Hơn 20 năm trước, cây sa nhân đã bắt đầu bén rễ ở xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), tập trung ở bản Lồng - một trong 7 bản của xã, nằm trên con đèo Pha Đin. Đến nay, toàn xã có hơn 120ha cây sa nhân, là địa phương có diện tích trồng sa nhân lớn nhất tỉnh Điện Biên.
Nông dân xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo trao đổi kỹ thuật trồng cây sa nhân.
Đời sống người dân được nâng lên từng ngày
Nằm cách trung tâm xã Tỏa Tình khoảng gần 10km, bản Lồng với hơn 100 hộ, đều là dân tộc Mông, trong một thung lũng được bao bọc xung quanh là núi cao.
Ở bản Lồng, sa nhân được trồng mọi nơi, bên hiên, sau nhà, lưng chừng núi, trên nương, xen kẽ dưới tán rừng, dưới gốc sơn tra, đào…Cả bản có hơn 100 hộ, nhà nào cũng trồng cây sa nhân, ít thì gần 1ha, nhiều thì từ 3 đến 4ha.
Hiện nay, trong tổng số hơn 120ha diện tích cây sa nhân của xã Tỏa Tình thì 100% diện tích ở bản Lồng (khoảng 90ha) đã cho thu hoạch, còn sa nhân ở bản Tỏa Tình (khoảng 30ha) chưa thu hoạch đại trà.
Tại bản Lồng, vợ chồng anh Mùa Sáy Tòng, chị Vàng Thị Dua là hộ đầu tiên trồng cây sa nhân. Đa phần diện tích sa nhân ở đây đều lấy giống từ vườn sa nhân của vợ chồng anh Tòng, chị Dua.
Chị Vàng Thị Dua cho biết, năm 1993, gia đình chị lấy giống sa nhân xanh ở Mộc Châu (Sơn La) về trồng. Từ 7 cây sa nhân ban đầu, sau gần 4 năm trồng, chăm sóc và nhân giống, gia đình chị đã sở hữu gần 1.000 cây sa nhân và đến nay, qua quá trình nhân giống, trồng mới gia đình chị đã có hơn 3ha cây sa nhân, 100% diện tích đều cho thu hoạch.
Sa nhân thuộc loại cây thân thảo, rất giống như cây riềng, lá mọc so le có bẹ dài, phiến lá hình bầu dục, mặt lá xanh thẫm, nhẵn. Thân cây cao từ 1,5m đến hơn 2m, có nơi khí hậu thuận lợi, thổ nhưỡng tốt cây vươn cao hơn 3m. Rễ cây là bộ phận phát triển nhất, to gần bằng ngón tay, nằm dưới lớp đất mỏng rồi đội đất mọc thành chồi non, phát triển thành cây con. Cứ khoảng sau 3 năm phát triển thành cây trưởng thành thì cho thu hoạch quả. Sa nhân là loại có dược tính cao, có giá trị, được dùng trong y học.
Theo chị Vàng Thị Dua, hơn 10 năm nay, giá trị của cây sa nhân trong bản càng được nhiều người biết đến, từ đó thị trường cho quả cây sa nhân càng mở rộng, đầu ra ổn định hơn. Từ lợi nhuận kinh tế, nhận thấy cây sa nhân phát triển tốt và tiềm năng đất đai sẵn có nên người dân trong bản đã mạnh dạn trồng sa nhân. Hiện nay, sa nhân có giá bán tại chỗ từ 85 đến 90.000 đồng/kg quả tươi, quả khô có giá 470 đến 500.000đồng/kg. So với năm 2018, giá bán có giảm nhưng không nhiều. Việc tiêu thụ quả sa nhân, nhiều năm qua thương lái cho xe tải vào tận bản để thu mua. Ước năm nay, gia đình chị Dua thu về hàng trăm triệu đồng từ việc bán quả sa nhân.
Không chỉ riêng gia đình anh Tòng, chị Dua mà nhiều hộ gia đình khác trong bản đã thoát nghèo, kinh tế ổn định và từng bước vươn lên làm từ cây sa nhân.
“Thủ phủ” của cây dược liệu quý
Hiện nay, xã Tỏa Tình là địa phương có diện tích trồng sa nhân lớn nhất tỉnh Điện Biên; riêng bản Lồng, với việc sở hữu hơn 120ha trở thành “thủ phủ” của loại cây dược liệu quý này.
Nhiều năm qua, trong 3 loại cây trồng chủ lực, mang lại kinh tế lớn, phá thế “độc canh” cây lúa, ngô trên nương và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu nông nghiệp của xã Tỏa Tình là cây sa nhân, sơn tra (táo mèo) và cà phê. Cây cà phê được trồng ở vùng có độ cao dưới 700 m so với mực nước biển, từ độ cao 800m đến hơn 1.000m thì người dân trồng cây sơn tra và cây sa nhân. Cùng với khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù của vùng cao Tỏa Tình, đặc biệt hơn, cây sa nhân có thể trồng, phát triển mạnh mẽ dưới tán cây sơn tra, dưới tán rừng nên Tỏa Tình rất thích hợp để nhân rộng loại cây trồng có giá trị này.
Theo những hộ dân trồng sa nhân lâu năm trên địa bàn, công chăm sóc cây sa nhân rất ít, chủ yếu chỉ làm cỏ dưới gốc để giữ chất dinh dưỡng tự nhiên trong đất cho cây, sau thời gian từ 2 đến 3 năm thì không phải chăm sóc nữa. Quá trình từ khi cây con đến lúc trưởng thành, cho thu hoạch quả mất 3 năm, sau đó cây mọc kín mặt đất, người dân chỉ đợi đến mùa để thu quả, xuất bán ra thị trường.
Ông Mùa Sáy Tòng, bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết, ngoài lợi ích giữ độ ẩm cho đất, chống xói mòn thì giá trị kinh tế của cây sa nhân là rất lớn, hơn gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn, lúa trên nương. Nhiều hộ gia đình trong bản làm được nhà mới, mua sắm xe máy, tivi...cũng nhờ trồng cây sa nhân mang lại.
Ông Mùa A Chìa cho biết, gia đình có khoảng 2ha sa nhân, năm nay là năm thứ 3 vườn cho thu hoạch quả. Trước đây diện tích này gần như bỏ hoang, nhưng thấy các hộ khác trồng sa nhân cho hiệu quả kinh tế cao nên gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây sa nhân. Do quả sa nhân có giá cao, thị trường đầu ra cho sản phẩm ổn định nên lượng quả thu hoạch đều bán chạy. Từ nguồn thu nhập bán quả sa nhân, gia đình đã trả được nợ và có tích lũy tài chính, phát triển kinh tế.
Theo ông Sùng A Chu, Phó Chủ tịch UBND xã, ngoài cây sa nhân xanh, hiện nay nhiều hộ dân ở Tỏa Tình cũng đã thử nghiệm trồng cây sa nhân tím, nếu loại sa nhân tím phát triển tốt, cho quả sai thì người dân địa phương có thêm cơ hội phát triển kinh tế hơn nữa; thực tế quả sa nhân tím có giá bán ra thị trường cao hơn so với sa nhân xanh.
Cũng theo ông Sùng A Chu, việc lựa chọn một số loại sản phẩm có lợi thế địa phương theo tiêu chí Ocop theo Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Điện Biên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, xã Tỏa Tình đã đăng ký 3 loại sản phẩm; trong đó, có sa nhân xanh (lựa chọn tại 5 hộ ở bản Lồng). Đây vừa là thách thức cũng là cơ hội để sa nhân bản Lồng nói riêng, của xã Tỏa Tình nói chung khẳng định chất lượng, thương hiệu trên thị trường và vươn xa ngoài tỉnh.
Việc xã Tỏa Tình đầu tư mở rộng, nâng cấp bê tông hóa tuyến đường dài 5km từ bản Lồng đến trung tâm xã để đấu nối với quốc lộ 279 cũng là hướng đi có tính chiến lược giúp đồng bào đi lại dễ dàng và thương lái ở tỉnh khác vào bản thu mua quả sa nhân thuận lợi hơn, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Cây sa nhân dễ trồng.
Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu được nhiệt độ lạnh, phù hợp với thổ nhưỡng vùng núi cao, quả lại có giá trị, đầu ra ổn định nên những năm gần đây sa nhân trở thành một trong những loại cây xóa đói, giảm nghèo, là hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong phát triển nông nghiệp của nông dân vùng cao xã Tỏa Tình.