Với tinh thần sẻ chia, “lá lành đùm lá rách”, cả nước đang hướng về bà con vùng lũ bằng những hành động thiết thực nhất.
Bà con tỉnh Quảng Bình đã phải hứng chịu trận lụt lớn nhất trong lịch sử, thiệt hại về người và tài sản không thể đong đếm hết. Với tinh thần sẻ chia, “lá lành đùm lá rách”, cả nước đang hướng về bà con vùng lũ bằng những hành động thiết thực nhất. Với những hỗ trợ này, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng và hệ thống Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Bình sẽ tiến hành phân bổ kịp thời, đúng đối tượng để bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Đó là khẳng định của ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình với báo Đại Đoàn kết.
PV:Trong đợt lụt lớn đang xảy ra, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cán bộ nhân dân các địa phương trên cả nước đã có sự quan tâm, sẻ chia sâu sắc đến bà con nhân dân bị thiệt hại, trong đó có “rốn lũ” Quảng Bình. Ông chia sẻ cảm xúc cũng như suy nghĩ của mình như thế nào khi cả nước đồng lòng hướng về đồng bào bão lụt?
Ông Trần Quang Minh: Quảng Bình bị thiệt hại rất nhiều. Đợt lũ lụt lần này là đợt lụt lớn nhất của tỉnh Quảng Bình từ trước tới nay, lớn hơn cả đợt lũ lịch sử năm 1979. Qua kinh nghiệm thực tế sống ở địa bàn “rốn lũ”, “túi hứng bão” của cả nước, chúng tôi thấy rằng trung bình cứ 3 năm một lần tỉnh Quảng Bình lại đón nhận một cơn bão lớn, gây thiệt hại nặng nề. Năm 2007 bão lớn xảy ra rồi đến năm 2010 chúng tôi lại tiếp tục đón nhận một cơn bão lớn hơn. Rồi đến năm 2013 lại có một cơn bão rất mạnh và đến năm 2016 xảy ra hai trận lũ kép. Năm 2017 bão lớn và năm nay lại bão lụt vượt trận lũ lịch sử năm 1979. Ngoài bão lũ, tỉnh Quảng Bình còn bị thiệt hại nặng nề bởi sự cố môi trường biển của Công ty TNHH Gang thép Formosa của tỉnh Hà Tĩnh gây ra. Trong năm 2020 nay, ảnh hưởng của đợt dịch Covid–19 chưa kịp lắng xuống thì người dân lại liên tiếp hứng chịu bão lụt khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình lao đao.
Đảng bộ, chính quyền và bà con nhân dân tỉnh Quảng Bình quyết tâm thoát nghèo, quyết tâm thoát khỏi khó khăn, vươn lên cùng với các tỉnh, thành khác trong cả nước nhưng thiên tai ập đến bất ngờ mang theo bao hoài bão, ước mơ thoát nghèo của người dân. Và cứ mỗi đợt thiên tai như vậy đã tiêu hao bao nhiêu tài sản mà người dân tần tảo tích cóp cho nên tỉnh Quảng Bình vẫn nằm trong tỉnh còn nhiều khó khăn. Bà con và nhân dân rất muốn mưa thuận gió hòa, yên ổn làm ăn chứ hoàn toàn không muốn nhân dân cả nước rồi bạn bè, anh em phải cứu trợ mình mãi thế này nhưng thật sự rất khó.
Với đặc thù là tỉnh có nhiều bão lụt cho nên bà con nhân dân tỉnh Quảng Bình đã dần hình thành một kỹ năng sống đó là khi lũ rút bà con nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa ngay. Cho nên nhiều đoàn cứu trợ đến sau khi nước rút khoảng một tuần đã thấy đời sống bà con đâu lại vào đấy nên nghĩ rằng chắc có lẽ giới thiệu sai địa điểm, gây ra sự hiểu nhầm. Mặt trận tỉnh Quảng Bình cũng như Ban Cứu trợ, các cơ quan, ban ngành của tỉnh sẵn sàng có sự phối hợp nhịp nhàng, phân bổ kịp thời, hỗ trợ hợp lý để bà con có cuộc sống ổn định về lâu dài.
Vậy những khó khăn mà bà con nhân dân tỉnh Quảng Bình đang gặp phải như thế nào, thưa ông?
- Từ nhiều ngày nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã đón nhận tình cảm từ nhiều tỉnh, thành, cơ quan, đơn vị và bà con nhân dân cả nước. Mặt trận tỉnh Quảng Bình cũng sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, đơn vị để giúp đỡ bà con nhân dân trong tỉnh vượt qua thời điểm khó khăn này.
Có thể nói rằng tỉnh Quảng Bình đang gặp đợt thiên tai, bão lụt lớn nhất từ trước tới nay. Hầu như tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Bình đều bị ngập lụt nặng nề; trong đó đặc biệt là huyện Quảng Ninh và một số vùng ở huyện Minh Hóa, thị xã Ba Đồn bị ngập lụt rất nặng với gần 100.000 ngôi nhà bị ngập trong lũ. Bà con mặc dù đã có kinh nghiệm chống chọi với thiên tai, nhất là lũ lụt nhưng đợt lũ này quá lớn cho nên thiệt hại nặng nề, khó có thể đong đếm được.
Từ nhiều ngày nay, bà con nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng đã được Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành tích cực cứu trợ, cứu nạn nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người. Tuy nhiên, còn tài sản của bà con bị thiệt hại rất lớn. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cũng như Ban Cứu trợ, các lực lượng chức năng trong tỉnh Quảng Bình luôn sẵn sàng phối hợp để làm tốt công tác cứu trợ, giảm thiểu tối đa thiệt hại của người dân trong thời gian tới.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã có kế hoạch cứu trợ như thế nào để không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ cũng như không để xảy ra trường hợp trục lợi, thưa ông?
- Về cứu trợ lần này ngoài các cơ quan chức năng thì cộng đồng cũng tham gia công tác hỗ trợ, cứu trợ bà con rất nhiều. Tỉnh Quảng Bình cũng có Ban Cứu trợ ở các cấp đứng ra phối hợp để có sự điều tiết phù hợp; còn công tác cứu trợ luôn được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt các cơ quan truyền thông báo chí cũng như cộng đồng luôn có sự giám sát chặt chẽ cho nên từ trước tới nay công tác cứu trợ của tỉnh Quảng Bình không xảy ra sai sót nghiêm trọng.
Trong lúc thiên tai bão lũ như thế này công tác hỗ trợ, cứu trợ đồng bào được ưu tiên hàng đầu, bản thân tôi và nhiều cán bộ khác trong tỉnh không ai nghĩ đến việc trục lợi riêng cho cá nhân mình, gia đình mình mà chỉ mong muốn làm sao để bà con trong tỉnh được hỗ trợ kịp thời nhất.
Mỗi đợt lũ đi qua kéo theo biết bao mồ hôi, nước mắt, tài sản tích cóp trong nhiều năm của bà con. Vậy, MTTQ tỉnh Quảng Bình có mong muốn và kiến nghị gì để góp phần cải thiện cuộc sống bà con, nhất là sau khi lũ giữ đi qua?
- Ngay từ khi lũ lụt chưa xảy ra, tỉnh Quảng Bình đã làm rất nhiều hoạt động để giúp đỡ sinh kế cho bà con, nhất là đối tượng còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, sau trận lũ lịch sử này sẽ tiếp tục lại có thêm nhiều hơn nữa các đối tượng khó khăn cần được hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi sẽ có kế hoạch xem xét kỹ từng đối tượng của từng khu dân cư để rồi nắm bắt nhu cầu, khả năng thực tế của các hộ đó để có kế hoạch giúp đỡ phù hợp nhất.
Trước mắt chúng tôi sẽ hỗ trợ lương thực, thực phẩm sau đó khi lũ dữ đi qua sẽ hỗ trợ sinh kế để bà con ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất về lâu về dài. Do đó, rất mong Trung ương có những chương trình, kế hoạch hỗ trợ sinh kế một cách bài bản để những người dân vùng “rốn lũ” Quảng Bình có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!