“Kết quả các phong trào thi đua của đồng bào Công giáo đã góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh. Những cá nhân, tập thể điển hình được tôn vinh hôm như những bông hoa đẹp nhất trong rừng hoa đoàn kết”-đó là phát biểu ghi nhận của ông Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định tại hội nghị biểu dương gương điển hình tiên tiến xuất sắc người công giáo tỉnh Nam Định lần thứ 5 (giai đoạn 2010-2015), do Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh tổ chức h
Nhiều cá nhân, tập thể được tôn vinh tại hội nghị biểu dương
gương điển hình tiên tiến xuất sắc người công giáo tỉnh Nam Định lần thứ 5
Báo cáo của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cho biết: Nam Định là tỉnh đông dân, với trên 2 triệu người, trong đó đồng bào Công giáo chiếm tới 21%. Địa bàn tỉnh có giáo phận Bùi Chu; một phần giáo phận Hà Nội; có 1 Đức Cha, gần 200 Cha, gần 1.000 nam, nữ tu sĩ; 684 nhà thờ giáo xứ, họ. Mỗi một giai đoạn, đồng bào công giáo nơi đây đều có những phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả góp phần cùng nhân dân trong tỉnh xây dựng, phát triển quê hương. Theo đó, 5 năm qua, hưởng ứng phát động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc cũng như Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp, đồng bào Công giáo tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, nổi bật là các hoạt động phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; xây dựng nông thôn mới, các phong trào “từ thiện bác ái”; khuyến học, khuyến tài; giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao đời sống đạo…
Thi đua phát triển kinh tế, những năm qua ngoài duy trì năng suất lúa lúa từ 120 tạ-145 tạ thóc/ha/năm, nhiều hộ nông dân ở nhiều giáo xứ, giáo họ trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi sản xuất, hình thành được những mô hình sản xuất cho giá trị thu nhập cao như như trồng rau màu vụ đông trên đất hai lúa; nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô gia trại, trang trại; trồng cây dược liệu… Ở xứ Trực Hùng (Trực Ninh), ông Đoàn Văn Sáu được nhiều người trong tỉnh biết đến không chỉ bởi ông đang đứng đầu doanh nghiệp Cường Tân-chuyên kinh doanh các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp “ăn lên làm ra” mà còn bởi cách ông đang cùng với nhiều hộ nông dân trong tỉnh làm giàu trên đồng ruộng quê mình. Theo đó, vào năm 2008, dù quy mô doanh nghiệp của mình khi ấy vẫn còn nhỏ bé ông Sáu vẫn dám huy động vốn, bỏ ra 10 tỷ đồng để mua bản quyền giống lúa lai TH 3-3. Để sản xuất được loại giống lúa ngắn ngày, năng suất cao này, ông Sáu và nông dân địa phương cùng bắt tay thực hiện một mô hình làm ăn mới, theo cách: nông dân cho Cường Tân thuê lại đất ruộng để sản xuất lúa giống, sau đó chính họ trở thành người lao động của công ty. Quá trình sản xuất, ruộng đất của bà con được Cường Tân đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa nhiều khâu sản xuất. Bản thân họ được tập huấn, trang bị kỹ năng, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt, sản phẩm lúa giống nông dân sản xuất ra được doanh nghiệp cam kết thu mua là yếu tố quan trọng nhất giúp họ yên tâm tham gia mô hình. Sau mấy năm vận hành, mô hình đã chứng minh được tính hiệu quả trên nhiều phương diện, nhất là mang lại thu nhập “kép” cho hàng trăm hộ nông dân địa phương, bao gồm thu nhập từ cho thuê đất, lợi nhuận từ sản xuất lúa giống, cao hơn hẳn so với khi họ còn sản xuất đơn lẻ. Với quy mô 280 ha đất chuyên sản xuất lúa giống, trải rộng trên nhiều cánh đồng của nhiều huyện trong tỉnh, hàng năm cung cấp một lượng giống lúa lớn cho nông dân trong và ngoài địa phương. Mô hình doanh nghiệp, nông dân kết hợp sản xuất lúa giống này đang được đánh giá là điển hình trong sản xuất nông nghiệp ở Nam Định vì đã tạo dựng được mối liên kết 4 nhà: nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Không chỉ có vậy, theo Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có khoảng trên 300 doanh nghiệp, công ty, HTX sản xuất do người công giáo đứng đầu, làm chủ. Ngoài tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục nghìn lao động, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong số này còn đang góp phần quan trọng duy trì, phát triển nhiều ngành nghề truyền thống của địa phượng. Đơn cử, ở xứ đạo Kiên Lao (Xuân Trường) hiện có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cơ khí. Không chỉ làm ra những sản phẩm gia dụng thông thường như dao, kéo, các loại nông cụ như lưỡi cuốc, lưỡi xẻng, người thợ Kiên Lao còn tự thiết kế, sản xuất ra nhiều loại máy móc công cụ hỗ trợ đắc lực cho đời sống nông nghiệp, nông thôn như máy tuốt lúa, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy trộn đảo bê-tông, máy nghiền rác thải...Quan trọng hơn, nhờ khôi phục, phát triển được nghề cơ khí truyền thống của ông cha, hầu hết các hộ dân ở xứ đạo Kiên Lao đều có cuộc sống khá giả.
Đặc biệt, 4 năm trở lại đây, đồng bào Công giáo ở Nam Định tích cực hưởng ứng phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” do Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh phát động, thiết thực góp phần đưa Nam Định trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về kết quả bước đầu xây dựng Nông thôn mới. Hưởng ứng phong trào, hầu hết các hộ gia đình nông dân công giáo trong tỉnh đã tham gia thực hiện dồn điền đổi thửa-khâu đột phá trong xây dựng Nông thôn mới-theo chủ trương, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trong thời chiến, để kịp làm đường, làm cầu cho xe qua nhiều gia đình đã sẵn sàng dỡ nhà, dỡ cửa. Câu chuyện đẹp đẽ này thời gian qua được nhiều gia đình công giáo ở Nam Định “viết lại” bằng việc sẵn sàng hiến đất thổ cư, thổ canh cho làng, cho xã làm đường giao thông, làm công trình thủy lợi và nhiều công trình công cộng khác. Một trong những người đã viết lại câu chuyện này là ông Trần Văn Vượng-giáo dân giáo họ cầu Bo, xã Yên Phương, huyện Ý Yên. Ông chia sẻ, khi tỉnh Nam Định triển khai dự án làm đường 57. Khi qua nhà ông, thiết kế của con đường “ngoạm” mất 30 m2 đất thổ cư của gia đình. Thay bằng việc yêu cầu dự án đền bù theo quy định của pháp luật như nhiều người khác thường làm, ông đã hiến toàn bộ số diện tích đất trị giá đến vài trăm triệu đồng trên cho dự án. Tương tự, ở xứ Lạc Đạo, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng), khi con đường Dây Nhất-Chợ Gạo chạy qua địa bàn được mở rộng, nâng cấp, 170 gia đình giáo dân ở đây cùng tham gia hiến đất mở rộng đường, không nhận tiền đền bù, riêng gia đình chánh trương xứ Lạc Đạo Trần Văn Đĩnh hiến tới 100m2 đất thổ cư. Ở xứ Kiên Chính, xã Hải Chính (Hải Hậu), gia đình ông Vũ Ngọc Lân đã sẵn sàng hiến đến 200m2 đất thổ cư, không nhận, dù chỉ một đồng tiền đền bù để phục vụ việc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch Nông thôn mới của xã...
Theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định, hướng vào mục tiêu xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp trong tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giúp đỡ đồng bào công giáo trong tỉnh thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước; tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động do Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động, nhất là phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”; tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “”Xây dựng xứ họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”, thiết thực góp phần thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”...