Xâm nhập mặn vào sâu nội đồng đang là vấn đề nghiêm trọng đối với đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, nhiễm mặn đã tác động xấu tới nguồn nước sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất. Vậy, giải pháp ứng phó là gì?
Xâm nhập mặn vào sâu nội đồng gây khó khăn cho sản xuất.
1. Ngay từ đầu năm nay, tình hình nhiễm mặn tại đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong những ngày từ 19 đến 22 đến 2/2019, triều cường kết hợp với gió chướng đã đẩy mặn vào các vùng cửa sông, xâm nhập mặn tăng nhanh. Đây là điều bất thường bởi thời điểm đó hàng năm không có hiện tượng nước mặn từ biển theo các dòng sông vào nội đồng. Thời điểm đó, độ mặn đo được là 4‰, nước mặn theo cửa sông các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh vào sâu hơn 40 km, ảnh hưởng các vùng lúa và vườn cây trái.
Tiếp đó, theo Tổng cục Thủy lợi, do lượng nước về thượng nguồn sụt giảm và trùng với kỳ triều cường cho nên từ ngày 28/4 đến ngày 6/5, xâm nhập mặn gia tăng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Như vậy, năm nay tuy chưa phải là cao điểm triều cường, nước nhiễm mặn, nhưng nhiều nơi tại đồng bằng sông Cửu Long đã phải đối diện với nạn ngập mặn. Nhìn chung, theo cơ quan chức năng, năm 2019, hệ thống sông, rạch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xuất hiện các thời đoạn có dòng chảy thấp, mặn gia tăng sớm. Vì vậy, các địa phương trong vùng đã lên kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn. Tại Hậu Giang, chính quyền còn vận động người dân tích trữ nước ngọt để đảm bảo đủ nước sinh hoạt khi hạn, mặn. Còn lãnh đạo tỉnh Bến Tre xác định không để người dân sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và ngoài vùng quy hoạch, để tránh thiệt hại cho bà con. Tại Kiên Giang, hệ thống cống ngăn mặn được duy tu, sẵn sàng hoạt động. Các xã được chỉ đạo triển khai đắp đập thời vụ ngăn mặn cục bộ; vận động nhân dân chủ động đắp đập tạm, bờ bao cục bộ để ngăn mặn, trữ ngọt. Khuyến cáo người dân tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại từ ao, hồ; thực hiện các biện pháp trữ nước trong mương vườn để phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Còn tại Trà Vinh, tỉnh chủ động tuyên truyền sâu rộng tới người dân ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, đôn đốc các địa phương tích cực nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng. Tại Bạc Liêu, Kiên Giang, Vĩnh Long cũng tiếp tục kế hoạch chống hạn mặn đã triển khai từ năm trước, để không bị bất ngờ trước tình hình có thể diễn biến bất lợi. Riêng tại tỉnh Tiền Giang, để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ và tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân về diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết. Tăng cường kiểm tra, duy tu, nâng cấp các công trình ngăn mặn, dẫn và trữ nước ngọt. Đặc biệt, đối với các huyện phía Đông của tỉnh phải chủ động lập kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn, cháy rừng...
Cống ngăn mặn tại Kiên Giang.
2. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến đồng bằng sông Cửu Long. Khô hạn, nước biển dâng, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng… đã làm khu vực này bị tổn thương nghiêm trọng. Điều đó đòi hỏi các địa phương trong vùng cần chủ động áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tác hại của thiên tai.
Thực tế cho thấy, trong vòng gần 10 năm trở lại đây, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện không theo chu kỳ, thậm chí có những năm lượng nước về rất thấp. Thay vào đó là tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền cả trăm cây số, đã gây thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa và hoa màu, khiến cho hàng triệu người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long lâm vào cảnh thiếu nước ngọt.
Theo các nhà khoa học, khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là hai vùng trũng bao gồm tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, tuy nhiên, hai vùng này không còn nước tích trữ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy mặn ra biển. Vì vậy, thiệt hại do hạn, mặn gây ra cho vùng ven biển khu vực này là rất lớn.
Đáng chú ý, trước tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần có kế hoạch chuyển đổi phương pháp sản xuất với vật nuôi, cây trồng, thích ứng với tình hình khô hạn, thiếu nước ngọt và nội đồng bị nhiễm mặn. Thời gian qua, các tỉnh như Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang… đã đưa vào những mô hình chăn nuôi, trồng trọt thích ứng cao với khô, mặn. Đó là mô hình trồng thanh long, chanh không hạt, dưa lưới; mô hình trồng cây xả, mãng cầu; mô hình trồng dứa, mía, dừa… là các cây trồng tiêu biểu cho vùng giáp mặn, vùng phèn mặn. Hay như mô hình nuôi vịt nước mặn; dê, thỏ cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Tính đến thời điểm này, cả 13 địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long đều đã bị nhiễm mặn, trong đó đã có 11/13 tỉnh/thành độ mặn cao. Để ứng phó với tình hình, cùng với sự chủ động, nỗ lực của từng địa phương thì cũng rất cần sự liên kết liên vùng để có những giải pháp chung. Theo giới khoa học nông nghiệp, địa chất thì để đối phó với khô hạn, nhiễm mặn, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần thực thiện nhiều giải pháp, trong đó phải kể đến:
-Điều chỉnh quy hoạch tổng thể và sản xuất nông nghiệp cho khu vực, quy hoạch sản xuất nông nghiệp phải nằm trong quy hoạch tổng thể gồm phát triển công nghiệp, du lịch và nông nghiệp.
-Lựa chọn cây trồng vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, nước lợ.
-Kiện toàn hệ thống đê, thành lập các khu vực bảo vệ trước lũ, xâm nhập mặn, tạo ra các vùng đất an toàn đối với lũ và xâm nhập mặn, đồng thời chủ động kiểm soát nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn.
-Xây dựng đập ngầm, xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt...