền kinh tế, phát triển trong tương lai.
Theo giới chuyên gia kinh tế, làn sóng chuyển dịch nguồn vốn FDI đã bắt đầu và Việt Nam sẽ là một điểm đến an toàn, hấp dẫn hàng đầu sau đại dịch. Việt Nam được đánh giá là quốc gia thuộc nhóm các nước bị ảnh hưởng ít nhất bởi dịch và dự báo sẽ vượt qua “cơn bão” suy thoái kinh tế toàn cầu.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, cam kết vốn FDI vào Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, tuy giảm 15,5% so cùng kỳ năm trước nhưng giá trị vốn FDI cam kết quay đầu trong tháng 4 tăng 81% so với tháng 3 và tăng 62% so với tháng 4/2019.
Theo một điều tra với hơn 3.500 DN Nhật Bản do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện về dự định đầu tư nước ngoài, số DN chọn Việt Nam tăng từ 5,5% lên 41%. Còn 90% DN thuộc Hiệp hội DN Đức tại Việt Nam khẳng định không giảm đầu tư ở Việt Nam. Các nhà đầu tư Đức cho rằng, nếu bỏ qua thị trường Việt Nam, thiệt hại với họ còn lớn hơn những gì đại dịch gây ra.
Đài CNBC (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định, Việt Nam có thể tránh được suy thoái kinh tế trong năm 2020 nhờ các biện pháp ngăn dịch Covid-19 kịp thời. Kinh tế trưởng về châu Á tại Oxford Economics Sian Fenner đánh giá: “Việt Nam sẽ không tránh được tác động từ thực trạng nhu cầu thế giới chậm lại. Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ không rơi vào suy thoái hoặc tăng trưởng âm”. Theo ông Fenner, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ chuỗi cung ứng dần được đa dạng hóa.
Còn Hãng tin Bloomberg nhận xét, “khả năng bật dậy của kinh tế Việt Nam được khẳng định khi quốc gia Đông Nam Á này là một điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là đã có hơn 12 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư được thu hút riêng trong 4 tháng đầu năm 2020”. Bloomberg không quên “nhắc” rằng các nước như Mỹ, Nhật Bản và EU sẽ đồng loạt tái dịch chuyển các chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19. Mà một trong những điểm đến chính là Việt Nam.
Ông Gaurav Sharma-Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife thì cho rằng, “Việt Nam có nhiều cơ sở để tin vào một viễn cảnh tươi sáng và tốc độ phục hồi nhanh hơn. Theo tôi được biết các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Google, Microsoft, HP và Dell cùng các công ty lớn trên thế giới khác như Foxconn, Sharp… có kế hoạch thâm nhập hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian gần đây”. Ông Sharma cũng cho biết, tờ Politico (Mỹ) đánh giá Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về hiệu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng trong chống dịch Covid-19. “Đây là điều nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới không làm được trong thời điểm hiện tại”.
Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn với các doanh nghiệp FDI trong tương lai-Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam Stephen Wyatt nhận định.