Sự ra đời của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCGVN) là một sản phẩm tất yếu là sự kết tinh trên nền tảng Công giáo và nền tảng dân tộc. Có thể xem đó là hai chân đế để UBĐKCGVN từ khi ra đời đến nay dù luôn phải “vượt khó đi lên”.
Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập (1983-2023), ngày 12/7, tại TP.HCM, Trung ương UBĐKCGVN tổ chức buổi Toạ đàm khoa học “Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam với sứ mệnh: Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ”.
Linh mục Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch Trung ương Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo, Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam; ông Võ Văn Thiện, Trưởng Ban Công tác phía Nam, Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam; GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tôn giáo, Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam, ... tới tham dự toạ đàm.
Tham dự về phía TP.HCM có ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành uỷ; bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố.
Toạ đàm nhằm nhìn lại vai trò và những đóng góp của UBĐKCGVN trong việc đoàn kết rộng rãi người Công giáo cùng toàn dân xây dựng và bảo về Tổ quốc với nhiệm vụ cụ thể là thực hiện đường hướng: Giáo hội gắn bó với dân tộc, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những điểm cần khắc phục để Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong giai đoạn mới.
Hoà quyện đạo với đời
Tại buổi toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, có một tổ chức yêu nước của người Công giáo Việt Nam gắn đạo với đời, là hạt nhân của phong trào Người Công giáo kính Chúa yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, sống “tốt đời, đẹp đạo” đó là tổ chức UBĐKCGVN.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, trong Quốc hội có những nhân vật Công giáo tiêu biểu như Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng (Ủy viên chính thức Ban Thường vụ Quốc hội); cụ Ngô Tử Hạ, người đóng vai trò Chủ tịch Quốc hội đầu tiên (tháng 2 -3/1946). Đặc biệt là linh mục Phêrô Phạm Bá Trực, người đỗ 3 bằng tiến sĩ ở Rôma, là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, tham gia cách mạng ngay từ ngày đầu khi dân tộc bước vào cuộc kháng chiến 9 năm. Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là người bạn. Cụ đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội. Linh mục Phạm Bá Trực qua đời tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) ngày 5/10/1954. Trong lời điếu văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về linh mục như sau: “Trong mọi công việc, Cụ đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy với tinh thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính của nhân dân Việt Nam”.
Tính tất yếu sự ra đời của UBĐKCGVN trước hết là sự kết tinh tinh thần yêu nước tự thân của người Công giáo Việt Nam. Tinh thần ấy được thể hiện ngay từ những thời kỳ đầu Công giáo truyền bá vào Việt Nam. Trải qua thời gian từ sự xuất hiện của các linh mục, tu sĩ, trí thức Công giáo có tinh thần dân tộc đến việc hình thành những tổ chức yêu nước ở cả hai miền Bắc, Nam. “Những tổ chức này đặt nền móng và lần lượt trở thành những tổ chức tiền thân của nhau cho sự ra đời UBĐKCGVN hiện nay”, ông Dương khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, với vai trò là “cầu nối” giữa đồng bào Công giáo với các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương, trong những năm qua, UBĐKCG tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Điển hình trong các hoạt động đó là UBĐKCG tỉnh đã tích cực phát động, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sống tốt đời đẹp đạo” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” đến đồng bào Công giáo.
Kết quả, đồng bào Công giáo đã hưởng ứng tham gia đóng góp hàng tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, nguyên vật liệu, bàn giao mặt bằng làm đường giao thông nông thôn, các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh, trong đó nhiều hộ tín đồ công giáo đã hiến hàng trăm m2 đất, ủng hộ hàng chục triệu đồng để xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự.
Tiêu biểu như mô hình khu dân cư “Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững” của xóm Làng Phan, xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên với mô hình trồng ổi theo tiêu chuẩn VIETGAP; mô hình “Dân vận khéo sống tốt đời, đẹp đạo” ở xóm Đồn, xã Bình Thành, xóm Nản, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa… “Hoạt động của Ủy ban ĐKCG rất thiết thực, cụ thể, ý nghĩa, tạo niềm tin đối với giáo dân và là “cầu nối”, tạo sự gắn bó giữa người Công giáo với các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương. Giúp bà con giáo dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm giữ đạo và chu toàn trách nhiệm công dân”, ông Thời nói.
Trung tá Đào Anh Văn, đại diện Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an) cho rằng, toạ đàm có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Chủ đề “Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam với sứ mệnh: Hiệp hành - Chia sẻ - phục vụ” - đây là nội dung mà Giáo hội toàn cầu hướng tới, thể hiện vai trò của người giáo dân trong quá trình xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Theo ông Văn, UBĐKCGVN cần đúc kết lại những tinh hoa của buổi toạ đàm để đưa vào Văn kiện của Đại hội UBĐKCGVN sắp tới. Vị diện Cục An ninh Nội địa cũng chia sẻ về những khó khăn, trong đó có cả những yếu tố khách quan và chủ quan được một số đại biểu nêu ra. Ông Văn mong muốn UBĐKCGVN bên cạnh tuyên truyền các tín đồ của mình cùng nhau thực hiện các phong trào yêu nước, tiếp tục giúp cho Chính quyền được nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt chính đáng của bà con giáo dân.
Phối hợp với Mặt trận thực hiện các phong trào
Ông Trương Đình Căn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương UBĐKCGVN, Phó Chủ tịch UBĐKCGVN tỉnh Lâm Đồng nhận xét, 40 năm qua, UBĐKCGVN đã luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, đổi mới phương thức hoạt động, cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện đường hướng theo tinh thần Thư chung 1980 của Hội “đồng Giám mục Việt Nam “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, và Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Người Công giáo tốt cũng là Người Công dân tốt”.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt chủ đề của Đại hội Đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2023-2028, ông Căn đề nghị thời gian tới UBĐKCG các cấp cần được củng cố và mở rộng ở các địa phương có đông đồng bào Công giáo. Trong đó, Ủy ban cần tập hợp những Người Công giáo bao gồm Linh mục, tu sĩ, giáo dân gắn bó với Giáo hội, có những Linh mục là Quản hạt, Quản xứ, bề trên các dòng tu, các vị chức việc trong Hội đồng mục vụ giáo xứ… phát huy và tranh thủ tối đa các vị trong triển khai các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tại các Giáo xứ, Giáo họ, khẳng định được vị trí, vai trò của Ủy ban Đoàn kết Công Giáo là “Cầu nối giữa Đạo với Đời”.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Văn Thanh đánh giá, các tham luận rất sâu sắc, thông qua các ý kiến có thể hình dung được một cách sinh động về những phong trào, những hoạt động của các chức sắc, đồng bào Công giáo trong việc tham gia nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng bào Công giáo còn đồng tâm giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau nhiều vấn đề khác trong cuộc sống hàng ngày.
Ông Thanh cho biết, hiện nay cả nước số lượng người tham gia UBĐKCG ngày càng đông, điều đó cho thấy vai trò của UBĐKCG ngày càng được nâng lên. Thuận lợi tiếp theo được ông Thanh nêu ra, đó là chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo nói chung đã đầy đủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong khi đó, các phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo hoạt động mạnh, có nhiều phong trào tiêu biểu như lĩnh vực giáo dục, về y tế. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hoá cũng thu được kết quả rất lớn, được Chủ tịch nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý; quan hệ giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Toà thánh Vatican ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
“Từ những điều kiện thuận lợi đó, tôi mong muốn các chức sắc trong cộng đồng Công giáo cả nước cùng kêu gọi đồng bào, các tín đồ của mình tiếp tục tham gia tích cực vào các phong trào của xã hội, góp phần vào xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam phát triển bền vững, văn minh.”, ông Thanh đề nghị.