Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn đến sớm

15/07/2023 07:30

Dự báo trong các tháng đầu mùa khô từ tháng 11/2023-1/2024, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khả năng sẽ đến sớm hơn và gay gắt hơn do ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Ngày 14/7, theo ông Hoàng Phúc Lâm (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia), trong các tháng đầu mùa khô 2023-2024, dự báo mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Do đó, xâm nhập mặn có khả năng đến sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo trong 3 tháng tới, từ tháng 8-10/2023, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85-95%.

Trong khoảng thời gian này nhiệt độ trung bình tại ĐBSCL và các khu vực trên phạm vi cả nước phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Về xu thế mưa, dự báo trong khoảng thời gian từ tháng 8-9/2023, tổng lượng mưa tại lưu vực sông Mekong phổ biến thấp hơn khoảng 5-10%. Riêng tháng 10, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nhìn chung, tổng lượng dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL dự báo có xu thế tăng dần nhưng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%.

Trước mắt, từ nửa cuối tháng 7-9/2023, tại khu vực ven biển Đông Nam bộ xuất hiện 7 đợt triều cường, nhưng mực nước tại trạm Vũng Tàu (khu vực biển Đông Nam bộ) trong các đợt triều cường chỉ ở mức dưới 4,15m. Trong các tháng 11-12/2023, xuất hiện 5 đợt triều cường ở mức cao: Đợt 1 từ ngày 16-18/10, đợt 2 từ ngày 28-31/10, đợt 3 từ ngày 14-17/11, đợt 4 từ ngày 25-29/11 và đợt 5 từ ngày 12-18/12.

“Các đợt triều cường này nếu trùng vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh tràn xuống phía Nam, khu vực trũng, thấp ở cửa sông ven biển, vùng ven biển chịu ảnh hưởng của triều cường tại các tỉnh ven biển khu vực Đông Nam bộ sẽ có nguy cơ ngập, lụt” - ông Lâm lưu ý.

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, từ đầu năm đến ngày 11/7, trên cả nước đã xảy ra 1.072 thiên tai thuộc 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần). Theo Luật Phòng chống thiên tai năm 2013, thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, động đất và các loại thiên tai khác. Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2023.

Theo PV
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn đến sớm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO