Đồng bằng sông Cửu Long: Sạt lở bủa vây - Bài 1: Bất an bên miệng 'hà bá'

Nguyên Du-Thanh Tiến 18/09/2023 07:00

13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có tới 558 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 740 km. Trong đó, 81 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 137 vị trí sạt lở nguy hiểm. An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu là những điểm nóng về sạt lở với phạm vi, tốc độ sạt lở mạnh. Sạt lở cùng giải pháp chữa lành vết thương những dòng sông và hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người dân vùng ĐBSCL… là những vấn đề nhóm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đề cập trong loạt bài này.

Người dân sống gần bờ sông luôn phải sống thấp thỏm, lo lắng khi tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng. Ảnh: Nguyên Du - Thanh Tiến.

Hơn 1 tháng trôi qua kể từ ngày “hà bá” nuốt trọn căn nhà, gia đình chị Hồ Thị Kim Phượng (xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) vẫn phải dắt díu nhau sang nhà người thân ở nhờ. “Tài sản coi như mất hết. Sáng hôm sau tôi lội xuống sông nhưng chỉ vớt được duy nhất chiếc máy giặt. Lở ngoạm sâu vào bờ đến cả vài mét, loang lổ như những hàm ếch” - chị Phượng kể.

Chỉ 10 phút thôi đã chẳng còn gì…

“Hôm ấy, sau tiếng động lớn, căn nhà bỗng lắc lư mạnh, vách tường kêu răng rắc, chừng 10 phút thôi, cả căn nhà vững chãi đổ ụp xuống dòng sông. May là cả nhà tôi chạy kịp. Dòng sông vốn yên ả, hiền hòa là vậy, nhưng khi nó giận dữ, khó mà nói trước được điều gì” - chị Phượng nhớ lại. Nhà mất rồi, tài sản không còn, chị Phượng bảo, cũng chẳng biết thời gian tới cuộc sống sẽ ra sao.

Cũng tại thị xã Giá Rai, tháng trước, ở phía Bắc sông Cà Mau - Bạc Liêu (địa bàn xã Tân Phong), một vụ sạt lở khiến 13 căn nhà bị sụp phần sau, hơn 80 căn nhà nguy cơ sụp đổ. Xót của, nhiều người bất chấp nguy hiểm, xuống sông để trục vớt những gì còn sót lại, nhưng hầu như là mất trắng.

Ông Huỳnh Thanh Toàn - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Giá Rai cho biết, ngoài phần phía bắc bờ sông, gần đây nhất vào cuối tháng 8/2023, dọc theo tuyến bờ sông xáng Cà Mau - Bạc Liêu phía sau lưng nhà thờ Tắc Sậy sạt lở cả một đoạn, dài đến 150m, chiều sâu khoảng 2m, khiến 104 hộ, tương ứng với hơn 380 khẩu bị ảnh hưởng. Trong đó, sụp lún nhà 14 hộ dân, còn lại có 90 hộ nền nhà rạn nứt, vô cùng nguy hiểm.

“Chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh Bạc Liêu, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, các sở, ngành có liên quan xem xét hỗ trợ cho các hộ dân có nhà bị sạt lở sớm ổn định đời sống, sinh hoạt. Đồng thời đề nghị cấp trên có kế hoạch triển khai dự án Khu tái định cư trên địa bàn thị xã, xem xét bố trí nguồn vốn để xây dựng kè chống sạt lở, đảm bảo ổn định cuộc sống cho 800 hộ dân sinh sống theo tuyến sông này” - ông Toàn nói.

Tại Cà Mau, mỗi mùa mưa bão đến cũng là lúc người dân sống gần những bờ sông luôn trong cảnh thấp thỏm, lo âu. Trong những giấc ngủ vẫn thường trực nỗi bất an, thảng thốt. Ông Trần Văn Đáo (ấp Xẻo Sao, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn) khi nói chuyện với chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại từ “kinh hoàng”.

“Chỉ sau vài phút rung lắc mạnh, căn nhà tôi đổ gần như hoàn toàn xuống dòng sông. Cả cái trại cưa bên cạnh, là nguồn mưu sinh của gia đình cũng không thoát, trôi tuột xuống lòng sông rồi. Trong phút chốc cả nhà rơi vào tay trắng. Nhà tôi 5 người thời gian tới chưa biết xoay xở thế nào” - giọng ông Đáo đượm buồn, mắt dõi xa xăm.

Có lẽ chuyện mất trắng, rồi đứng dậy, làm lại từ hai bàn tay trắng không còn là chuyện lạ đối với những người vùng sông nước như ông Đáo.

Ông Nguyễn Trung Tình - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hải (huyện Năm Căn) cho hay, trên địa bàn xã những tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 10 vụ sạt lở, tuy không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại nhiều về tài sản của nhà nước và nhân dân, gây ra sự bất an trong cuộc sống của bà con.

Chị Hồ Thị Kim Phượng, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về khoảnh khắc căn nhà mình bị sạt lở.

Những con số ám ảnh

Sạt lở bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL không còn là câu chuyện mới nhưng diễn biến ngày càng phức tạp, lan rộng và gia tăng.

Tại TP Cần Thơ từ đầu năm đến nay cũng xảy ra hơn 30 vụ sạt lở, làm bị thương 2 người, sạt hoàn toàn 8 căn nhà, sạt một phần và ảnh hưởng nghiêm trọng 19 căn nhà, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 1.976m.

Cách đây chưa lâu, 7 căn nhà thuộc ấp Mỹ Phước (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) cũng bất ngờ nứt toác, chìm xuống sông Cần Thơ. Thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 10 tỷ đồng. Bà Đỗ Thị Hồng, 57 tuổi kể: Khoảng 2 giờ sáng, con gái tôi nghe tiếng kêu răng rắc ngoài cửa, nền nhà rung mạnh nên đánh thức cả nhà. Lúc này tôi kiểm tra thì thấy tường nhà nứt nên hô hoán, cả nhà chạy. Chúng tôi vừa thoát ra khỏi nhà thì nó đổ sụp xuống sông.

Còn tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 95 điểm sạt lở, làm mất 3.071m bờ sông, ước thiệt hại hơn 8,4 tỷ đồng. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản, diện tích đất bị mất ngày càng tăng.

Thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau từ đầu năm tới nay cũng cho thấy, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 200 vụ sạt lở đất ven sông, cao gần gấp hai lần số vụ so với bình quân của những năm liền kề trước đó, làm hư hỏng nặng 78 nhà dân cùng nhiều công trình hạ tầng do Nhà nước đầu tư, tổng thiệt hại hơn 14 tỷ đồng. Nặng nhất là địa bàn huyện Ðầm Dơi với 145 vụ, làm hư hỏng và thiệt hại 36 nhà dân, 12 cống xổ tôm, 265m kè bê tông, hơn 2,3 km lộ bê-tông, 180m lộ nhựa, ba cây cầu nông thôn…, tổng thiệt hại ban đầu ước tính gần 11 tỷ đồng.

Ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, gần đây UBND tỉnh tiếp tục cập nhật và trình xin Trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 957 ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, với tổng nhu cầu vốn hơn 13.000 tỷ đồng (bao gồm luôn nguồn vốn ODA). Trong đó, tổng kinh phí hỗ trợ để triển khai các phần việc liên quan đến phòng chống sạt lở bờ sông là hơn 9.000 tỷ đồng.

“Khi có nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ưu tiên triển khai các công trình cấp thiết cho hơn 47km chiều dài sạt lở ven sông tại các vị trí đặc biệt nguy hiểm nhằm bảo vệ dân cư và hạ tầng bên trong do Nhà nước đầu tư, đồng thời xúc tiến thêm 8 khu tái định cư để di dời gần 1.400 hộ dân đang sinh sống trong các khu vực sạt lở vào nơi an toàn” - ông Vũ thông tin thêm.

Ông Lai Thanh Ẩn - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ năm 2015 đến tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 35 trường hợp sạt lở. Các đợt sạt lở đã làm thiệt hại 71 căn nhà, bị ảnh hưởng 119 căn nhà (xuất hiện các vết nứt), uớc tính thiệt hại do các đợt sạt lở gây ra gần 23 tỷ đồng.

Vì sao sạt lở tiếp tục tăng?

Những con số ghi nhận số vụ sạt lở ngày càng gia tăng mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Vậy nguyên nhân vì sao sạt lở gia tăng? Ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về môi trường sinh thái ĐBSCL, cho biết, một dòng sông tự nhiên không đứng yên mà luôn tiến hóa dịch chuyển qua lại, sạt bên này bồi bên kia rồi sau đó có thể quay lại bồi bên này sạt bên kia. Trong quá khứ, khi mỗi năm sông Mekong miệt mài mang về khoảng 160 triệu tấn bùn và 30 triệu tấn cát thì sạt lở-bồi đắp là tự nhiên và bồi đắp luôn nhiều hơn sạt lở. Kết quả là đồng bằng luôn nở ra tiến về phía biển Đông khoảng 16m/năm, về hướng Mũi Cà Mau 26m/năm trong 6000 năm bồi đắp.

Tuy nhiên, đến đầu thập niên 1990, khi các đập thủy điện dần xuất hiện trong lưu vực Mekong, bùn cát về ĐBSCL bắt đầu giảm, sạt lở bắt đầu gia tăng. Đến năm 2005 có thể xem là thời điểm ngưỡng khi tốc độ sạt lở đuổi kịp tốc độ bồi đắp. Sau năm 2005 đến nay, sạt lở gia tăng dữ dội, bồi đắp sụt giảm mạnh nên đồng bằng bị teo tóp lại.

Cũng theo ông Thiện, mô hình của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) cho biết đến 2020, lượng bùn hàng năm sông Mekong tải về trong mùa lũ chỉ còn khoảng 49 triệu tấn/năm, so với 160 triệu tấn trước đây thì chỉ còn 1/3. Nếu tất cả các đập trong lưu vực Mekong được xây dựng trên dòng chính và dòng nhánh (khoảng 140 đập) thì 96% lượng bùn sẽ bị giữ lại, chỉ còn 4% về đồng bằng. Khi đó nước về ĐBSCL sẽ rất trong và rất “đói”.

Ông Nguyễn Hữu Thiện.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về môi trường sinh thái ĐBSCL, nguyên nhân chính sạt lở ở ĐBSCL là do thiếu hụt phù sa (bùn, cát), tức là thiếu chính loại vật liệu đã bồi đắp tạo nên vùng đất này. Thiếu bùn thì dòng nước trở thành dòng “nước đói” ăn vào bờ để bù năng lượng. Thiếu cát thì đáy sông bị sâu, nghĩa là bờ bị cao hơn, nặng hơn, dễ sụp đổ hơn. Nguyên nhân đằng sau sự thiếu hụt bùn, cát còn là do các đập thủy điện chặn lại và do hoạt động khai thác cát trên suốt chiều dài sông Mekong, kể cả ở ĐBSCL. Tất cả các yếu tố khác đều là phụ, hoặc là cục bộ tại chỗ, không phải là nguyên nhân chung của hiện tượng sạt lở tràn lan ngày nay.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Sạt lở bủa vây - Bài 1: Bất an bên miệng 'hà bá'