Xã hội

Đồng bằng sông Cửu Long: Tập trung ứng phó với cao điểm hạn mặn

THANH TIẾN 31/03/2024 06:24

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong giai đoạn hạn mặn gay gắt, tuy nhiên theo các chuyên gia, nhờ dự báo sớm và có các biện pháp chủ động để thích nghi, đến nay thiệt hại do hạn không lớn như hồi 2015-2016.

anh-2.jpg
Một tuyến đường giao thông nông thôn ở Cà Mau bị sụt lún.

Các địa phương vẫn tiếp tục tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại, người dân có thể “sống khỏe” trong hạn mặn.

Tiếp tục các biện pháp ứng phó

Ông Lê Ngọc Quyền - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (Tổng cục Khí tượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong 10 năm gần đây, tình hình hạn mặn ở ĐBSCL diễn ra khốc liệt. Đặc biệt là vào những năm 2015-2016, 2019-2020 và 2023-2024.

Thời gian gần đây lũ rất ít và hầu như không có nhưng hạn mặn thì ngày càng nhiều hơn, xâm nhập sâu hơn.

Từ nửa cuối tháng 12/2023 tới nay, khu vực ĐBSCL gần như không mưa, một số nơi có mưa nhưng lượng rất ít, không đáng kể. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%. Dự báo, mùa mưa tại Nam Bộ khả năng sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng từ tuần giữa tháng 5), nắng nóng vẫn tiếp diễn, nền nhiệt cao.

Theo ông Quyền, xâm nhập mặn năm nay diễn ra sớm. “Đến thời điểm hiện tại thì mức độ xâm nhập mặn tại Tiền Giang, Bến Tre cao hơn năm 2015-2016. Tại Bến Tre, sáng 26/3, độ mặn 1/1000 đã xâm nhập cách Cửa Đại 69km, sông Hàm Luông lên đến 72km và sông Cổ Chiên 58km. Độ mặn đo được cao hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, chúng tôi quan trắc tại trạm Mỹ Tho, đợt hạn mặn vừa rồi mặn lên đến 6,8/1000 trong khi đợt hạn mặn 2015-2016 chỉ 3,9/1000”, ông Quyền nói.

Ông Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NNPTNT), cho rằng, cần xem hạn mặn đã là thuộc tính của ĐBSCL, xảy ra hằng năm, chỉ khác nhau là cao hay thấp. Vì vậy, cần quan tâm công tác dự báo, để chủ động. Nếu dự báo tốt thì đảm bảo sản xuất, né được tác hại. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp và cần có giải pháp công trình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi để không phải lo đi chống hạn mặn.

Trước tình hình hạn, mặn xâm nhập gay gắt, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã kiểm tra thực tế để chỉ đạo hướng giải quyết, giúp giảm tối đa thiệt hại cho bà con. Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu, bên cạnh tập trung ứng phó với cao điểm hạn, mặn, ngành nông nghiệp cần quan tâm đến các giải pháp lâu dài.

“Các địa phương cần tuyên truyền cho bà con có ý thức sử dụng nước sinh hoạt cũng như nước sản xuất tiết kiệm. Phát huy các mô hình tưới tiêu tiết kiệm nước, thực hiện thường xuyên liên tục việc rà soát, nạo vét kênh, mương để dự trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Bên cạnh đó ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với địa phương rà soát, lập kế hoạch kiểm tra hoạt động của các cống trên địa bàn, kịp thời sửa chữa những cống xuống cấp. Đảm bảo các cống ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn hoạt động có hiệu quả” - ông Trần Văn Lâu đề nghị.

Tại Bến Tre, ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đề ra 2 giải pháp để ứng phó hạn mặn, trước tiên là bảo vệ nguồn nước cấp cho nước sinh hoạt của nhà máy nước thành phố Bến Tre và các khu công nghiệp. Song song đó, phải bảo vệ vùng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Hiện, tỉnh cơ bản đảm bảo được các phương án dự phòng đưa ra, nhưng nếu thời gian mưa trễ, nắng kéo dài thì sức chịu đựng của các dòng sông và nguồn nước dự trữ trong dân gặp khó khăn.

“Kinh nghiệm của các năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh cho rằng, công tác chuẩn bị, công tác dự báo chính xác, kịp thời sẽ hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra”, ông Thắm nói.

Ông Đỗ Minh Điền - Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi, Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau đã đưa ra giải pháp trước mắt là tăng cường, khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước, thường xuyên theo dõi mực nước trong kênh, khi thấp đến mức báo động thì báo cáo với chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý.

Vì sao nhiều nơi ở Cà Mau, Kiên Giang liên tiếp sụt lún?

Theo thống kê, tính đến 25/3, sụt lún ở Cà Mau xảy ra tại 131 tuyến kênh với 569 điểm bị sụt lún. Còn tại huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), từ đầu năm đến nay, địa phương ghi nhận hơn 3,7km đường sạt lở và có nguy cơ sạt lở.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, đã trực tiếp đi một số vùng sạt lở, sụt lún ở Cà Mau và nhận thấy nguyên nhân của tình trạng này do giải pháp công trình ngăn mặn chưa hợp lý, và điều này cần phải thay đổi.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, đất của ĐBSCL là nền đất yếu, hầu hết đường giao thông được hình thành bên cạnh việc đào các con kênh, mương lấy đất đắp đường. Đất ĐBSCL về mặt cơ học phải có một độ ẩm nhất định, khi độ ẩm quá lớn sẽ gây nhão, khi độ ẩm quá ít lại gây co ngót. Một số công trình ngăn mặn đưa nước ngọt vào, nhưng ở một số thời điểm khí hậu cực đoan, như mùa khô năm 2016, 2020 hay năm nay, vấn đề sụt lún xảy ra, đặc biệt là ở Cà Mau.

Điển hình như ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), có nơi sụt lún tới 2m, dù địa phương áp dụng một số giải pháp như hạn chế xe tải nặng qua các tuyến đường có nguy cơ sụt lún cao, nhưng ngay cả ban đêm không có xe chạy vẫn xảy ra sụt lún, sạt lở cục bộ.

“Tôi đã có những chuyến đi về vùng sụt lún và nhận thấy, với các công trình ngăn được mặn, chúng ta không cho nước mặn vào nhưng rất tiếc là phần cấp nước ngọt bổ sung lại không có, nên đất co ngót, phản áp suất không còn, nên dễ dàng chịu tác động và sụt lún. Đôi khi chúng ta mong muốn ngăn mặn, giữ được ngọt, nhưng đôi khi lại dẫn tới hệ quả khác, và thiệt hại không nhỏ. Đất đã sụt lún rồi thì không còn cách gì có thể nâng lên được. Đấy là thiệt hại chưa tính tới được” - PGS.TS Lê Anh Tuấn thông tin.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ: Con người cũng góp phần gây ra xâm nhập mặn

Trong những năm gần đây, vấn đề hạn mặn thường diễn biến khá phức tạp, xâm nhập sâu vào các hệ thống kênh rạch, với độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở biển Đông và biển Tây cũng như tình trạng suy giảm của nguồn nước đến từ thượng nguồn.

Ngoài ra, lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ít cũng là một trong những yếu tố rất được quan tâm, không chỉ riêng ở Việt Nam mà của các nước trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu nên lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hạn hán, xâm nhập mặn.

Ngoài một số yếu tố tự nhiên nêu trên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn. Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng. Tình trạng khai thác cát lòng sông dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng làm công tác quản lý thủy lợi của nhiều địa phương gặp khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Tập trung ứng phó với cao điểm hạn mặn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO