Tỷ phú Donald Trump đã đánh bại đối thủ Hillary Clinton để trở thành Tổng thống đời thứ 45 của nước Mỹ trong đêm bầu cử hôm thứ Ba (9-11 giờ VN), một chiến thắng hết sức đáng ngạc nhiên khi một doanh nhân, ngôi sao truyền hình thực tế và một người thiếu kinh nghiệm chính trị lại có thể hạ gục được một chính trị gia giàu kinh nghiệm để dọn đường vào Nhà Trắng.
Donald Trump trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng tại New Hampshire. (Nguồn: Washington Post).
Chiến thắng không tưởng
Chiến thắng này được xem là một chiến thắng ngoạn mục và ít ai ngờ tới, thật không ngoa khi nói rằng đây là kỳ bầu cử mang tới nhiều cảm xúc, bất ngờ và kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trên con đường của mình đã hủy diệt bức tường lửa lâu năm của đảng Dân chủ, giành chiến thắng ở Pennsylvania và Wisconsin, vốn là các bang chưa từng ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa nào kể từ những năm 1980 đến nay. Trump cần phải giành chiến thắng ở gần như tất cả các bang chiến trường quan trọng, và ông đã làm được điều đó khi lần lượt chiếm được Ohio, North Carolina, Florida và các bang khác.
Trump sẽ nhậm chức Tổng thống mới trong bối cảnh Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ lại một lần nữa nằm dưới tầm kiểm soát hoàn toàn của phía đảng Cộng hòa; một niềm vui kép đối với ông. Đảng Cộng hòa vẫn duy trì được sự kiểm soát của họ ở Hạ viện. Việc kiểm soát được Thượng viện đồng nghĩa với việc Trump hoàn toàn được phép chỉ định các thẩm phán của Tòa án Tối cao.
“Chúng tôi nợ bà Clinton một món nợ lớn đó là sự biết ơn bà ấy vì đã phục vụ đất nước” - Trump nói trong bài phát biểu chiến thắng rạng sáng 9/11 (giờ Mỹ) - “Tôi nói rằng, đây là lúc để chúng ta cùng chung tay để trở thành một đất nước đoàn kết”.
“Tôi cam kết với tất cả người dân ở đất nước của chúng ta rằng tôi sẽ trở thành Tổng thống của mọi người dân Mỹ” - ông Trump tuyên bố.
Kiểu ăn nói đơn giản và có phần thô lỗ của Donald Trump, hay các đòn công kích mà ông nhằm vào giới chính trị gia truyền thống ở Mỹ và lời thề sẽ đập nát cái mà ông mô tả là một hệ thống những giai tầng tinh túy của xã hội - hình ảnh thu nhỏ của nhà Clinton, mà ông cho rằng đang kiềm chế những người làm công ăn lương chăm chỉ - thực sự đã thu hút được đa số người ủng hộ.
Liên minh những người ủng hộ ông gồm phần lớn là người Mỹ da trắng, những cử tri thuộc tầng lớp lao động đang trong cơn tuyệt vọng, họ bất bình với toàn bộ thế hệ các lãnh đạo chính trị, nền kinh tế, hệ thống chính trị ở nước Mỹ và khao khát có một sự thay đổi toàn diện.
Bởi vậy, giờ đây, Trump sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đoàn kết lại một quốc gia đang bị ám ảnh bởi một trong những chiến dịch tranh cử “xấu xí” nhất trong lịch sử hiện địa nước Mỹ và hàn gắn những rạn nứt chính trị gây ra bởi chính các phát ngôn gây sốc của ông.
Lá phiếu đại cử tri áp đảo của Donald Trump so với bà Hillary Clinton. (Nguồn: CNN).
Những dự báo tiêu cực về Trump
Chiến thắng của Trump cũng sẽ được người dân Mỹ in sâu vào tâm trí họ bởi ông sẽ là vị Tổng thống đầu tiên đi vào Nhà Trắng khi không có chút ít kinh nghiệm nào về chính trị, ngoại giao hay chỉ huy quân sự. Chiến thắng của ông cũng sẽ tạo nên một cơn sốc trên toàn thế giới bởi chính sách ngoại giao mà ông từng đưa ra, trong đó đòi đảo ngược thỏa thuận hạt nhân với Iran, tuyên bố cấm cửa đối với người nhập cư Hồi giáo, cùng với thái độ ghẻ lạnh với các đồng minh hiện tại của Mỹ.
Các cam kết của ông trong việc tái đàm phán hoặc hủy bỏ luôn các thỏa thuận thương mại như NAFTA và lên án Trung Quốc thao túng tiền tệ đã khiến cho nhiều thị trường tài chính thế giới chao đảo. Nhiều thị trường tài chính trên thế giới đã bắt đầu có tín hiệu như vậy ngay sau khi thông tin ông đắc cử lan tỏa.
Trump, 70 tuổi, cũng sẽ trở thành vị Tổng thống lớn tuổi nhất từng tuyên thệ trong nhiệm kỳ đầu tiên. Chiến thắng của ông được xây dựng trên sự phẫn nộ của người dân đối với giới chính trị gia chóp bu tại Washington, trong đó rất nhiều người cảm thấy họ là nạn nhân của một nền kinh tế đang trong quá trình toàn cầu hóa, khiến cho hàng triệu công ăn việc làm bị xóa sổ.
Chiến thắng của ông cũng đặt dấu chấm hết cho cuộc chinh chiến của cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Rodham Clinton để trở thành vị nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Đây là một chương đáng xấu hổ trong sự nghiệp chính trị lâu năm của bà Clinton cùng chồng, cựu Tổng thống Bill Clinton.
Chiến thắng của Trump còn là một đòn tấn công chí mạng đối với Tổng thống Barack Obama, bởi sắp tới nhà tài phiệt này sẽ có đủ quyền lực để đảo ngược tất cả các di sản chính trị mà ông Obama để lại - trong đó gồm Đạo luật Chăm sóc Y tế (ACA), hay còn gọi là Obamacare, mà ông Obama từng tự hào.
Nhưng vấn đề căn bản nhất mà chính quyền của Trump cần phải xử lý trước tiên chính là làm thế nào để đoàn kết lại một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc và xoa dịu những cử tri đang cảm thấy phẫn nộ và buồn tủi trước chiến thắng của ông.
Tâm điểm của toàn thế giới
Chiến dịch của Trump được xây dựng trên nền móng của sự phẫn nộ, lý tưởng sai lầm và vạch ra hàng loạt các “thủ phạm” phải chịu trách nhiệm cho một nước Mỹ không vĩ đại, trong đó gồm người nhập cư trái phép, các quốc gia khác như Trung Quốc hay người nhập cư gốc Hồi giáo.
Trump từng châm chọc một phóng viên bị tàn tật của tờ New York Times, từng tuyên bố sẽ sử dụng quyền lực Tổng thống để bắt giam bà Clinton và thề sẽ kiện những người phụ nữ từng cáo buộc ông tấn công tình dục. Ông còn hứa sẽ xây dựng một bức tường thành ngăn cách biên giới Mỹ-Mexico và Mexico sẽ phải chi tiền, trục xuất tất cả người nhập cư trái phép. Ông từng tuyên bố sẽ vực dậy các hình thức ép cung nghi phạm khủng bố thậm chí còn khủng khiếp hơn là trò “trấn nước”.
Bởi vậy mà cách ứng xử và cử chỉ của Trump khi ở vị trí người quyền lực nhất của nền dân chủ lớn nhất thế giới sẽ được quan sát kỹ lưỡng - không chỉ ở nước Mỹ mà ở nhiều các quốc gia khác trên thế giới.
Một trong số rất nhiều những mối quan ngại về Trump ở vị trí Tổng thống là cách ứng xử của ông đối với các đảng viên Cộng hòa ở Quốc hội, và liệu ông cùng giới lãnh đạo đảng này có thể hàn gắn các vết rạn nứt xuất hiện từ lúc còn đang vận động tranh cử hay không.
Tuy nhiên, trước mắt, đây là một chiến thắng kép cho đảng Cộng hòa bởi họ đã ngăn chặn được nỗ lực giành sự kiểm soát ở Thượng viện của đảng Dân chủ, giúp cho đảng Cộng hòa kiểm soát cả đồi Capitol và cả Nhà Trắng. Điều này có nghĩa, đảng Cộng hòa có đủ quyền lực để thông qua các chính sách có lợi cho họ hoặc gia tăng quyền lực cho Tổng thống Trump - người đã thể hiện rõ rằng sẽ không do dự khi sử dụng quyền lực của mình một cách quyết liệt.
Còn về phần mình, bà Clinton đã thất bại trong việc đoàn kết lại khối liên minh đa dạng từng giúp ông Obama giành chiến thắng trong hai kỳ bầu cử năm 2008 và 2012. Các sự kiện tồi tệ xảy ra ngay trong tuần cuối trước ngày bầu cử - FBI lật lại bê bối email cá nhân hay Wikileaks phanh phui loạt email bị rò rỉ - là nguyên nhân chính dẫn tới sự thất bại này.
Tổng thống Obama từng coi Trump như một người có tính cách và trí tuệ không phù hợp để trở thành người kế nhiệm ông. Nhưng mỉa mai thay, trong tháng 1/2017 tới đây, ông sẽ phải đưa ra lời chúc mừng nồng thắm với Trump trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, và chứng kiến cảnh nhà tỷ phú này chính thức trở thành vị Tổng thống đời thứ 45 của nước Mỹ.
- “Sự kiện bầu cử Tổng thống lạ thường nhất trong lịch sử hiện đại”, tờ Dailymail của Anh nhận định. - “Chiến thắng của Trump khiến cả thế giới bàng hoàng”, tờ The Guardian của Anh viết. - “Một số người dân Mỹ bắt đầu tìm cách đến Canada, New Zealand khi Trump dẫn đầu cuộc đua”, tờ Manila Bulletin của Philippines có bài viết. - “cuộc bầu cử đánh bại tất cả các cuộc bầu cử khác, và điều kỳ diệu đã xảy ra”, tờ Rajdeep Sardesai của Ấn Độ viết. - “Nước Mỹ và nỗi lo bị tê liệt hoàn toàn”, tờ El Pais của Tây Ban Nha có bài viết. - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng Donald Trump, thêm rằng ông hy vọng về việc “mang mối quan hệ Nga-Mỹ thoát khỏi tình trạng nguy hiểm hiện nay”. - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gửi “lời chúc mừng nồng nhiệt” tới ông Donald Trump và thể hiện hy vọng sẽ được làm việc cùng ông để củng cố mối quan hệ song phương, Bộ trưởng truyền thông Philippines Martin Andanar hôm 9/11 cho hay. Thị trường cổ phiếu châu Á đã giảm mạnh sau khi Donald Trump đánh bại Hillary Clinton. Tất cả các thị trường trong khu vực đóng cửa với mức thấp, trong khi nhiều người đổ xô đi mua vàng và các loại tiền tệ để dự trữ - như đồng Yên Nhật. Chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm 2,2%, Shanghai Composite giảm 0,6%. Chỉ số ASX của Australia giảm 1,9%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,7%, chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm tới 5,4%; trong khi các thị trường Mỹ và châu Âu cũng được dự báo sẽ giảm trong phiên giao dịch ngày mới. |